Đăng ký xét tuyển đại học 2025: Thí sinh tính toán kỹ để chọn ngành, chọn trường
Từ ngày 16-7 đến 17 giờ ngày 28-7, thí sinh thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Do đó, rất nhiều băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và phụ huynh đã gửi đến các chuyên gia trong buổi giao lưu trực tuyến do Báo SGGP tổ chức ngày 16-7 về chủ đề 'Tính toán hợp lý để chọn ngành - chọn trường'.
Chọn ngành theo sở thích, đam mê
Bạn Nguyễn Thị Hằng Nga (phường An Lạc, TPHCM) gửi đến buổi giao lưu: “Em đang phân vân giữa việc chọn ngành học mình yêu thích và chọn một trường đại học có tiếng. Theo cô, trong quá trình đăng ký xét tuyển, em nên ưu tiên chọn ngành trước hay chọn trường trước thì hợp lý hơn ạ? Mong cô tư vấn giúp em để có quyết định đúng đắn?”.
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM), chia sẻ: Theo cô, em nên chọn ngành mình thích, đam mê và đúng năng lực của mình hơn để có thể học tập tốt, kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề cao giúp em đáp ứng được nhà tuyển dụng tốt nhất. Còn môi trường học tập (chọn trường) tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình để mình lựa chọn - nếu kết hợp được một ngành tốt với môi trường học tập tốt thì quá tuyệt vời. Nếu để lựa chọn thì em nên chọn cho mình ngành học trước để có được kiến thức, kỹ năng và đáp ứng những vị trí việc làm trong tương lai.

Học sinh Trường THPT An Lạc (phường An Lạc, TPHCM) xem điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, sáng 16-7. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Gợi mở cho câu hỏi của thí sinh Quốc Bình (TP Cần Thơ) về việc “khi chọn ngành học, em có nên chạy theo xu hướng những ngành hot đang được nhiều người chọn không ạ? Hay nên cân nhắc theo những tiêu chí nào để đảm bảo phù hợp với bản thân và có cơ hội phát triển lâu dài?”, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, lưu ý: Em không nên chạy theo xu hướng ngành “hot”. Thực tế không có ngành nào là “hot” mãi mãi, chỉ có một số ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn tại một thời điểm nào đó. Vì vậy, em nên xem xét và lựa chọn các ngành - nghề mà mình có năng lực học tập cũng như yêu thích vị trí việc làm liên quan đến ngành học. Chỉ có như vậy em mới học thật tốt và có cơ hội để tìm kiếm việc làm tốt ở bất kỳ ngành nào.
Thông tin thêm với bạn đọc Nguyễn Xuân Thùy Dương (phường Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) về lựa chọn ngành nghề để đăng ký xét tuyển, ThS Dương Thanh Văn, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông (Trường ĐH Công nghệ TPHCM), cho rằng: Để chọn được ngành phù hợp với bản thân, em có thể dành thời gian tìm hiểu về những môn học mình yêu thích, những hoạt động có năng khiếu và những công việc mình cảm thấy hứng thú; tham khảo ý kiến thông qua trao đổi với người thân, bạn bè, thầy cô hoặc những người có kinh nghiệm trong các ngành nghề em quan tâm. Bên cạnh đó, em cũng dành thời gian để nghiên cứu cơ hội việc làm của các ngành nghề đang phát triển, có tiềm năng trong tương lai và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động...
Nắm kỹ “chiến thuật” đăng ký xét tuyển đại học
Giải đáp câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Mai Ca (phường Đồng Xoài, tỉnh Đồng Nai) về việc “lúc đăng ký xét tuyển thì tụi em cần chú ý điều gì để không bị sai sót hay trục trặc ạ? Có bước nào dễ nhầm lẫn mà mình hay gặp không thầy?”, ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), nhấn mạnh: Trước tiên, em phải nắm kỹ những mốc thời gian về đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng (NV) của Bộ GD-ĐT. Khi đăng ký, em nên chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như bản photocopy công chứng học bạ, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có), chứng chỉ ngoại ngữ... Em nên đăng ký đúng mã trường, mã ngành và sắp xếp NV theo nguyên tắc: ngành yêu thích nhất nên để NV 1, những ngành tiếp theo để NV 2, 3, 4... Em có thể đăng ký NV vào nhiều trường và nhiều ngành khác nhau, không giới hạn số lượng. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 ngành, 1 trường trong 1 phương thức theo thứ tự ưu tiên. Do đó, em hết sức cẩn trọng khi đăng ký chọn trường, chọn ngành phù hợp với khả năng và NV của bản thân.

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Trường (giữa) tặng hoa các khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo Phó trưởng phòng Quản lý Chất lượng (Sở GD-ĐT TPHCM) Nguyễn Võ Đăng Khoa, từ ngày 16 đến ngày 28-7, thí sinh đăng ký và điều chỉnh NV xét tuyển đại học. Trong thời gian đăng ký, thí sinh có thể thay đổi NV không giới hạn số lần thay đổi. Sau thời gian này, thí sinh không được đăng ký mới hoặc điều chỉnh NV đã đăng ký. Do đó, sau khi đăng ký NV, các em cần kiểm tra lại mã trường, mã ngành, tránh trường hợp đăng ký đúng mã ngành mà sai mã trường.
Trường hợp muốn thay đổi NV, các em nên thoát khỏi tài khoản rồi đăng nhập trở lại để kiểm tra số lượng NV, mã ngành, mã trường đăng ký đúng với NV của mình chưa, rà soát lại tất cả thông tin cá nhân gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, điểm ưu tiên... Thí sinh không nên chờ đến thời hạn cuối cùng mới đăng ký vì không còn thời gian kiểm tra thông tin, hệ thống máy tính có thể bị lỗi dẫn đến không đăng ký thành công mà không biết.
Nhiều bạn đọc thắc mắc liệu có sự khác biệt về cơ hội xét tuyển đại học giữa thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT đã được Bộ GD-ĐT công bố vào ngày 16-7 và thí sinh nộp đơn chấm phúc khảo, sử dụng kết quả sau phúc khảo để xét tuyển đại học hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Võ Đăng Khoa khẳng định, thời gian các trường đại học công bố danh sách thí sinh trúng tuyển diễn ra sau ngày các sở GD-ĐT công bố kết quả phúc khảo bài thi nên không ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển đại học của thí sinh.
Nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi
ThS Nguyễn Võ Đăng Khoa cũng thông tin, thí sinh nộp đơn phúc khảo bài thi (trong 10 ngày kể từ khi công bố điểm thi) tại nơi đăng ký dự thi (điểm nhận hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025). Thí sinh có quyền chọn môn thi để làm đơn phúc khảo.
Thí sinh vào hệ thống tuyển sinh, đăng nhập tài khoản của mình để xem kết quả phúc khảo. Trường hợp kết quả sau phúc khảo (trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo) thấp hơn kết quả ban đầu đã được công bố, thí sinh không được sử dụng kết quả ban đầu để xét tuyển đại học. Điểm phúc khảo bài thi là điểm cuối cùng của thí sinh.
Thí sinh sẽ nhận giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại nơi đăng ký dự thi. Sau khi nhận giấy chứng nhận, thí sinh lưu trữ cẩn thận vì đây là một trong những thành phần của hồ sơ nộp cho các trường đại học khi nhận được thông báo trúng tuyển. Trong khi đó, các sở GD-ĐT sẽ in Bằng tốt nghiệp THPT và gửi về cho đơn vị có thí sinh đăng ký dự thi. Nhà trường sẽ chịu trách nhiệm thông báo thí sinh đến trường trực tiếp nhận bằng.
Nhiều trường công bố điểm sàn
Ngày 16-7, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn (điểm đủ điều kiện đăng ký xét tuyển) để thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) là trường đầu tiên ở phía Nam công bố điểm sàn xét tuyển của các phương thức. Theo đó, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có điểm sàn là 15 điểm, giảm 1-4 điểm so với năm ngoái (tùy từng ngành).
Với phương thức xét bằng kết quả học bạ, thí sinh phải có tổng điểm trung bình 3 môn ở lớp 12 đạt 18 điểm. Với phương thức thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG TPHCM hoặc V-SAT, trường nhận hồ sơ từ 15 điểm (quy đổi về thang điểm 30). Riêng các ngành thuộc nhóm sức khỏe, điểm sàn sẽ công bố theo quy định riêng của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM điểm sàn dao động từ 15-18, tùy phương thức. Theo đó, điểm sàn của phương thức xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025 là 15 điểm cho tất cả các ngành (giảm 1-4 điểm so với năm 2024).
Với phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn là 18 điểm và xét tuyển bằng điểm học bạ cả năm lớp 12 với điểm trung bình các môn học tối thiểu là 6.0 điểm. Ngoài ra, mức điểm nhận hồ sơ đối với kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM và kỳ thi V-SAT lần lượt là 600/1.200 điểm và 225/450 điểm.
Trường ĐH Công Thương TPHCM có điểm sàn đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là 16 điểm cho tất cả các ngành. Điểm xét tuyển được tính bằng tổng điểm của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển (không nhân hệ số), chưa cộng điểm ưu tiên theo khu vực hoặc đối tượng. Đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM điểm sàn là 600 điểm cho các ngành (với nhóm ngành Pháp luật có điểm sàn là 720 điểm, đồng thời thành phần điểm tiếng Việt tối thiểu bằng 180 điểm và thành phần điểm Toán tối thiểu bằng 180 điểm).
THANH MINH