Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia ý kiến các dự án luật

Trong chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu HÀ SỸ ĐỒNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia ý kiến như sau:

Không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Chúng ta chỉ nên đặt ra vấn đề cấm khi đó là giải pháp cuối cùng, không còn cách nào khác để quản lý thì mới cấm.

Hiện nay có nhiều vấn đề đòi nợ thuê biến tướng thành các dạng tội phạm bạo lực, quấy rối, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhưng nguyên nhân nằm ở việc chúng ta quản chưa tốt, chứ chưa đến mức phải cấm. Quy định về quản lý ngành dịch vụ đòi nợ thuê đã có từ năm 2007, đến nay là 13 năm. Vấn đề nằm ở việc nghị định này có quá nhiều điểm bất cập, không phù hợp để kiểm soát những tác động tiêu cực của hoạt động đòi nợ thuê.

Có 3 vấn đề lớn của nghị định này như sau:

Thứ nhất, vấn đề quan trọng nhất là người chủ trì, chịu trách nhiệm quản lý ngành nghề đòi nợ thuê là Bộ Tài chính. Nhưng công tác tài chính chủ yếu làm trên sổ sách hoặc tài chính công, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán, thuế, hải quan… mà thôi. Trong khi vấn đề phát sinh lớn nhất của quản lý dịch vụ đòi nợ lại chính là tình trạng bạo lực, quấy rối phát sinh. Mà những vấn đề này thì cán bộ ngành tài chính rất khó có thể xử lý được.

Thứ hai, cơ quan cấp phép dịch vụ đòi nợ thuê là cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc cấp phép chỉ như cấp phép doanh nghiệp thông thường. Các điều kiện rất dễ đáp ứng. Trong khi cơ quan đăng ký kinh doanh này không có chức năng, nhân lực, vật lực để theo dõi xử lý vi phạm, tước giấy phép của đơn vị đòi nợ thuê vi phạm pháp luật. Đơn vị có thẩm quyền xử phạt là Sở Tài chính, Bộ Tài chính cũng không có đủ sức để xử lý. Quan trọng hơn là các cơ quan này không có động lực để xử lý.

Trong khi đó, đáng lý ra, cơ quan nên đứng ra làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý dịch vụ đòi nợ thuê là cơ quan công an, tương tự như các dịch vụ cầm đồ, dịch vụ bảo vệ. Nhưng nghị định lại không nhắc gì đến trách nhiệm phối hợp của cơ quan công an. Do đó, rất cần thiết phải chuyển chức năng quản lý dịch vụ đòi nợ về cho ngành công an.

Thứ ba, các biện pháp quản lý rất lỏng, không rõ ràng và đặc biệt là không có giám sát. Nhưng thực tế thì vi phạm không có ai xử lý, như vậy tức là chúng ta chưa quản tốt. Mà chính xác là gần như không quản gì, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc như nhiều đại biểu đã nêu.

Bản chất vấn đề ở đây là chúng ta tìm ra điểm cân bằng. Nếu quản lý chặt quá thì dịch vụ này không phát huy được hiệu quả. Các chủ nợ sẽ rất khó có thể đòi nợ và kết quả là nợ cứ nằm ở đó, tạo thành “cục máu đông” trong nền kinh tế. Nhưng ngược lại, nếu thả lỏng quá như hiện nay thì gây ra rất nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Nếu lần này đưa ra biện pháp cấm thì không khác gì chúng ta chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Tức là từ chỗ gần như không quản sang cấm tuyệt đối, chưa quản đã cấm. Trong khi đó, trên thế giới chưa thấy nước nào cấm hoạt động này, mà quan trọng là tìm được biện pháp quản lý phù hợp, hài hòa, cân bằng.

Do đó, kiến nghị Quốc hội không đưa dịch vụ này vào danh mục cấm, nhưng cần giao nhiệm vụ rõ ràng, triệt để cho Chính phủ để Chính phủ giao Bộ Công an quản lý hoạt động này.

* Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, đại biểu HOÀNG ĐỨC THẮNG, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu tham gia ý kiến như sau:

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai:

1. Tại khoản 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6: Tại khoản 1, Điều 6: Nguồn nhân lực cho hoạt động phòng chống thiên tai (PCTT), dự thảo luật quy định 5 nhóm nhân lực và cũng chỉ mới dừng lại ở nguồn nhân lực trong nước; trong khi đó việc PCTT trong nhiều trường hợp cụ thể đã vượt ra ngoài biên giới, lãnh thổ quốc gia hoặc trong những trường hợp do thảm họa về thiên tai cần có sự giúp sức, hỗ trợ, hợp tác quốc tế; hay nói cách khác PCTT đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Trong thực tế, chúng ta đã tham gia các hiệp định quốc tế và đang làm tốt việc hợp tác quốc tế về PCTT và Việt Nam cũng thể hiện là thành viên có trách nhiệm trong các hoạt động phối hợp, hợp tác quốc tế về PCTT. Do đó, tôi đề nghị bổ sung thêm nhóm về “nguồn nhân lực của cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế” trong trường hợp này là phù hợp. Đồng thời, nó cũng phù hợp với các nội dung về hợp tác quốc tế về PCTT trong dự luật này.

2. Tại khoản 6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9: Ngân sách nhà nước dành cho PCTT là nguồn lực quan trọng và chủ động để thực hiện nhiệm vụ PCTT. Tuy nhiên, ngoài các nhiệm vụ chi như dự thảo đã quy định, thì còn một số nhiệm vụ cấp thiết phải thực hiện cần quy định nguồn bảo đảm vào dự luật như: Công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao nhận thức cộng đồng, lập các loại bản đồ, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai và các hoạt động PCTT khác. Do vậy, đề nghị bổ sung nội dung chi trên đây và diễn đạt nội dung này đầy đủ như sau: “Ngân sách nhà nước cho PCTT được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản, lập các loại bản đồ phục vụ PCTT; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình PCTT; các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách thực hiện công tác PCTT; hỗ trợ thiệt hại do thiên tai; các hoạt động PCTT khác; các hoạt động thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước về PCTTcác cấp. Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động PCTT được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”

3. Tại khoản 23. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 44: Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nêu rõ yêu cầu cần thiết về bộ máy chuyên trách tham mưu, giúp việc BCH PCTT& TKCN cấp tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo luật lại không thể hiện được yêu cầu này. Cụ thể là: Sửa đổi bổ sung khoản 3, Điều 44 dự thảo quy định: “BCH PCTT &TKCN cấp tỉnh sử dụng bộ phận hiện có của cơ quan chuyên môn về NN&PTNT thuộc UBND cấp tỉnh làm chuyên trách để tham mưu, giúp việc”; theo tôi quy định như vậy là không rõ ràng về tư cách pháp nhân, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, thiếu tính hợp pháp khi vận hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN là tổ chức hoạt động có tính chất kiêm nhiệm, nhất thiết cần có văn phòng thường trực, giúp việc mới có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong những lúc thiên tai khẩn cấp xảy ra và trong thực tế thời gian qua văn phòng này đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Vậy tại sao lại không định danh cho “Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN”, mà phải dùng thuật ngữ “bộ phận hiện có” không chính danh, khó hiểu này? Mặt khác, đây không phải chỉ là một tên gọi, mà chính là xác định pháp nhân cho một tổ chức, bộ máy tham mưu, giúp việc cụ thể. Vì thế, đề nghị luật cần định danh rõ về Văn phòng thường trực BCH để văn phòng có đủ điều kiện pháp lý trong thực hiện các quan hệ giao dịch, quan hệ công tác, thực hiện nhiệm vụ do BCH PCTT&TKCN giao; và thiết kế theo hướng Văn phòng BCH sử dụng nhân sự của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và PTNT là phù hợp, không tăng thêm tổ chức, biên chế. Theo đó, diễn đạt lại như sau: “BCH PCTT & TKCN các cấp do Chủ tịch UBND cùng cấp làm trưởng ban. BCH PCTT & TKCN cấp tỉnh có văn phòng làm nhiệm vụ thường trực, được sử dụng nhân sự của cơ quan chuyên môn về NN& PTNT thuộc UBND cấp tỉnh làm chuyên trách để tham mưu, giúp việc”.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều: Trong thực tiễn hiện nay các công trình kè chống sạt lở đã được đầu tư xây dựng tại rất nhiều khu vực dọc bờ sông, bờ biển tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý đối với các công trình này chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, dẫn đến khó khăn, lúng túng, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đặc biệt trong đó có việc xây dựng các quy định về phạm vi bảo vệ kè và các hoạt động liên quan đến kè phải được cấp giấy phép nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung liên quan đến kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển vào dự thảo luật nhằm đảm bảo thuận lợi, thống nhất trong quản lý.

Nguyễn Thị Lý - Phương Thanh (tổng hợp)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=148768