Đàm phán về trần nợ công của Mỹ rơi vào bế tắc

Trong bối cảnh chẳng còn bao lâu là đến hạn chót ngày 1-6, thời điểm Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nước này có thể vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, các cuộc đàm phán về trần nợ công giữa Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa vẫn rơi vào bế tắc khi cả hai bên chỉ trích lẫn nhau.

Theo AFP, ngày 21-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích đề xuất của Đảng Cộng hòa liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công là “không thể chấp nhận được” trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở thành phố Hiroshima của Nhật Bản, ông Joe Biden nhấn mạnh: “Giờ là lúc để phía bên kia từ bỏ lập trường cực đoan của họ, bởi phần lớn những gì họ đã đề xuất đơn giản là không thể chấp nhận được”.

Trước đó, cũng bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, trả lời báo chí, Tổng thống Joe Biden cho biết ông vẫn tin Washington có thể tránh được tình trạng vỡ nợ. Ông Joe Biden tỏ ra lạc quan về khả năng giải quyết vấn đề trần nợ công mặc dù thừa nhận rằng Nhà Trắng vẫn còn nhiều điểm khác biệt lớn với Đảng Cộng hòa vốn đang kiểm soát Hạ viện Mỹ. Ông Joe Biden đã buộc phải cắt ngắn chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương để quay trở về Washington trong ngày 21-5 nhằm tháo gỡ nút thắt với Đảng Cộng hòa trong vấn đề này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.

Trong một tuyên bố, ngày 20-5, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết đề nghị do Đảng Cộng hòa đưa ra vào cuối ngày 19-5 là “một bước lùi lớn”, mang tính cực đoan đảng phái và không bao giờ có thể được thông qua ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ. “Giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa đang đe dọa đẩy quốc gia của chúng ta vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu các yêu cầu cực đoan mang tính đảng phái của họ không được đáp ứng”, bà Jean-Pierre nhấn mạnh. Trên Twitter, người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates cũng chỉ trích Đảng Cộng hòa. “Chúng tôi không đưa ra yêu cầu gì để tránh vỡ nợ. Các bạn là người duy nhất định biến nó thành lá bài mặc cả”, người phát ngôn Nhà Trắng Bates nhấn mạnh. Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa cho rằng Nhà Trắng “đi lùi” trong các cuộc đàm phán.

Cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa ngày 19-5 đã kết thúc mà không có tiến triển do khác biệt giữa hai bên. Các nhà đàm phán cho biết họ không chắc khi nào cuộc họp mới giữa hai bên sẽ được tổ chức. Điểm mấu chốt là Đảng Cộng hòa đã yêu cầu Chính phủ nước này cắt giảm mạnh ngân sách như một điều kiện để nâng trần nợ công. Trong khi đó, Nhà Trắng đang tìm cách giảm bớt những yêu cầu đó, đồng thời lập luận rằng vấn đề trần nợ công đang bị vũ khí hóa vì lợi ích chính trị.

Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm ngưỡng giới hạn nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1 năm nay. Do đó, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của Chính phủ. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nước này sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1-6 nếu Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa không thể đạt thỏa thuận về trần nợ.

Giới chuyên gia nhận định nếu thực sự xảy ra, việc Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử sẽ đẩy nước này vào suy thoái và khiến các thị trường tài chính trên toàn cầu chao đảo. Tình trạng bế tắc hiện nay đã bắt đầu khiến giới đầu tư và người tiêu dùng lo ngại. Báo cáo của hãng Moody’s cũng đưa ra trường hợp xấu nhất, đó là nếu nền kinh tế Mỹ bị sụp đổ do vỡ nợ, suy thoái kinh tế Mỹ sẽ tạo ra những hệ lụy ngang ngửa với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khoảng 7,8 triệu người lao động tại Mỹ sẽ có thể mất việc làm, thị trường chứng khoán nước này có thể giảm gần 1/5 giá trị.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/dam-phan-ve-tran-no-cong-cua-my-roi-vao-be-tac-728879

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/583811-dam-phan-ve-tran-no-cong-cua-my-roi-vao-be-tac.html