Đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh thông suốt, nâng cao chất lượng
Sau khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại các trung tâm y tế quận, huyện (cũ), cũng như tại các bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh ở Đà Nẵng diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn. Quyền lợi về y tế của người dân luôn được đảm bảo; chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Hướng dẫn người dân đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí qua căn cước công dân gắn chíp. Ảnh: Mỹ Hà/TTXVN
Khám, chữa bệnh thông suốt
Từ ngày 1/7, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà được đổi tên thành Trung tâm Y tế khu vực Sơn Trà. Cơ sở y tế này có quy mô 250 giường bệnh, 4 phòng mổ. Mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận từ 1.000 đến 1.200 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú. Trung tâm đã được Sở Y tế thành phố Đà Nẵng phê duyệt hơn 3.300 danh mục kỹ thuật thuộc các chuyên khoa, trong đó có những danh mục kỹ thuật loại 1 và loại đặc biệt như ngoại khoa, sản khoa, tai mũi họng, răng hàm mặt…, qua đó đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Bác sĩ Phan Quốc Tín, Trưởng Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, Trung tâm Y tế khu vực Sơn Trà cho biết, sau khi sáp nhập phường, xã, công tác khám, chữa bệnh tại Trung tâm và các trạm y tế vẫn diễn ra bình thường. Trung tâm vẫn triển khai các công việc chuyên môn trong lĩnh vực y tế như cấp cứu, thu dung, điều trị, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện, Trung tâm đã thực hiện từ 25 đến 30 nhóm phẫu thuật các loại. Bên cạnh lĩnh vực ngoại khoa, Trung tâm còn có thể phẫu thuật xương các loại; thay khớp háng, thay chỏm xương đùi.
Về sản khoa, Trung tâm có phẫu thuật nội soi phụ khoa, phẫu thuật cắt tử cung toàn phần, bán phần, phẫu thuật bóc u xơ tử cung, u nang buồn trứng. Cùng với đó, Trung tâm có thể thực hiện phẫu thuật nội soi cầm máu xuất huyết tiêu hóa, nội soi bằng ống mềm thực quản, dạ dày, đại tràng; hoặc phẫu thuật chấn thương vùng hàm mặt, phẫu thuật thẩm mỹ hàm mặt; cũng như phẫu thuật nội soi mũi xoang, nâng xương chính mũi.
Đang điều trị nội trú tại Khoa Nội, Trung tâm Y tế khu vực Sơn Trà, ông Trịnh Cao Nguyên (73 tuổi, ngụ phường Sơn Trà) chia sẻ: Ông bị bệnh đái tháo đường phải thường xuyên vào bệnh viện điều trị. Khi nhập viện ở đây, ông được chăm sóc rất chu đáo, mọi chế độ bảo hiểm y tế đều được hưởng bình thường, không có gì thay đổi so với trước kia.
Tại các trạm y tế, hoạt động chuyên môn vẫn được đảm bảo, người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản ngay tại địa phương, đặc biệt với nhóm bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch; đồng thời, các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn được duy trì.
Y sĩ Lê Văn Quốc, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế điểm An Hải 2 (cơ sở 1), phường An Hải cho biết: Điểm trạm có 7 nhân sự, mọi hoạt động chuyên môn diễn ra bình thường. Các hoạt động tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vẫn được duy trì thường xuyên. Người mắc bệnh không lây nhiễm như huyết áp, đái tháo đường có thể nhận thuốc hàng tháng ngay tại trạm mà không cần phải lên Trung tâm y tế khu vực Sơn Trà.
Thông tư 26/2025/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, cho phép các cơ sở y tế kê đơn thuốc, hóa dược, sinh phẩm trong điều kiện ngoại trú tối đa 90 ngày đối với 252 bệnh thuộc 16 nhóm bệnh. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tại thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai việc cấp thuốc tối đa 3 tháng, qua đó tạo lợi ích kép, giúp quá trình điều trị cho người bệnh được liên tục, thông suốt và nâng cao chất lượng điều trị.

Bác sĩ khám cho người cao tuổi tại Trung tâm Y tế khu vực Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Mỹ Hà/TTXVN
Theo Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, Thông tư 26 cho phép bệnh nhân mắc ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư phổi không tế bào nhỏ được kê đơn thuốc tối đa 90 ngày nếu tình trạng bệnh ổn định. Bệnh viện đã triển khai ngay quy định này, ưu tiên áp dụng cho nhóm bệnh nhân ung thư vú nhằm hỗ trợ tốt hơn quá trình điều trị liên tục và lâu dài. Việc cấp thuốc này giúp người bệnh giảm số lần đi khám, tiết kiệm chi phí và thời gian, đặc biệt với những người ở xa, lớn tuổi hoặc di chuyển khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng cho biết: “Trong quá trình dự trù thuốc, hóa chất, sinh phẩm y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, chúng tôi đã dự trù đầy đủ các loại thuốc trong danh mục thuốc cấp phát cho bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú. Đối với bệnh nhân ung thư trong mục được kê đơn thuốc trên 30 ngày, chúng tôi đã dự trù thuốc đầy đủ dựa trên sự đánh giá của Hội đồng thuốc và điều trị về rất nhiều nội dung như: Tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, mức độ ổn định của bệnh nhân, phác đồ điều trị, tiên lượng bệnh, nên hiện nay chưa gặp áp lực nào về nguồn thuốc kê đơn điều trị ngoại trú này”.
Chuyển đổi số nâng cao chất lượng dịch vụ y tế
Ngành Y tế Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả dịch vụ y tế đều ứng dụng công nghệ số y tế thông minh. Tại các bệnh viện hạng 1 và hạng 2 của thành phố đã đưa vào ứng dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ theo hướng chuyển đổi số. Việc ứng dụng những giải pháp công nghệ này giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tăng tiện ích cho người dân khi tiếp cận dịch vụ y tế.
Một số cơ sở y tế tại Đà Nẵng đã đưa vào vận hành hệ thống Ki-ốt y tế thông minh giúp người dân đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí qua căn cước công dân gắn chíp. Ki-ốt sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, chỉ cần quét thẻ, người dân đã thực hiện xong thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Mỗi ngày, Bệnh viện Đà Nẵng khám ngoại trú từ 2.000 đến 2.500 bệnh nhân và điều trị nội trú khoảng 2.500 bệnh nhân. Hệ thống Ki-ốt thông minh đã giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tăng sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, giải pháp hệ thống cấp QR Code tự động cho bệnh nhân xét nghiệm cũng đã được triển khai tại bệnh viện. Những giải pháp này nhằm giúp y, bác sĩ chủ động tiếp nhận thông tin, theo dõi lịch sử khám bệnh của bệnh nhân để người bệnh được chăm sóc tốt hơn.

Thuốc thuộc danh mục thuốc cấp dài ngày (90 ngày) theo Thông tư 26/2025/TT-BYT cho bệnh nhân ngoại trú tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng. Ảnh: Mỹ Hà/TTXVN
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Việc đưa vào vận hành Ki-ốt y tế thông minh giúp bệnh viện quản lý dữ liệu bệnh nhân tốt hơn và tích hợp đầy đủ các dữ liệu. Đây là dữ liệu sạch và cũng là cơ sở để thực hiện bệnh án điện tử trong thời gian tới một cách triệt để, qua đó giúp công tác phục vụ người bệnh được tốt hơn”.
Theo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, từ năm 2024, các bệnh viện lớn tại thành phố phải thực hiện bệnh án điện tử và các đơn vị hạng 2 phải đạt được mức 4 của mức ứng dụng công nghệ thông tin theo thông tư của Bộ Y tế. Vì vậy, giải pháp công nghệ đang được ngành Y tế thành phố đẩy mạnh ứng dụng.
Bác sĩ Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thông qua hệ thống Ki-ốt thông minh, các dữ liệu của căn cước công dân sẽ được xác thực qua cổng dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp cho các đơn vị khám bệnh và chữa bệnh làm sạch bộ dữ liệu về bệnh nhân, xây dựng dữ liệu đầu vào để thực hiện bệnh án điện tử ở các cơ sở y tế”.
Chuyển đổi số tại cơ sở y tế là giải pháp hướng đến y tế thông minh, góp phần rút ngắn thủ tục hành chính, xác lập thông tin của người bệnh, giảm quá tải bệnh viện cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm thời gian chờ đợi của người dân. Hiện, 100% cơ sở khám, chữa bệnh tại thành phố Đà Nẵng đều triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VssID và VNeID để đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Khu vực XXII, đến thời điểm này đã giải quyết kịp thời cho gần 3 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các trung tâm y tế tại thành phố cũng đang đẩy mạnh xây dựng kế hoạch triển khai sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, phục vụ đăng ký khám bệnh, giấy hẹn tái khám.