Đảm bảo an toàn cho khách qua sông

PTĐT - Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng giao thông được tỉnh tích cực đầu tư đồng bộ. Trong đó lĩnh vực cầu đường đã có những đổi thay mạnh mẽ, tạo động lực cho kinh tế - xã hội ...

Lực lượng cảnh sát đường sông (Công an tỉnh) tuyên truyền chủ bến, chủ đò và người dân thực hiện tham gia giao thông đường thủy an toàn.

Lực lượng cảnh sát đường sông (Công an tỉnh) tuyên truyền chủ bến, chủ đò và người dân thực hiện tham gia giao thông đường thủy an toàn.

>>> Văn hóa giao thông với bình yên sông nước
PTĐT - Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng giao thông được tỉnh tích cực đầu tư đồng bộ. Trong đó lĩnh vực cầu đường đã có những đổi thay mạnh mẽ, tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 54 bến khách ngang sông và việc người dân vẫn phải lựa chọn đò ngang để qua sông, nhất là trong mùa mưa lũ luôn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, nguy hiểm.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá Lê Anh Huy - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh).

Giao thông đường thủy luôn là vấn đề người dân quan tâm, đồng chí có thể cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh hoạt động của các bến đò ngang đang có những diễn biến ra sao?
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 54 bến khách ngang sông. Tuy một số bến đã dừng hoạt động do Nhà nước đã đầu tư xây các công trình cầu vượt sông, số lượng người tham gia giao thông tại các bến khách khu vực gần các công trình vượt sông có giảm, song vẫn còn nhiều người lựa chọn di chuyển bằng đò ngang qua sông. Nhìn chung, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) tại các bến khách ngang sông những năm gần đây cơ bản ổn định, không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Ý thức chấp hành của chủ bến, chủ phương tiện đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động giao thông cơ bản đi vào nền nếp, trật tự, an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Vậy trong thời gian tới còn vấn đề gì cần khắc phục, thưa đồng chí?
Trên thực tế, mặc dù ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác các bến khách ngang sông đã từng bước chuyển biến tích cực, song vẫn còn những tồn tại do một số chủ bến, chủ phương tiện người tham gia giao thông chưa chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy như: Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông hết hạn; phương tiện hết hạn kiểm định; trang bị không đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, cứu đắm; chở quá số người quy định; người đi đò, phà không sử dụng áo phao,... Và đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông đường thủy?
Đúng vậy, việc nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một số chủ bến đò chưa nghiêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT như tai nạn giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản nhất là vào mùa mưa lũ, nước dâng và dòng chảy biến đổi. Để đảm bảo an toàn cho những chuyến đò ngang lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy cũng như các cơ quan chức năng đã có những biện pháp chỉ đạo ra sao, thưa đồng chí?
Việc đảm bảo an toàn cho những bến đò ngang luôn được chúng tôi xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Do vậy, Phòng Cảnh sát giao thông đã chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa, nhất là các quy định của pháp luật về vận tải hành khách, hàng hóa trên đường thủy để các chủ đò, bến cảng, chủ phương tiện và người tham gia giao thông, đặc biệt là người dân sống trên sông, ven sông, học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm túc và chủ động phòng ngừa tai nạn cũng như xử lý kịp thời các tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra.Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, các quy định về vận tải hành khách trên đường thủy nội địa. Tập trung kiểm tra toàn bộ số bến thủy nội địa, nhất là bến khách ngang sông trên địa bàn. Kiên quyết đình chỉ hoạt động những bến mở trái phép, hết hạn giấy phép; phương tiện thủy không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn hoặc có nhưng không phù hợp với phương tiện đang điều khiển. Tăng cường biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích. Có thể thấy những biện pháp chỉ đạo của ngành hết sức tích cực, cụ thể. Nhưng thiết nghĩ, nếu chỉ có những biện pháp chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát thì chưa đủ mạnh để giải quyết tận gốc cho vấn đề an toàn đò ngang, mà quan trọng hơn cả nằm ở ý thức chấp hành quy định pháp luật của các chủ đò cũng như người dân. Vậy, các cơ quan chức năng đã phối hợp như thế nào trong công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của người dân?
Đây cũng là vấn đề chúng tôi luôn quan tâm đẩy mạnh, góp phần tích cực thay đổi nhận thức cũng như hành vi của chủ đò cũng như người dân. 9 tháng đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện 4 phóng sự, 12 bài viết tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trong hoạt động bến khách ngang sông; tổ chức cho 100% các bến khách ngang sông trên địa bàn ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách ngang sông, trang bị đủ phao cứu sinh, dụng cụ cứu đắm khi hoạt động để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật giao thông của các chủ bến khách ngang sông và người tham gia giao thông. Công an tỉnh cũng phối hợp Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, trong đó có hướng dẫn cách phòng chống tai nạn đuối nước, mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi khi tham gia giao thông trên đò ngang; tổ chức cho học sinh và phụ huynh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định tại Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT ngày 10/05/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định người đi đò, phà phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cứu sinh để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người khi có tai nạn xảy ra.Thực tế, không chỉ trên địa bàn tỉnh mà tại nhiều địa phương khác cũng đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra, đó cũng được coi là những bài học cảnh báo đối với mọi người dân khi tham gia giao thông qua đò ngang. Vì vậy, mỗi chúng ta phải nâng cao ý thức cũng như tích cực tuyên truyền để mỗi người dân hiểu và tự giác tuân thủ những quy định khi tham gia giao thông qua bến đò ngang. Xin cảm ơn đồng chí đã tham gia cuộc trò chuyện của chúng tôi.

HUYỀN NGA (thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201909/dam-bao-an-toan-cho-khach-qua-song-166836