Đắk Nông nâng cao chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch

Người trồng cà phê tỉnh Đắk Nông chú ý thu hoạch, bảo quản cà phê đúng kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Thành Nam, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) có gần 3 ha cà phê. Hiện nay, cà phê đã bắt đầu chín, ông đang thực hiện hái chọn những cây có tỷ lệ quả chín cao.

Theo ông Nam, năm nào cũng vậy, ông chia làm hai đợt thu hoạch cà phê khác nhau. Đợt đầu thường là lao động của gia đình, hái lựa những cây quả chín nhiều trước. Đợt hai khi vườn cà phê chín rộ thì thuê thêm lao động hái đồng loạt. Ông không thu hái quá xanh, non hoặc để chín quá làm khô rụng, dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Thành Nam, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) thu hái cà phê với tỷ lệ quả chín cao

Gia đình ông Nguyễn Thành Nam, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) thu hái cà phê với tỷ lệ quả chín cao

Cà phê được gia đình thu hoạch đúng độ, quả trên cành chín trên 80%. Ông chú ý không hái cả chùm trái lẫn lá và cành nhỏ để bảo đảm chất lượng cành dự trữ cho niên vụ sau. Sau khi hái, ông phơi quả ngay, không chất đống lại dễ làm phát sinh nấm mốc.

Việc thu hoạch cà phê như gia đình ông Nam hiện nay phổ biến tại Đắk Nông. Đây là một trong những cách mà người trồng cà phê nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá bán.

Với tổng diện tích 140.000 ha, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Đắk Nông. Sản lượng cà phê bình quân hàng năm của tỉnh vào khoảng 400.000 tấn.

Năm nay, cà phê đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Dự kiến tổng diện tích cà phê cho thu hoạch niên vụ 2023-2024 toàn tỉnh trên 122.000 ha. Thời gian thu hoạch cà phê chủ yếu tập trung vào tháng 11, 12 hàng năm, một số vùng có thể kéo dài đến đầu tháng 1 năm sau.

Để chuẩn bị tốt cho hoạt động thu hoạch cà phê, Sở NN - PTNT, các sở, ngành liên quan; các huyện, thành phố đã phối hợp triển khai thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật. Trong đó, ngành chức năng thực hiện rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn tìm nhân công lao động; thành lập các tổ, nhóm thu hái cà phê tại cơ sở...

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở NN-PTNT), đơn vị đẩy mạnh phổ biến Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9278:2012 về cà phê quả tươi. Tỷ lệ quả chín phục vụ chế biến ướt từ 90% trở lên và cho chế biến khô từ 85% trở lên.

Cà phê đạt tỷ lệ quả chín phục vụ chế biến ướt phải đạt từ 90% trở lên

Cà phê đạt tỷ lệ quả chín phục vụ chế biến ướt phải đạt từ 90% trở lên

Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, người sản xuất cần chủ động sân phơi, lò sấy trước khi thu hoạch cà phê. Sân phơi cần phải thoát nước tốt, không đọng nước, không gần chuồng gia súc, không chứa phân và các hóa chất.

Cà phê sau khi thu hoạch, bà con cần tiến hành vận chuyển đến nơi phơi sấy trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế hiện tượng nấm mốc phát triển làm giảm chất lượng. Trường hợp không vận chuyển hay sơ chế kịp, quả cà phê phải được đổ trên nền sạch, khô ráo, thoáng mát.

Thực hiện các biện pháp chế biến khô, chế biến bán ướt, chế biến ướt theo đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm chất lượng sản phẩm được tốt nhất. Đối với hạt cà phê được phơi (sấy) đạt độ ẩm dưới 13%.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN- PTNT, hoạt động thu hái, sơ chế, chế biến cà phê đúng cách là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Cách làm này đã được ngành Nông nghiệp chú trọng triển khai nhiều năm nay.

Về cơ bản, hầu hết hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp ở Đắk Nông đều đã chú trọng thu hoạch, bảo quản, sơ chế cà phê đúng kỹ thuật. Đây là sự tiến bộ lớn của ngành hàng cà phê Đắk Nông.

Chất lượng sản phẩm cà phê nhân của Đắk Nông ngày càng cao

Chất lượng sản phẩm cà phê nhân của Đắk Nông ngày càng cao

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có trên 23.500 ha cà phê đạt các tiêu chuẩn chứng nhận như 4C, RA, Viet GAP, Global GAP... Diện tích này đang được nhà nông, doanh nghiệp, HTX nhân rộng. Sản phẩm cà phê thuộc các tiêu chuẩn này luôn có giá bán cạnh tranh hơn rất nhiều so với cà phê thông thường.

Hồng Thoan

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-nang-cao-chat-luong-ca-phe-tu-khau-thu-hoach-185897.html