Đại học Việt Nam ở đâu trên bảng xếp hạng thế giới?
Xếp hạng đại học là thước đo uy tín, chất lượng và mức độ hội nhập của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục, các bảng xếp hạng đại học quốc tế và trong nước đang trở thành thước đo phản ánh chất lượng, uy tín và mức độ hội nhập của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng QS World University Rankings 2026, Việt Nam có 10 trường đại học được vinh danh – tăng 4 trường so với năm trước. Đáng chú ý nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội tăng hơn 100 bậc, lên nhóm 761–770 thế giới trong số 1.501 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới. Đây là thành tích ấn tượng, khẳng định sự nỗ lực không ngừng của đại học này.
9 trường đại học khác gồm: Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đi học Cần Thơ, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng.
Ở bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2025 đánh giá đóng góp của các trường với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, Việt Nam có 16 trường góp mặt. Đây là con số nhiều nhất từ trước đến nay, tăng 3 trường so với năm trước. Nổi bật có Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học FPT nằm trong top 301-400. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội cùng hạng 801-1.000.
Trong nước, bảng xếp hạng VNUR 2025 với 237 trường cho thấy: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục giữ vững vị trí số 1 và 2 năm thứ ba liên tiếp. Ngoài ra, các trường thuộc top 10 có thể kể đến: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Đà Nẵng.