Đăng kiểm ô tô theo kilometer liệu có khả thi?

Trước tình trạng nhiều khó khăn trong hoạt động đăng kiểm phương tiện hiện nay, một số đề xuất cho rằng nên áp dụng đăng kiểm theo quãng đường di chuyển (kilometer) thay vì theo thời gian cố định để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Hiện phương tiện sau khi đăng kiểm sẽ được cấp giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

 Trước tình trạng khó khăn trong kiểm định phương tiện, một số đề xuất cho rằng nên áp dụng đăng kiểm theo quãng đường di chuyển. Ảnh minh họa.

Trước tình trạng khó khăn trong kiểm định phương tiện, một số đề xuất cho rằng nên áp dụng đăng kiểm theo quãng đường di chuyển. Ảnh minh họa.

Trường hợp quá hạn đăng kiểm ôtô, đồng nghĩa với việc phương tiện chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để lưu thông và sẽ bị xử phạt theo quy định.

Tại điểm c, khoản 4, điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ, người điều khiển xe (tài xế) có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Tuy nhiên thời gian qua, nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước bị đóng cửa đã khiến hoạt động kiểm định phương tiện gặp khó khăn.

Thống kê của Cục Đăng kiểm, tổng số lượng phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng tới lên đến 2,5 triệu xe. Nhưng năng lực kiểm định của 241 trung tâm đăng kiểm với 384 dây chuyền đang hoạt động chỉ khoảng 550.000 xe/tháng.

Một số lái xe cho rằng nên áp dụng đăng kiểm theo quãng đường di chuyển (kilometer) thay vì đăng kiểm theo thời gian cố định để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Anh Bá Phú (trú tại huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh cũng có một chiếc ô tô 4 chỗ nhưng chỉ khi nào về quê vợ hay đi đâu xa mới sử dụng. Bản thân 2 vợ chồng đều làm việc trong nội thành, việc sử dụng ô tô di chuyển mỗi khi tắc đường và tìm điểm đỗ xe là nỗi ám ảnh.

Mặc dù ít sử dụng, tuy nhiên khi đến hạn đăng kiểm thì vẫn phải cho xe “đi khám”. Trước tình trạng khó khăn hiện nay, anh Phú cho rằng nên giãn chu kỳ kiểm định với ô tô không kinh doanh hay đăng kiểm theo quãng đường di chuyển ví dụ như 10.000km hoặc 20.000km một lần.

 Tổng số phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng tới lên đến 2,5 triệu xe cùng với nhiều trung tâm đăng kiểm đóng cửa tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc.

Tổng số phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng tới lên đến 2,5 triệu xe cùng với nhiều trung tâm đăng kiểm đóng cửa tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc.

Trao đổi với PV, một số chuyên gia giao thông khẳng định, ô tô là phương tiện kỹ thuật đặc thù và chất lượng phương tiện còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng của chủ xe và người lái. Chưa hẳn xe đi nhiều đã có tình trạng kỹ thuật kém hơn so với xe đi ít.

Hơn nữa do tính phức tạp trong việc triển khai, việc có nên đăng kiểm theo số kilometer hay không cần được tính toán kỹ nhằm đảm bảo khả thi cũng như tránh các tiêu cực có thể nảy sinh.

Ngay cả nhà sản xuất ô tô cũng không thể kiểm soát được việc gian lận kilometer xe chạy. Nếu đưa ra đề xuất này cần có chế tài kiểm tra để xác định được chính xác số km xe chạy nhằm hạn chế hoàn toàn..., vị chuyên gia cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Nguyên Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các nước đều tính chu kỳ kiểm định xe theo thời gian, không theo số kilometer đã chạy.

Nguyên nhân là thiết bị, phụ tùng dù không sử dụng vẫn có thể hư hại theo thời gian như lốp sau vài năm phải thay dù xe không lăn bánh, hay xe phải thay dầu dù ít sử dụng.

Nếu tính theo số kilometer thì các xe ít dùng sẽ được kéo dài thời gian đăng kiểm dù chất lượng phụ tùng xuống cấp, nhiều chủ xe có thể sử dụng thiết bị để tua lại số kilometer, ảnh hưởng đến an toàn của phương tiện.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện chưa có cách nào xác định chính xác số kilometer xe chạy. Đối với đồng hồ kilometer gắn trên xe không đủ tính trung thực bởi thiết bị dễ dàng bị can thiệp như tháo đồng hồ cũ ra lắp mới, hư hỏng ngưng trệ hay thậm chí có tình trạng “tua” số kilometer.

Việc lắp một đồng hồ đo khác để tính số kilometer sẽ gây tốn kém chi phí và phiền toái khi phải xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật của loại thiết bị này, quy trình kiểm định riêng và phải có cơ chế giám sát để tránh gian lận.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dang-kiem-o-to-theo-kilometer-lieu-co-kha-thi-post247309.html