Đảm bảo an toàn, bảo mật cho hệ thống phần mềm họp trực tuyến

Hệ thống phần mềm họp trực tuyến cần được hỗ trợ truyền dữ liệu trên các đường truyền mã hóa và các giao thức có bảo mật; hỗ trợ đáp ứng các tiêu chí an toàn giao vận TLS (v1.2) và an toàn truyền tệp tin HTTPS. Có giải pháp xác thực an toàn, mã hóa thông tin danh tính và thông tin cá nhân của các điểm cầu tham dự họp…

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Lãnh đạo Bộ TT-TT vừa ký ban hành Bộ Tiêu chí về chức năng, tính năng kỹ thuật của hệ thống phần mềm họp trực tuyến (Phiên bản 1.0). Trong đó, Bộ TT-TT rất lưu tâm đến tiêu chí về an toàn, bảo mật.

Cụ thể, hệ thống phần mềm họp trực tuyến cần được hỗ trợ truyền dữ liệu trên các đường truyền mã hóa và các giao thức có bảo mật; hỗ trợ đáp ứng các tiêu chí an toàn giao vận TLS (v1.2) và an toàn truyền tệp tin HTTPS. Có giải pháp xác thực an toàn, mã hóa thông tin danh tính và thông tin cá nhân của các điểm cầu tham dự họp. Các cuộc họp có các cơ chế, hình thức bảo mật để hạn chế người dùng tham gia không mong muốn.

Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống phần mềm họp trực tuyến phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và các quy định của pháp luật hiện hành.

Hệ thống phần mềm họp trực tuyến được hiểu là hệ thống thông tin cho phép thực hiện hình thức họp trực tuyến bằng phần mềm hoặc website thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng nội bộ (WAN) hoặc mạng Internet để những người ở vị trí địa lý khác nhau có thể cùng tham gia cuộc họp từ xa, đảm bảo có thể nghe, nói hoặc nhìn thấy nhau như đang ở chung một phòng họp.

Theo Bộ TT-TT, hệ thống phần mềm họp trực tuyến phải đảm bảo các tiêu chí như thực hiện các cuộc họp trực tuyến trên nền công nghệ mạng Internet, hỗ trợ nhiều giao thức (SIP, H.323, WebRTC…) và các thiết bị hoặc chương trình mã hóa và giải mã dữ liệu (Opus, VP8, VP9…) đảm bảo chất lượng âm thanh và hình ảnh theo chuẩn SD, HD.

Bảo đảm không truyền, lưu trữ các dữ liệu phát sinh trong quá trình đăng lúc sử dụng và họp trực tuyến cho những người không được cấp quyền truy cập; đảm bảo hệ thống phần mềm cung cấp cho người sử dụng theo nhiều hình thức (dịch vụ sẵn có hoặc tự quản trị và khai thác); có phương án thống kê các thông số (số lượng phòng họp, vị trí sử dụng, thiết bị đầu cuối sử dụng, trình duyệt sử dụng…).

Về các tiêu chí chức năng, Bộ TT-TT có yêu cầu hệ thống phần mềm họp trực tuyến phải có các chức năng đáp ứng những tiêu chí về âm thanh (gọi audio, bật/tắt audio, có thể sử dụng các thiết bị ngoại vi phục vụ thu, phát âm thanh như tai nghe, loa…); hình ảnh (gọi video, sử dụng các thiết bị ngoại vi phục vụ thu, phát hình ảnh như camera, máy chiếu…, tự động điều chỉnh chất lượng hình ảnh theo băng thông kết nối…); trao đổi tin nhắn, chia sẻ màn hình, mời thành viên tham gia cuộc họp.

Đối với các chức năng nâng cao, tuy Bộ không yêu cầu bắt buộc (chỉ áp dụng theo yêu cầu thực tế) nhưng có thể có các chức năng như khóa phòng họp, thu lại quyền chia sẻ màn hình, cho phép hiển thị lời thoại của người đang nói; hỗ trợ một trong các trình duyệt phổ biến như Google Chrome, Cốc Cốc, Microsoft Edge…

Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm họp trực tuyến còn cần đáp ứng một số tiêu chí khác như hỗ trợ trên các thiết bị cầm tay, laptop, máy tính bàn; hỗ trợ sử dụng trên các hệ điều hành phổ biến (iOS, Android, Windows và Mac Os).

Theo Bộ TT-TT, bộ tiêu chí này được ban hành để hướng dẫn việc xây dựng, đánh giá, lựa chọn hệ thống phần mềm họp trực tuyến thực hiện chế độ họp trong quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà bước. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động xem xét, áp dụng phù hợp.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-180/dam-bao-an-toan-bao-mat-cho-he-thong-phan-mem-hop-truc-tuyen-141613.html