Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về thông tin 'lộ, lọt đề thi Ngữ văn'

Phó giáo sư Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Đề thi, Ban chỉ đạo Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 cấp quốc gia cho hay, phải trùng cả về đoạn trích và lệnh hỏi mới được coi là lộ, lọt đề Ngữ văn.

Thí sinh dự thi môn Ngữ văn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thí sinh dự thi môn Ngữ văn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Phải trùng cả về đoạn trích và lệnh hỏi mới được coi là lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn. Với đề thi môn Ngữ văn của Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay, không thể nói là lột, lọt đề. Hội đồng ra đề thi khẳng định đề thi môn Ngữ văn không lộ, lọt.”

Đây là khẳng định của Phó giáo sư Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Đề thi, Ban chỉ đạo Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 cấp quốc gia tại buổi họp báo chiều nay, 28/6, khi ngay trước kỳ thi đã có thông tin môn Ngữ văn "gọi tên bài thơ Đất nước của nhơ Nguyễn Khoa Điềm" và đây cũng chính là tác phẩm được sử dụng trong đề thi chính thức môn Ngữ văn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đề thi môn Ngữ văn được ra theo hướng mở, liệu việc chấm thi có mở không khi thí sinh có thể đưa ra các quan điểm cá nhân, ông Phạm Ngọc Hà cho hay với mỗi đề thi bao giờ cũng có tiêu chí nhất định về nội dung, định hướng, tính giáo dục, đây là yêu cầu tổ chuyên môn xác định rất rõ.

“Vì vậy, có thể khẳng định việc chấm thi, đầu tiên phải đúng các tiêu chí. Tuy nhiên, bên cạnh các yêu cầu trên, trong phần hướng dẫn bao giờ cũng có phần mở. Nếu thí sinh trả lời theo các phương án khác nhưng đúng theo định hướng và có tính phát triển thì có thể xem xét,” ông Hà nói.

Liên quan đến việc đề thi môn Ngữ văn có sử dụng ngữ liệu của một tờ báo lớn ở nước ngoài, ông Phạm Ngọc Hà khẳng định điều này là bình thường. Theo ông Hà, đối với đề thi nói chung và đề thi môn Tiếng Anh nói riêng, phải sử dụng ngữ liệu tin cậy, đặc biệt các môn ngoại ngữ, phải đảm bảo cả về chất lượng nội dung và văn phong ngữ pháp. Vì vậy, chỉ có hai nguồn để trích dẫn là trong sách và các tờ báo lớn.

Cũng theo ông Hà, đề thi năm nay có cấu trúc không thay đổi nhưng cách thức ra đề đã có sự điều chỉnh theo hướng sát thực tiễn hơn. Điều này có tính chất mang tính gợi mở phát triển năng lực. “Đây cũng là bước đệm, bước tiệm cận để các học sinh thi tốt nghiệp năm 2025 tránh bỡ ngỡ vì các em mới chỉ có 3 năm theo chương trình mới 2018,” ông Hà nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dai-dien-bo-giao-duc-va-dao-tao-noi-gi-ve-thong-tin-lo-lot-de-thi-ngu-van-post961896.vnp