Đảm bảo thực phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng

Sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn theo chuỗi có sự kiểm soát chất lượng của cơ quan chức năng được xem là một giải pháp có tính đột phá để đảm bảo ổn định trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm truy xuất được nguồn gốc trong các khâu sản xuất, chế biến, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ có nhiều cơ hội tiếp cận với thực phẩm đảm bảo an toàn.

 Chăn nuôi gà theo chuỗi an toàn thực phẩm tại gia trại Phương Gia Trang ở Cam Lộ - Ảnh: V.T.H

Chăn nuôi gà theo chuỗi an toàn thực phẩm tại gia trại Phương Gia Trang ở Cam Lộ - Ảnh: V.T.H

Sau thành công thực hiện thí điểm mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn, đầu năm 2021, kết quả của các mô hình đã được nhân ra diện rộng. Nhiều gia trại, hộ gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ tạo nguồn cung dồi dào cho các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. Phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm từ mô hình chọn làm thí điểm của chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản sạch, gia trại gà Phương Gia Trang ở Cam Nghĩa, Cam Lộ đã mở rộng quy mô sản xuất lên gấp đôi với gần 3.000 con/lứa. Gà được nuôi hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ và phòng, chống dịch bệnh an toàn. Các nguồn cung cấp đầu vào như gà giống, vắc xin, thuốc thú y, thuốc bổ được gia trại lựa chọn mua tại các cơ sở rõ nguồn gốc xuất xứ. Thức ăn cho gà được gia trại tự chế biến theo phương thức hữu cơ đảm bảo an toàn. Gia trại cũng đầu tư các thiết bị phục vụ giết mổ đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh để triển khai thực hiện mô hình chuỗi sản xuất gà sạch từ chăn nuôi đến chế biến và cung ứng sản phẩm. Cơ sở cũng đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu thông thường cho sản phẩm là “Đặc sản gà Cùa - Phương Gia Trang”.

Thực hiện chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng, sau mỗi lứa nuôi, gia trại Phương Gia Trang đã cung ứng đến người tiêu dùng hàng ngàn con gà sạch thông qua các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh đưa lại nguồn thu nhập khoảng 100 - 120 triệu đồng/lứa (4 tháng). Ông Phạm Hữu Phương, chủ gia trại gà Phương Gia Trang cho biết: “Từ hiệu quả của mô hình, tôi đã mở rộng quy mô sản xuất theo phương pháp an toàn sinh học, cùng với sự hỗ trợ tốt của các loại máy móc trong giết mổ, sơ chế gà, sản phẩm gà của gia trại đảm bảo sạch theo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm gà sạch của gia trại Phương Gia Trang đã phát triển được thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ, nhận được sự phản hồi tốt từ người tiêu dùng”.

Các vùng sản xuất trong chuỗi thực phẩm an toàn được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh khảo sát, đánh giá về các mẫu đất, mẫu nước tưới, mẫu nước chăn nuôi để kiểm soát môi trường sản xuất tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tuân thủ theo quy định về an toàn thực phẩm để sản xuất thực phẩm sạch. Các cơ sở tham gia chuỗi có cam kết sản xuất, sơ chế, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn theo quy định; được tham gia các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất thực phẩm an toàn. Chi cục cũng đánh giá lựa chọn các cơ sở tham gia chuỗi về điều kiện và năng lực sản xuất. Đồng thời tiến hành đánh giá, xác nhận, quản lý chuỗi cung ứng để kiểm soát chất lượng sản phẩm được dễ dàng.

Các cơ sở sản xuất đảm nhận các khâu từ chăn nuôi đến sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác, lôgo nhận diện sản phẩm “Chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm thủy sản an toàn” với đầy đủ thông tin về cơ sở sản xuất, thời hạn sử dụng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc được dễ dàng và bảo quản, vận chuyển đến nơi bày bán sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Do đó, các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng. Anh Ngô Trí Quang, chủ cửa hàng Quang Organic, TP. Đông Hà cho biết: “Người tiêu dùng ưa chuộng những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên sản phẩm của các cơ sở sản xuất theo chuỗi tiêu thụ khá tốt. Thời gian tới, cửa hàng sẽ tăng cường phối hợp với các hộ sản xuất trong chuỗi thực hiện cung ứng các nông sản sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng”.

Sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi mang lại hiệu quả toàn diện trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Thực tế cho thấy, chăn nuôi gà với quy mô 3.000 con/ lứa, lợi nhuận tăng thêm khi sản xuất theo chuỗi là 33 triệu đồng; chăn nuôi lợn theo chuỗi thực phẩm an toàn, mỗi con lợn ở công đoạn nuôi trung bình lãi trên 1 triệu đồng và sơ chế cho lãi thêm 660.000 đồng; sản xuất rau màu sau khi thu hoạch sơ chế, bao gói, dán tem nhãn lãi ròng cao hơn so với bán thô là 25,5 triệu đồng/ha/vụ. Việc sản xuất sản phẩm theo chuỗi cũng giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị thông qua đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Các cơ sở sản xuất, hộ nông dân khi tham gia sản xuất theo chuỗi đều được nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch, từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, lưu thông, tiêu dùng thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Chị Nguyễn Hoàng Phương Nhung, ở Khu phố 1, Phường 5, TP. Đông Hà cho biết: “Gia đình tôi lựa chọn mua thực phẩm sạch từ các cửa hàng kinh doanh thực phẩm theo chuỗi vì chất lượng thực phẩm tươi ngon, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Việc nhân rộng mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm nông sản an toàn không chỉ làm phong phú nguồn cung thực phẩm trên địa bàn mà còn nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tất cả cả khâu để đem đến tay người tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn, giúp họ tiếp cận được nguồn sản phẩm có kiểm soát, hình thành thói quen sản xuất và tiêu dùng hàng hóa theo chuỗi giá trị bền vững. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Lê Thị Ngọc Diệp cho biết: “Chi cục sẽ tăng cường hướng dẫn, theo dõi, lấy mẫu giám sát các cơ sở sản xuất theo chuỗi thực phẩm để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời khuyến khích người dân tham gia chuỗi sản xuất này ngày càng nhiều và hỗ trợ nông dân trong việc quảng bá sản phẩm theo chuỗi đến các bếp ăn tập thể, cửa hàng nhằm giúp người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm an toàn nhiều hơn. Thời gian tới, chi cục tiếp tục đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu với tỉnh ban hành các chính sách để khuyến khích mở rộng sản xuất và cung ứng theo chuỗi nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn”.

Sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn đã tạo ra sự chuyển biến về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp; giúp cho người nông dân chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần thực hiện thành công đề án cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158994&title=dam-bao-thuc-pham-an-toan-tu-san-xuat-den-tieu-dung