Đại biểu đề nghị đẩy nhanh mốc tăng lương

Để bù đắp trượt giá, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, từ 1/1/2023 thay vì mốc 1/7/2023 như dự kiến.

Tăng lương cơ sở và bình ổn giá là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt vấn đề tại phiên chất vấn về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 27/10.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng từ 1/7/2019 đến nay, tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh, trong khi đó hàng năm chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng khoảng 4% làm cho tiền lương thực tế và chất lượng cuộc sống giảm xuống.

"Điều này tạo sự chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư”, theo ông Phương.

Phải có giải pháp giữ chân người tài

Dành toàn bộ thời gian phát biểu chia sẻ về vấn đề tăng lương cơ sở, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết thời điểm tăng lương gần đây nhất đã là 4 năm, từ tháng 7/2019.

Do nhiều nguyên nhân, mức lương cơ sở giữ nguyên cho đến nay. Điều đó gây ra nhiều ảnh hưởng, thậm chí dẫn đến tình trạng chuyển việc, nghỉ việc thời gian qua.

“Đất nước đang phục hồi kinh tế sau gần 3 năm tập trung chống dịch, ai cũng hiểu gánh nặng ngân sách không thể gồng gánh khoản chi phí khổng lồ để tăng lương hàng năm, do vậy lần tăng lương này là nỗ lực lớn. Để tăng mức 20,8% lương cơ sở, Chính phủ phải dành tới 44.000 tỷ đồng”, ông Thái ghi nhận.

Song, để bù đắp trượt giá, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, tăng từ 1/1/2023 thay vì mốc 1/7/2023 như dự kiến.

“Nhưng lương cơ sở tăng có giữ chân được cán bộ công chức trong khu vực công không?”, ông Thái đặt câu hỏi và cho rằng lương tăng là đáng mừng nhưng không phải giải pháp dài hơi để giữ chân cán bộ công chức trong khu vực công.

 Đại biểu Nguyễn Huy Thái. Ảnh: Phạm Thắng.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái. Ảnh: Phạm Thắng.

Theo đại biểu, việc đẩy nhanh cải cách chính sách tiền lương mới là giải pháp căn cơ - điều này lẽ ra đã được thực hiện từ 2021 nếu không phải tập trung chống dịch.

Trong điều kiện năm 2023 nếu phát triển tốt, ông Thái đề nghị cải cách tiền lương ngay. Cử tri trông mong sớm cải cách tiền lương vì đây là vấn đề cấp thiết. "Lương cơ sở tăng là rất quý nhưng thực chất chưa đủ để xóa bỏ khoảng cách giữa lương khu vực công và tư, giữa khu vực Nhà nước và thị trường”, theo vị đại biểu tỉnh Bạc Liêu.

Chia sẻ việc hàng chục nghìn cán bộ nghỉ việc là vấn đề đáng quan tâm, ông Thái cho rằng điều chỉnh tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương là giải pháp cơ bản ngăn cán bộ chuyển từ công sang tư. Ông nhấn mạnh phải có giải pháp để cạnh tranh, giữ chân người tài, người có năng lực ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp.

Sau cùng, ông chia sẻ lo lắng của cử tri về tình trạng “lương chưa tăng, giá cả đã nhanh chân chạy trước”.

“Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường. Giá xăng tăng, thực phẩm tăng, phí dịch vụ tăng… dồn gánh nặng lên vai người lao động, chen chân và chi phối từng bữa cơm của hàng ngày của họ. Cho nên, tăng lương và cải cách chỉ thực sự có giá trị khi Chính phủ thực hiện tốt việc bình ổn giá cả thị trường”, ông Thái nhấn mạnh.

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2023

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) nhìn nhận kinh tế chưa phát triển bền vững, sức chống chịu của nền kinh tế còn yếu.

Ông đề nghị Chính phủ chủ động kịch bản ứng phó lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu, báo cáo Quốc hội để chủ động ứng phó chính phù hợp.

Bên cạnh đó, cần linh hoạt, công khai các chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá để doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn.

Đặc biệt, vị đại biểu đề nghị sớm tăng lương đi kèm với cải cách tiền lương để giúp cán bộ trong hệ thống có thêm động lực, giảm bớt hệ lụy nhân lực rời bỏ khu vực công như vừa qua.

Trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Quốc hội hôm 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023, Chính phủ dự tính chi thêm khoảng 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong năm 2023 sẽ chưa thực hiện cải cách tiền lương. Thay vào đó, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%).

Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo cũng khoảng 12,5%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Thời điểm tăng lương từ 1/7/2023.

Thể hiện chính kiến về việc này trước phiên thảo luận chung về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng lương cơ sở sớm từ 1/1/2023 thay vì thời điểm 1/7/2023 như dự kiến.

Hoài Thu - Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-bieu-de-nghi-day-nhanh-moc-tang-luong-post1369291.html