Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 10- NQ/TU về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai

Sáng 17/2, Ban Chỉ đạo phát triến sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 10- NQ/TU năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triến sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triến sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tổ giúp việc và Thường trực Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tập trung phát triển 6 ngành hàng chủ lực

Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 10–NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay tỉnh đã xác định rất rõ 6 ngành hàng chủ lực cần tập trung phát triển (chè, chuối, dứa, quế, dược liệu và chăn nuôi).

Hội nghị đã thảo luận Dự thảo Hướng dẫn thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa; Dự thảo tài liệu tuyên truyền về Nghị quyết 10-NQ/TU; Dự thảo hướng dẫn tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Nghị quyết 10-NQ/TU; công tác thi đua – khen thưởng thực hiện Nghị quyết số 10 –NQ/TU.

Hết năm 2021, diện tích cây dược liệu đạt 3.500 ha; sản lượng đạt 18.200 tấn tươi. Phần lớn diện tích cây dược liệu được trồng tự phát không có liên kết tiêu thụ ổn định (3.147 ha, chiếm 88% diện tích, chủ yếu là sa nhân tím 2.179 ha); diện tích cây dược liệu hàng năm có liên kết tiêu thụ ổn định là 437 ha; giá trị thu nhập bình quân đạt từ 120 - 150 triệu đồng/ha.

Trồng mới 579 ha chè, nâng tổng diện tích chè tập trung toàn tỉnh đạt trên 6.300 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 37.800 tấn; giá bán bình quân chè búp tươi 7.000 đồng/kg. Tổng diện tích chuối hết năm 2021 đạt 3.300 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch 2.800 ha, tập trung chủ yếu tại Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn; tổng sản lượng đạt 68.470 tấn, năng suất bình quân đạt 24 tấn/ha. Khoảng 90% sản lượng chuối của tỉnh được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Văn Duy báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 10 -NQ/TU.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Văn Duy báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 10 -NQ/TU.

Tổng diện tích cây dứa toàn tỉnh đạt gần 1.700 ha, diện tích cho thu hoạch trên 1.000 ha tập trung chủ yếu tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát. Trong năm, sản phẩm dứa tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương lái tiêu thụ tại các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa… chiếm khoảng 70% sản lượng. Từ tháng 4/2021, nhà máy chế biến hoa quả xuất khẩu Mường Khương đi vào hoạt động, thu mua khoảng 10.000 tấn dứa tươi, chiếm 30% sản lượng. Nhìn chung, sản xuất dứa có xu hướng tăng do đầu tư nhà máy chế biến tại huyện Mường Khương.

Đối với cây quế, năm 2021, người dân trồng 6.500 ha, nâng tổng diện tích quế toàn tỉnh đạt 46.800 ha; khai thác được 55.000 tấn cành lá và 5.100 tấn vỏ quế. Đến nay, các cơ sở chiết xuất được 325 tấn tinh dầu, giá bán dao động khoảng 500.000 đồng/lít. Tinh dầu quế và các sản phẩm từ vỏ quế được xuất bán ra các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, các nước châu Âu...

Tập trung phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững; năm 2021, toàn tỉnh trồng mới 10.037,6 ha rừng, nâng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung đạt trên 82.000 ha; đã có 5.730 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Sản lượng khai thác phục vụ các nhà máy chế biến lâm sản đạt 150.000 m3; chế biến lâm sản đạt 50.000 m3.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng tổng đàn lợn hiện có gần 394.000 con, sản lượng thịt hơi trên 37.500 tấn. Vùng thấp dần chuyển đổi hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại an toàn sinh học, phát triển chăn nuôi các giống lợn ngoại năng suất cao với khoảng 90% là giống lợn lai và lợn ngoại; 80% hộ chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn, hướng đến xuất khẩu.

Ngoài các ngành hàng chủ lực nêu trên, các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh phát triển các ngành hàng tiềm năng như rau, hoa, cây ăn quả ôn đới…

Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đã chỉ rõ những khó khăn, tồn tại trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa thời gian qua. Đó là, quy mô sản xuất còn nhỏ, sản lượng chưa nhiều; hình thức tổ chức sản xuất còn yếu, cơ bản vẫn là kinh tế hộ, quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất mang tính tự phát; ứng dụng khoa học – công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược để xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm; thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định; một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đi vào cuộc sống…

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Dương Đức Huy báo cáo Dự thảo tài liệu tuyên tuyền và hướng dẫn tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Nghị quyết 10 -NQ -TU.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Dương Đức Huy báo cáo Dự thảo tài liệu tuyên tuyền và hướng dẫn tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Nghị quyết 10 -NQ -TU.

Đi sau, về trước

Trên cơ sở ý kiến của các ngành, địa phương, các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh đã làm rõ nhiều nội dung. Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang cho rằng, Nghị quyết 10 có tầm nhìn dài hạn và toàn diện về phát triển nông nghiệp. Do vậy, trong các nội dung cần bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của bộ, ngành liên quan đến nông nghiệp, đặc biệt là bám sát thực tiễn các địa phương để cập nhật, dự báo, nhận định, đánh giá tình hình để có những kết quả, báo cáo cụ thể, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ nút thắt để thúc đẩy, tạo bứt phá, xác định cơ hội, thách thức khi thực hiện nghị quyết. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp; ưu tiên thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm đào tạo nghề cho người dân tham gia các hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn phát triển kinh tế nông nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương cần làm rõ, chính xác số liệu để xây dựng giải pháp thu hút đầu tư. Sản xuất nông nghiệp của Lào Cai khó khăn hơn nhiều tỉnh do đất đai không nhiều, khó chuyển đổi, vì vậy cần xác định hướng đi ngay từ đầu, nhất quán trong chỉ đạo, chấp nhận đi sau, nhưng về trước. Trong 6 ngành hàng chủ lực, cần xác định ngành nào đi trước, ngành nào đi sau, về trước và hướng tới mục tiêu cao nhất là xuất khẩu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Xuân Cường khẳng định, trong cách tiếp cận đánh giá, triển khai nhiệm vụ Nghị quyết 10 cần quan tâm đến việc triển khai dự án đi đến đâu, xác định rõ những việc cần làm ngay, những việc dài hạn. Tỉnh Lào Cai đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trên nguyên tắc hỗ trợ sau đầu tư, giải ngân khi có nghiệm thu thực tế; đồng thời quy định cụ thể nội dung, các bước, cơ chế, mức hỗ trợ, quy định về thủ tục hành chính,

Kế luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triến sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Đặng Xuân Phong đánh giá: Hiện, giá trị sản xuất 6 ngành hàng chủ lực của tỉnh mới gần 1.000 tỷ đồng, chưa bằng một vụ thu hoạch quả nhãn của một huyện ở Hưng Yên. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay của tỉnh.

Chúng ta đã chỉ ra nhiều khó khăn, tồn tại. Ngoài những yếu tố khách quan, cần phải thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan, như công tác phối hợp giữa ngành với địa phương, cách hiểu của mỗi địa phương về chính sách hỗ trợ còn có sự khác biệt.

Từ thực tế đó, năm 2022, chúng ta cần làm tốt hai vấn đề. Đó là, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt những khâu không cần thiết, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Vấn đề thứ hai là phải có doanh nghiệp (nhà đầu tư) tốt, thời gian qua, một số địa phương đã chủ động tìm kiếm, mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư vào nông nghiệp.

Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, người đứng đầu các ngành, địa phương vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Cơ quan thường trực tâm huyết hơn nữa, đề xuất những bước đi, lộ trình cụ thể, rõ ràng, đánh giá đúng và sát thực tế bức tranh nông nghiệp của tỉnh. Chúng ta đã có Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, do vậy ngành nông nghiệp cần đặt hàng các chuyên gia, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất giống.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 10; đưa vào nội dung sinh hoạt tại chi bộ và đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353103-danh-gia-tinh-hinh-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-10-nqtu-ve-chien-luoc-phat-trien-nong-nghiep-hang-hoa-tinh-lao-cai