Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Một sứ giả thầm lặng với tầm nhìn và trái tim
Giữa muôn vàn cán bộ ngoại giao lặng lẽ cống hiến, tôi may mắn được làm việc với Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga tại Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ 21” tháng 4/2016.
Ngoại giao là nghệ thuật kết nối con người, đàm phán bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng tầm vị thế đất nước. Trong thời đại hội nhập quốc tế và một thế giới biến chuyển không ngừng, ngoại giao còn là hành trình kiến tạo những giá trị bền vững cho tương lai.
Câu chuyện về hành trình đầy bản lĩnh, tâm huyết và nhân văn của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga không chỉ truyền cảm hứng mạnh mẽ, mà còn là lời nhắc nhở đối với các cán bộ đối ngoại chúng tôi hôm nay: Để bước ra thế giới, chúng ta cần bắt đầu từ những trái tim biết vun đắp ở ngay chính quê hương mình.
Tư duy chiến lược từ thực tiễn đối ngoại
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga không chỉ đưa ra các đề xuất mang tính định hướng chiến lược cho chính sách đối ngoại, mà còn trực tiếp tham gia đàm phán, triển khai nhiều hiệp định, thỏa thuận, chương trình hợp tác đa phương có ý nghĩa lâu dài. Đại sứ luôn trăn trở không chỉ những công việc được giao phụ trách mà luôn đặt những nhiệm vụ đó trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định ngoại giao đa phương là một trong những trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, cần nâng tầm đối ngoại đa phương thông qua chủ động tham gia và tích cực đóng góp tại các tổ chức quốc tế, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, ASEM…, phản ánh tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong bối cảnh quốc tế chuyển biến nhanh chóng và khó lường. Và “kiến trúc sư thầm lặng” góp phần xây dựng chủ trương của Đảng về nâng tầm đối ngoại đa phương chính là Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga.
Từ thực tiễn tham gia hoạt động đối ngoại đa phương tại các diễn đàn APEC, ASEM, tổ chức WTO, tham gia đàm phán Hiệp định TPP (giờ là CPTPP) cũng như nhiều hiệp định FTA đa phương, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhận ra tính cấp bách của việc xây dựng định hướng chiến lược và tổng thể đối với tham gia hợp tác đa phương của Việt Nam. Đại sứ đã đưa ra ý tưởng và triển khai tổ chức Hội nghị toàn quốc về đối ngoại đa phương lần đầu tiên (tháng 8/2014) nhằm tạo dựng đồng thuận giữa tất cả các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, làm tiền đề xây dựng Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng tầm đối ngoại đa phương năm 2018.
Không chỉ đam mê nghiên cứu, hoạch địch chiến lược đối ngoại, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga còn luôn đưa các chính sách vào thực tiễn. Với thực trạng, tiểu vùng Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, ngày càng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, từ những năm 2010, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã thúc đẩy đa dạng hóa các đối tác trong hợp tác ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu, quản lý bền vững nguồn nước chung sông Mekong.
Với sáng kiến “Phát triển bền vững ASEM” do Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga kiến nghị Lãnh đạo cấp cao ta đề xuất và các thành viên thông qua và triển khai từ năm 2013, góp phần tranh thủ sự ủng hộ, tham gia của quốc tế, đặc biệt là các thành viên ASEM, đối với hợp tác tiểu vùng Mekong. Sáng kiến được khởi đầu bằng Hội thảo ASEM về Quản lý nước và lưu vực sông - Cách tiếp cận tăng trưởng xanh tổ chức tại thành phố Cần Thơ, đúng Ngày nước sạch thế giới 21/3/2013. Sáng kiến được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì tầm nhìn dài hạn và cách tiếp cận linh hoạt.
Hành trình gieo mầm cho thế hệ kế tiếp
Không chỉ sở hữu tầm nhìn sắc bén, kiến tạo các chiến lược đối ngoại, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng luôn đau đáu với việc đào tạo, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, những “sứ giả tương lai” của đất nước.
Một lớp cán bộ ngoại giao đa phương 7x và 8x chúng tôi kính trọng gọi Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga là “Cô giáo chủ nhiệm”. Là một cô giáo nghiêm khắc, song Đại sứ cũng là người “Chị Cả” thân thương luôn quan tâm, dìu dắt chúng tôi trong công việc, truyền ngọn lửa đam mê và yêu nghề, lẫn đối nhân xử thế trong cuộc sống.
“Cô giáo” Nguyễn Nguyệt Nga đã cùng cán bộ chúng tôi thức trắng đêm chuẩn bị cho các Hội nghị cấp cao, hướng dẫn và cùng chúng tôi lên kế hoạch cho từng “chiến dich” ngoại giao, kiên nhẫn ngồi sửa từng trang viết báo cáo hay nghiên cứu, tổ chức các buổi trao đổi ý tưởng mới.
Cũng chính người “Chị Cả” đó lo cho chúng tôi có đồ ăn ấm bụng lúc làm việc khuya, mang thuốc và dầu gió cho chúng tôi giải cảm sau khi ngồi phòng họp quốc tế bật điều hòa quá lạnh, truyền kinh nghiệm cho các cán bộ nữ trong cân bằng công việc và cuộc sống gia đình…
Mặc dù công việc chuyên môn và công tác quản lý bận rộn, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã dành nhiều thời gian tham gia giảng dạy, cố vấn cho các chương trình đào tạo cán bộ trẻ và sinh viên ngành ngoại giao. Đại sứ cũng từng giữ vai trò khách mời, báo cáo viên chính tại nhiều hội thảo, lớp tập huấn nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ làm công tác đối ngoại và tại các bộ, ngành, địa phương trên khắp mọi miền đất nước.
Với phương châm “ngoại giao là chuyện của ngày mai, bắt đầu từ hôm nay”, “Cô giáo” Nguyễn Nguyệt Nga luôn khuyến khích cán bộ trẻ phát triển tư duy độc lập, lấy nghiên cứu làm nền tảng, tôn trọng sự khác biệt. Nhiều cán bộ từng được Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga hướng dẫn nay đang đảm nhận các vị trí quan trọng tại Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế.
Trong hành trình đóng góp cho công tác đối ngoại của đất nước, sự cống hiến không ngừng nghỉ của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã trở thành biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh, đam mê hết mình vì nghề và tinh thần lăn xả phụng sự Tổ quốc. Bằng tầm nhìn chiến lược sâu rộng cùng tâm huyết bồi dưỡng thế hệ kế thừa, Đại sứ không chỉ đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng chính sách đối ngoại hiện đại, mà còn thầm lặng bồi đắp nền móng tri thức và lý tưởng cho lớp cán bộ trẻ nối bước.
Có những người chọn cách tỏa sáng một cách lặng lẽ - như Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. Những giá trị mà Đại sứ kiến tạo sẽ còn lan tỏa bền lâu, như một minh chứng rằng: ngoại giao không chỉ là công việc của lý trí, mà còn là hành trình của trái tim. Từ sự thầm lặng ấy, một thế hệ cán bộ ngoại giao đã được tôi luyện và tiếp tục truyền lửa cho thế hệ kế cận để tiếp tục viết nên những trang sử ngoại giao đầy bản lĩnh, nhân văn và trí tuệ Việt Nam.