Đã xác định được hàng nghìn danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin
Theo Cục Người có công, đã có hàng nghìn danh tính liệt sĩ được xác định nhờ phương pháp thực chứng kết hợp giám định ADN.
Thực hiện Quyết định 150/2013 của Thủ tướng về phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch trên. Đến nay, cơ quan chức năng xác định được danh tính hàng nghìn liệt sĩ.
2 phương pháp xác định danh tính liệt sĩ
Theo Cục Người có công, sau khi có Quyết định 150/2013 của Thủ tướng, đơn vị lập tức bắt tay xây dựng các chính sách cũng như phối hợp với Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoàn thành đầu tư nâng cấp cơ sở giám định gen của Viện Pháp y quân đội và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Nội vụ đã tham gia Bản Ghi nhớ Ý định (MOI) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về việc hợp tác nâng cao năng lực định danh hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh. Đây là một phần trong nỗ lực chung nhằm làm sáng tỏ thông tin, trả lại danh tính cho những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
Với sự chuẩn bị trên, các đơn vị chức năng đang tiến hành xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN.

Công an TP.HCM đến từng gia đình để lấy mẫu thân nhân liệt sĩ để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN
Kết quả, từ năm 2014 đến nay, phương pháp thực chứng được triển khai tương đối hiệu quả. Cụ thể, thông qua thông tin về đồng đội, đơn vị, thân nhân và thông tin về quy tập… Trung tâm Tư vấn và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ, Cục Chính sách - Xã hội (Bộ Quốc phòng), xác định được 5.055 liệt sĩ.
Với phương pháp giám định ADN, các cơ quan chức năng tiến hành thu nhận 44.516 mẫu hài cốt liệt sĩ và 7.251 mẫu thân nhân liệt sĩ. Các đơn vị đã phân tích được 28.559 mẫu (gồm 9.382 mẫu hài cốt liệt sĩ và 7.251 mẫu thân nhân liệt sĩ); số mẫu chưa phân tích được lưu trữ khô tại các cơ sở giám định chờ giám định.
Hiện, cơ quan chức năng thực hiện so sánh, đối khớp 1.479 trường hợp có quan hệ huyết thống với thân nhân liệt sĩ. Kết quả giám định ADN được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
“Trên cơ sở đó, cục tiến hành báo tin cho thân nhân và chỉnh sửa thông tin ghi trên bia mộ liệt sĩ đối với các trường hợp đã được xác định danh tính bằng hai phương pháp nêu trên…” - đại diện Cục Người có công cho hay.
Đẩy mạnh công tác xác định danh tính liệt sĩ
Về công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Cục Người có công đã chỉ đạo các tỉnh thành phối hợp với lực lượng công an khảo sát thu thập thông tin liệt sĩ chưa xác định thông tin phần mộ và thân nhân phục vụ công tác thu nhận mẫu thân nhân trong quá trình cấp căn cước.
Song song đó, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia; trình kế hoạch triển khai thu nhận mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ sau khi kiện toàn Ban Chỉ đạo.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét tính khả thi về mặt kỹ thuật, công suất thu nhận mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu thân nhân liệt sĩ để phục vụ công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Tuy nhiên, Cục Người có công nhận diện còn những khó khăn trong công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Bởi lẽ, hài cốt liệt sĩ đã chôn cất trên 50 năm, nhiều hài cốt không lấy được mẫu để phân tích, hoặc lấy được mẫu nhưng chất lượng ADN không đạt để so sánh, đối khớp với thân nhân.
Người có quan hệ huyết thống với liệt sĩ đa số đã già yếu hoặc không còn người để lấy mẫu theo dòng mẹ. Hài cốt liệt sĩ được di chuyển nhiều lần (từ nghĩa trang mặt trận về nghĩa trang địa phương, quy hoạch nghĩa trang); thông tin về nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu hạn chế.
Thêm vào đó, một số cơ sở được nâng cấp nhưng chưa đồng bộ, thiết bị, máy móc cũ, đội ngũ giám định viên còn thiếu. Công nghệ chưa hiện đại và đa dạng (chỉ phân tích ADN ty thể)…
Để công tác này được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới, Cục Người có công cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng làm tốt hơn nữa các công tác nêu trên.
Cục sẽ cùng Bộ Công an phối hợp các đơn vị giám định tiếp nhận dữ liệu thông tin ADN liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ đã được phân tích; so sánh, khớp nối kết quả giám định ADN của mẫu hài cốt liệt sĩ đang lưu trữ tại các đơn vị giám định với kết quả giám định ADN của mẫu thân nhân liệt sĩ tại ngân hàng gen (ADN) của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với Bộ Tài chính ban hành đơn giá đặt hàng đối với dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Cục Người có công cũng có văn bản đề xuất Thủ tướng cho cơ chế để xây dựng đơn giá giám định ADN; cơ chế đặt hàng đối với kinh phí bảo quản mẫu hài cốt liệt sĩ, mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin ở dạng thô trong thời gian chờ giám định ADN tại các cơ sở giám định ADN từ năm 2023 đến nay…
"Mục đích của chúng ta là triển khai nhanh nhất việc xác định danh tính liệt sĩ, để xoa dịu bớt nỗi đau mòn mỏi chờ đợi thông tin của những người mẹ, người vợ và gia đình liệt sĩ..." - đại diện Cục Người có công cho hay.
Còn 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cho biết thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nỗ lực hơn nữa trong tìm kiếm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Bởi lẽ, hiện vẫn còn đó 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.