Đại tướng trong lòng người dân Đất Tổ

Là một trong số những nhà quân sự được thế giới vinh danh lỗi lạc nhất trong các thời đại, đi qua hai thế kỷ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành trọn đời mình để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Trong công việc thì quyết đoán, kiên trung, trong lối sống lại chừng mực, khiêm tốn, mỗi câu chuyện về Đại tướng đã trở thành động lực cho các thế hệ sau vươn lên hoàn thiện bản thân, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng nỗ lực xây dựng quê hương và đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến thắng Tu Vũ mở màn cho chiến dịch Hòa Bình thắng lợi, khởi đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Khánh thành công trình tượng đài chiến thắng Tu Vũ.

(baophutho.vn) - Là một trong số những nhà quân sự được thế giới vinh danh lỗi lạc nhất trong các thời đại, đi qua hai thế kỷ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành trọn đời mình để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Trong công việc thì quyết đoán, kiên trung, trong lối sống lại chừng mực, khiêm tốn, mỗi câu chuyện về Đại tướng đã trở thành động lực cho các thế hệ sau vươn lên hoàn thiện bản thân, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng nỗ lực xây dựng quê hương và đất nước.

Người Tổng chỉ huy quyết đoán trong chiến đấu

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Tướng Giáp trở thành một huyền thoại sống giữa đời thường. Nơi mở đầu thắng lợi cho chiến dịch Hòa Bình, khởi đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng Tu Vũ (huyện Thanh Thủy). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Không có trận Tu Vũ thì không có trận Him Lam, Độc lập”, đây là niềm vô cùng tự hào của quân và dân Phú Thọ.

Lật lại những trang lịch sử hào hùng của dân tộc ta, khi chuẩn bị mở chiến dịch Hòa Bình, đã nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đi thị sát nắm tình hình địch và đã chọn Tu Vũ là nơi mở đầu chiến dịch. Ngày 10/12/1951 dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Hòa Bình, Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đã tiêu diệt địch, đột phá phòng tuyến sông Đà. Đến đêm ngày 10/12, Trung đoàn 88 tiến công san phẳng vị trí đồn Tu Vũ - một vị trí lớn thuộc cụm phòng ngự then chốt của phân khu sông Đà - mở đầu cho cuộc tiến công lớn tiêu diệt địch tại Hòa Bình. Với phương châm chỉ huy đánh điểm, diệt viện, chỉ sau 3 đợt công kích, ta đã đập tan phòng tuyến sông Đà, làm chủ tuyến giao thông đường sông lên Hòa Bình của địch. Đồng thời uy hiếp tuyến giao thông đường 6 lên sông Đà mà địch đang kiểm soát. Đứng trước thực tế đường sông bị cắt đứt, đường 6 bị uy hiếp, thị xã Hòa Bình liên tục bị tập kích, nguy cơ cô lập và bị tiêu diệt đến gần nên từ ngày 22-24/2/1952 quân Pháp buộc phải rút chạy khỏi Hòa Bình.

Đoàn cán bộ tỉnh thăm, chúc thọ nhân dịp sinh nhật lần thứ 90 của Đại tướng.

Chiến thắng Tu Vũ đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của quân đội Pháp. Trận đánh mở màn chiến dịch Hòa Bình giành thắng lợi, quân đội kháng chiến hoàn toàn làm chủ tả ngạn sông Đà, khai thông đường vận chuyển từ hậu phương Việt Bắc tới Hòa Bình, tạo điều kiện cho chiến dịch triển khai lực lượng đánh bại âm mưu của Pháp chiếm đóng vùng giải phóng Hòa Bình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương, trong đó có đoạn viết: “Chiến thắng Tu Vũ là một trận công kiên lớn nhất mở màn chiến dịch. Chiến thắng Tu Vũ biểu hiện tinh thần quả cảm hy sinh, tích cực, chủ động tiêu diệt địch, linh hoạt trong chiến đấu, chứng tỏ bước tiến bộ mới của Trung đoàn 88 nói riêng và của quân đội nói chung. Tiến bộ không chỉ đơn thuần về kỹ thuật, chiến thuật mà còn cả về mặt tư tưởng của quân đội cách mạng chỉ biết tiến công, không biết lùi bước. Tôi gửi lời khen ngợi các đồng chí Trung đoàn 88 đã nêu cao gương anh dũng tuyệt vời của quân đội”…

Không chỉ trong chiến thắng Tu Vũ, hơn 30 năm chỉ huy quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa từng phạm sai lầm về chiến lược. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, cùng với quân và dân Việt Nam Anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc 10 danh tướng tổng chỉ huy quân đội Pháp, Mỹ mắc sai lầm về chiến lược chấp nhận thua trận.

CCB Lê Văn Hanh vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm lần.

Vị Đại tướng giản dị trong đời thường

Một ngày đầu tháng Tám, chúng tôi đến gặp cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Hanh (phường Nông Trang, thành phố Việt Trì) - người đã có vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm lần. Gần hai thập kỷ đã trôi qua nhưng trong tâm chí bác Hanh vẫn vẹn nguyên xúc cảm về vị Đại tướng giản dị, ấm áp. Trong đó bác ấn tượng nhất với hai lần gặp gỡ và bồi hồi kể lại: “Đầu năm 1992, tôi được Thường trực Tỉnh hội Cựu chiến binh cử về Hà Nội trực tiếp chuyển Giấy mời của Tỉnh ủy Vĩnh Phú và Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh trân trọng mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự Đại hội Hội CCB tỉnh. Đây là vinh dự lớn của đời tôi, song cũng rất lo bởi vì tôi chưa một lần được đến nhà Đại tướng. Hơn 11 giờ trưa hôm sau tôi đến Hà Nội và trực tiếp vào gặp Đại tướng. Tại đây Đại tướng ân cần hỏi thăm tình hình chuẩn bị đại hội, tình hình công tác tổ chức và kết quả hoạt động năm đầu của Hội CCB tỉnh Vĩnh Phú; sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với Hội CCB. Sự gần gũi, ấm áp của Đại tướng đã xóa bỏ hết sự lo lắng ban đầu của tôi. Sau khi nghe báo cáo, Đại tướng nhận lời mời và nhắc các đồng chí văn phòng xếp lịch công tác để về dự Đại hội Hội CCB Đất Tổ. Đại tướng còn nhắc tổ phục vụ lo cơm trưa cho tôi”.

Dừng lại sau phút giây xúc động, bác Hanh kể tiếp:

“Sau đó, cuối năm 1994 trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tôi cùng đoàn đại biểu cán bộ hội viên Hội CCB tỉnh đến thăm, chúc sức khỏe Đại tướng. Đoàn đại biểu được Đại tướng tiếp chuyện khoảng gần 20 phút, sau đó được chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng. Tôi cầm máy chụp ảnh kỷ niệm cho đoàn. Chụp xong mọi người định giải tán, nhưng Đại tướng vẫy tay nói chưa xong, mọi người sững sờ không biết tại sao. Đại tướng chỉ về phía tôi nói còn chú chụp ảnh chưa được chụp với đoàn. Mọi người cảm động trước tình cảm của Đại tướng dành cho từng CCB, riêng tôi rất hạnh phúc được Đại tướng quan tâm từ bữa cơm trưa trong lần đầu gặp gỡ, tới “quyền lợi” chụp ảnh cùng Đại tướng khi ấy”.

Cùng với CCB Lê Văn Hanh, trong ký ức của thế hệ sau, cuộc sống của vị Đại tướng cũng vô cùng giản dị. Là một trong hơn 400 nghìn người đến viếng Đại tướng tại nhà riêng, chị Thiều Thị Thu Hiền (phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì) chia sẻ: Khi ấy, tôi vẫn đang là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, nghe tin Đại tướng về với đất mẹ, tôi cùng bạn học xếp hàng cả ngày để được vào viếng vị Đại tướng đại tài của dân tộc tại nhà riêng ở số 30 phố Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội). Khi đến lượt được vào, tôi thấy bất ngờ vì nhà Đại tướng đơn sơ quá, từ đồ dùng trong nhà cho tới bộ bàn ghế, tất cả đều giản dị, chân chất, không trang hoàng, lộng lẫy. Chúng tôi-những người dân rất đỗi bình thường tới viếng nhưng vẫn được con Đại tướng ân cần tiếp đón. Con trai thứ của Đại tướng còn ra bắt tay từng người một, rất gần gũi, thân tình. Tôi nghĩ, các con của Đại tướng đã học được tính mộc mạc, gẫn gũi của cha mình. Tôi cảm thấy rất khâm phục và trân trọng!

Cuộc đời của Đại tướng từ tác phong trong cuộc sống đời thường, đến những tình nghĩa thủy chung với anh em, đồng đội, tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư của ông trong việc giải quyết các công việc sống còn của dân tộc... đã tạo nên một huyền thoại bền vững và hằn sâu trong tâm trí người dân Đất Tổ. Vị anh hùng đại tài của dân tộc với lối sống giản dị, chan hòa, gần gũi, ấm áp, chân thật đã mãi đi xa, nhưng người dân Đất Tổ nguyện mãi không phụ lòng tin luôn noi gương Đại tướng trong học tập, lao động, chiến đấu và sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc để không hổ thẹn với những bậc tiền nhân.

Cao Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202108/dai-tuong-trong-long-nguoi-dan-dat-to-178981