'Đam mỹ truyền bá tư tưởng lệch lạc', tác giả boylove nói gì?
Dù xây dựng được một cộng đồng độc giả riêng, thể loại boylove vẫn nhận về không ít tranh cãi, bao gồm cáo buộc 'truyền bá tư tưởng lệch lạc'.
Bắt đầu phổ biến và trở nên thịnh hành tại Việt Nam trong khoảng gần 20 năm trở lại đây, truyện tranh, tiểu thuyết đam mỹ (hay boylove) có lượng độc giả trung thành đáng kể. Song song đó, lượng tác giả tham gia vào sáng tác boylove cũng tạo dựng được cộng đồng riêng.
Trò chuyện với Tri Thức - Znews, một số tác giả truyện boylove từng đăng tải truyện lên các nền tảng như mạng xã hội, Wattpad... chia sẻ về trải nghiệm đối diện với tranh cãi xoay quanh thể loại này, mà "boylove truyền bá tư tưởng lệch lạc" là một trong những chỉ trích gay gắt nhất.
Sở thích riêng của mỗi người
R.U. (28 tuổi, TP.HCM) kể: "Khi còn học cấp 2, cấp 3, tôi cũng không đọc được boylove, cứ thấy ghê ghê, sến sẩm. Nhưng sau này lớn lên, tiếp xúc nhiều, đầu óc cởi mở hơn thì bắt đầu đọc và cảm nhận được".
Theo chị, quan niệm "boylove là lệch lạc" xuất phát từ những người chưa đủ hiểu, hoặc không hiểu được thể loại này. "Những thứ không thuộc về số đông, bắt mọi người phải hiểu và đồng cảm là điều rất khó", cô nói.

Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm là một trong những truyện đam mỹ đã xuất bản thành công nhất ở Việt Nam. Ảnh: Comicola.
Đồng quan điểm, K.P. (30 tuổi, TP.HCM) cho rằng cảm nhận về boylove là tùy thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người. "Tình yêu đồng giới là xu hướng tính dục bình thường của một người, nhưng không phải chỉ đọc vài ba tác phẩm hư cấu là có thể thay đổi quan niệm của ai đó về cộng đồng LGBT+", cô chia sẻ.
B.T. (27 tuổi, TP.HCM) thì tâm niệm "việc đọc truyện khiến bản thân thấy vui và không gây ảnh hưởng gì đến ai khác là được", do vậy mà người đọc boylove đừng nên để tâm đến chuyện bị phán xét.
Bên cạnh đó, một số tác giả nhấn mạnh người đọc cần có khả năng tự phân biệt, chọn lọc để có lựa chọn đúng đắn khi đọc truyện boylove.
Selena N. (21 tuổi) cho rằng truyện tình cảm dù là nam - nữ, nữ - nữ hay nam - nam đều có thể tồn tại mặt tối, tùy theo ý đồ tác giả và cả tiếp nhận của độc giả. "Tuy vậy, hiện tại nhiều truyện boylove sẽ hơi lạm dụng cảnh 18+, tag truyện cũng nhiều khía cạnh khó nói nên người đọc cần biết chọn lọc và đọc một cách sáng suốt, biết tách bạch đời thực và truyện", cô bày tỏ.
Trong khi đó, H.M.A. (Đà Nẵng) cho rằng việc boylove bị kì thị hay bị cho là lệch lạc một phần do tác phẩm cụ thể mà độc giả tiếp xúc: "Truyện gắn tag boylove nội dung đa dạng - có truyện thuần 18+ nhưng cũng có truyện chỉ nói về tình yêu, mà là giữa hai người cùng giới. Đó vẫn là những cảm xúc, nỗi đau, hạnh phúc rất con người", cô nói. Theo H.M.A., việc đánh giá chung chung boylove là lệch lạc "chủ yếu do định kiến".
Theo cô, như mọi thể loại, đề tài truyện khác, boylove cũng có đa dạng cách thể hiện. "Truyện nam - nữ thì vẫn nhiều tư tưởng mà phải trưởng thành mới phân biệt được đúng sai. Do đó, cái gọi là 'truyền bá tư tưởng lệch lạc' không nên chỉ dựa vào thể loại boylove, mà phải xem xét giá trị của từng tác phẩm cụ thể", R.U. (28 tuổi, TP.HCM) nói.
Phản ánh quan niệm xã hội
Một số tác giả nhận định thái độ với boylove đôi khi không dừng ở việc đánh giá sở thích cá nhân của người khác, mà còn phần nào phản ánh quan niệm xã hội về LGBT+ nói chung.

Một truyện boylove gắn tag 18+ đã xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Amak.
X.L. (23 tuổi, TP.HCM) cho rằng phản ứng kỳ thị boylove đa phần đến từ những người có xu hướng homophobic (kỳ thị đồng tính), "họ không muốn tiếp nhận cái mới, hoặc cảm thấy bị đe dọa bởi cộng đồng yêu thích tác phẩm có yếu tố LGBT+".
X.L. quan niệm boylove không nên được xem như một thể loại riêng, mà chỉ nên là một tag đánh dấu nội dung để người đọc lựa chọn. "Những bộ truyện boylove nổi tiếng hiện nay chung quy thể loại chính vẫn là tâm lý lãng mạn, chính kịch,... Tác phẩm có yếu tố LGBT+ nói chung tiếp cận được một cộng đồng nhất định, không phải số đông trong công chúng", X.L. nói.
Theo cô, về việc "truyền bá tư tưởng lệch lạc" thì trước khi tác phẩm có yếu tố LGBT+ trở nên thịnh hành, đã tồn tại nhiều thể loại, tác phẩm có yếu tố cực đoan, bạo lực, đánh tráo khái niệm,...
M.T. (21 tuổi, TP.HCM) cho rằng tiếp nhận trái chiều dành cho truyện boylove phần nào phản ánh thái độ với LGBT+ của xã hội: Tại Việt Nam đến giờ vẫn rất ít người đồng giới nổi tiếng công khai chuyện tình cảm với công chúng, ở góc độ gia đình vì rào cản khoảng cách thế hệ mà con cái có thể cũng chưa mạnh dạn chia sẻ với cha mẹ. "Tư tưởng đã ăn sâu từ lâu thì rất khó thay đổi. Tôi nghĩ mọi người cứ sống đúng với bản thân mình là được, không cần phải để tâm đến ánh mắt hay lời nói của ai", cô nói.
"Boylove có người thích có người ghét cũng là chuyện thường tình. Nhưng trước khi công kích một ai đó, mong mọi người hãy xem xét cách suy nghĩ và hành động của từng cá nhân, dựa trên nội dung tác phẩm cụ thể chứ đừng vội kết luận dựa trên định kiến", M.T. bộc bạch.