Đại hội Đảng bộ cấp xã sau sáp nhập: Nhìn lại tiềm năng, xác định hướng đi
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã tại Cao Bằng thời gian qua đã góp phần tinh gọn bộ máy, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, phù hợp với yêu cầu phát triển. Hiện các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị cho kỳ Đại hội Đảng bộ cấp xã đầu tiên sau sáp nhập.
Xã Quảng Uyên (Cao Bằng) là một trong ba địa phương được lựa chọn tổ chức Đại hội điểm cấp xã đầu tiên sau sáp nhập.
Được thành lập từ việc hợp nhất nguyên trạng bốn đơn vị hành chính: Thị trấn Quảng Uyên, các xã Phi Hải, Chí Thảo và Phúc Sen, quy mô dân số và địa giới hành chính của xã Quảng Uyên tăng lên đáng kể, đặt ra yêu cầu cao hơn về công tác lãnh đạo, điều hành.
Dù vậy, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cũng mở ra cơ hội để phát huy thế mạnh tổng hợp, tạo đột phá trong phát triển kinh tế địa phương.

MTTQ phường Thục Phán, Cao Bằng tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo văn kiện ĐH Đảng bộ phường.
Đại hội Đảng bộ xã Quảng Uyên lần thứ nhất ngày 18–19/7 vừa qua đã thông qua Nghị quyết nhiệm kỳ mới với 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá, trên cơ sở khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên và dư địa phát triển sau sáp nhập; xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Ma Kiên Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Uyên cho biết, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là các làng nghề đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cũng được địa phương hết sức quan tâm.
“Quá trình chuẩn bị với một bộ máy mới đi vào hoạt động thì cũng có những khó khăn khi xây dựng phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới. Đó là đánh giá sao cho đúng và phù hợp với điều kiện các xã cũ đúng với Phúc Sen, đúng với Phi Hải, Chí Thảo nhưng cũng phù hợp với Quảng Uyên. Và phải mở ra được triển vọng mới. Làm sao để 5 năm tới, với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thì xã Quảng Uyên sẽ phát triển bền vững dựa trên điều kiện thuận lợi tự nhiên, dư địa sau sáp nhập và nguồn lực nội sinh của xã", ông Ngọc nhấn mạnh.
Đến thời điểm này, tỉnh Cao Bằng đã có hai xã tổ chức thành công đại hội điểm là Bảo Lạc và Quảng Uyên, các địa phương còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2025. Đây là kỳ đại hội có ý nghĩa đặc biệt, là tiền đề để từng xã, phường xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với điều kiện mới, ổn định tổ chức bộ máy, giữ gìn đoàn kết nội bộ và nâng cao đời sống người dân.
Phường Thục Phán (TP Cao Bằng cũ) là đơn vị tiếp theo được chọn tổ chức Đại hội điểm. Văn kiện đại hội được xây dựng theo hướng xác định phát triển du lịch, dịch vụ là mũi nhọn, tận dụng tiềm năng địa giới sau khi sáp nhập 3 phường, 1 xã của thành phố và 1 xã thuộc huyện Hòa An cũ.
Ông Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Đảng ủy phường Thục Phán cho biết: “Chúng tôi xác định trong nghị quyết đó là phát triển theo 1 trục, 3 trung tâm. Thứ nhất là trung tâm dịch vụ thương mại, thứ hai là trung tâm hành chính đô thị, thứ ba là không gian mở rộng.
"Thục Phán sẽ là trung tâm văn hóa, du lịch tâm linh. Xác định phường Thục Phán là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Cao Bằng. Trọng tâm thứ hai là phát triển về du lịch. Thứ ba, là công tác chuyển đổi số. Trong đó du lịch là một trong những mũi nhọn nhằm tận dụng việc mở rộng không gian sau sáp nhập”, theo ông Nguyễn Thế Hoàn.
Tại các địa phương khác của tỉnh Cao Bằng, công tác xây dựng văn kiện Đại hội cũng đang được các xã, phường trên toàn tỉnh triển khai đồng bộ, tập trung phân tích tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển mới, nhất là nông nghiệp sạch, dịch vụ du lịch cộng đồng, xây dựng hạ tầng nông thôn và phát huy tác dụng các dự án, quy hoạch đã triển khai trước đây.
Ông Nông Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê khẳng định dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ xã nhận được sự đóng góp tích cực với nhiều ý kiến tâm huyết của cán bộ, đảng viên và người dân.
“Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy đã họp bàn những chỉ tiêu về phát triển kinh tế. Hiện nay thì Đông Khê gồm 3 xã dồn lại, nên thế mạnh của xã Trọng Con (cũ) thì hướng tới phát triển cây thạch đen, cây công nghiệp để lấy gỗ, ở Đức Xuân cũ thì phát triển nông nghiệp xanh, trồng rau sạch; tại thị trấn Đông Khê cũ sẽ tập trung vào phát triển dịch vụ…
Hiện lãnh đạo xã đang giao cho cơ quan chuyên môn tham mưu và hiện nay cũng đang làm Dự thảo và triển khai đến các đồng chí trong Ban chấp hành, Ban Thường vụ để đóng góp cho các dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên trong địa bàn…”, ông Nông Thanh Tuyền nhấn mạnh.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.
Bà Hoàng Thị Thảo, người dân xã Đông Khê chia sẻ: “Tôi mong kỳ Đại hội này sẽ có thêm những bước phát triển kinh tế. Ví dụ có mô hình, có phương pháp triển khai giúp bà con nâng cao thu nhập. Như vùng Thạch An này trước nay chủ yếu làm nông nghiệp, nên cũng mong là sau này các sản phẩm nông sản như ngô, lúa, cây trồng khác có đầu ra ổn định để giúp kinh tế ổn định hơn.”
Đại hội Đảng bộ cấp xã sau sáp nhập không chỉ là khởi đầu cho một nhiệm kỳ mới, mà còn là cơ hội để từng địa phương nhìn lại tiềm năng, xác định rõ hướng đi, khơi dậy nội lực, từ đó tạo nền tảng cho chặng đường phát triển ổn định, bền vững của tỉnh miền núi Cao Bằng trong giai đoạn tới.