Đánh thức tiềm năng du lịch
Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã được Chính phủ, các bộ, ngành chọn là điểm tham quan của những đoàn khách quốc tế khi đến Việt Nam. Ngày nay, không chỉ có 'điểm sáng' bản Lác trên bản đồ du lịch Việt Nam, địa phương còn có nhiều điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn và là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giàu sức hút. Đặc biệt, năm 2024, nơi đây được tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ - Condé Nast Traveller bình chọn là 1 trong 71 điểm đến đẹp nhất thế giới nhờ vẻ đẹp cảnh quan và trải nghiệm văn hóa.

Điểm Du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh thu hút khách du lịch nhờ cảnh quan hoang sơ, bảo tồn nguyên vẹn nếp nhà sàn Mường truyền thống.
Ấn tượng cảnh quan thiên nhiên
Những khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, những cánh rừng già bí ẩn, phong cảnh núi non trùng điệp cùng hệ thống ruộng bậc thang kỳ vĩ, hồ Hòa Bình thơ mộng và hàng trăm hang động, thác nước, con suối nhỏ... tạo nên vẻ đẹp quyến rũ cho điểm đến Hòa Bình.
Vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với tài nguyên du lịch phong phú. Các đặc điểm đa dạng về cấu trúc địa hình đồi núi, hang động tạo nên sự độc đáo về cảnh quan và hệ sinh thái có giá trị cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch, trọng tâm là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Đáng chú ý nhất có hồ thủy điện Hòa Bình rộng lớn với diện tích mặt nước 8.000ha, dung tích 9,5 tỷ m3 cùng nhiều đảo lớn nhỏ tạo bức tranh “sơn thủy hữu tình”, được xúc tiến xây dựng thành Khu du lịch quốc gia. Trên địa bàn còn có nguồn nước khoáng nóng tại Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thủy; trên 170 điểm di tích, danh lam thắng cảnh đang được quản lý, bảo vệ...
Bên cạnh đó, Hòa Bình có hệ sinh thái động thực vật phong phú, các khu rừng nguyên sinh ở đây vẫn còn nhiều là điều kiện để đưa vào phát triển du lịch sinh thái, phát triển các sân Golf, khu du lịch sinh thái cao cấp. Nhiều khu rừng nguyên sinh nối các bản làng của đồng bào dân tộc lý tưởng để tổ chức các tour đi bộ dài ngày qua rừng, như rừng Thượng Tiến, rừng Pu Canh, rừng Ngọc Sơn - Ngổ Luông...
Độc đáo bản sắc văn hóa
Hòa Bình cũ có văn hóa các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông đa sắc. Tiêu biểu hơn cả là nền Văn hóa Hòa Bình, các bộ di sản Mo Mường, Sử thi Đẻ đất - đẻ nước nổi tiếng cùng ẩm thực độc đáo, sản vật địa phương phong phú, như: Cơm lam, lợn bản, cá sông Đà, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc... Người dân giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách. Đây chính là những tiềm năng, nguồn lực quan trọng để phát triển các loại hình, mô hình du lịch.
Chị Vương Phương Giang, giảng viên trường Đại học Văn hóa (Hà Nội) chia sẻ: Tôi đã đến nhiều vùng miền núi có đồng bào dân tộc ít người ở Hòa Bình sinh sống, nhiều nhất ở các xóm, bản đồng bào Mông Hang Kia, Pà Cò; đồng bào Dao, Tày Đà Bắc. Mỗi chuyến đi không chỉ giúp tôi tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa mà là một hành trình trải nghiệm vô cùng thú vị. Có nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống được cộng đồng người dân bảo tồn, gìn giữ. Vì lẽ đó mà vùng đất này đông đảo du khách, nhất là khách quốc tế yêu mến.
Việc sở hữu “kho tàng” các di sản văn hóa, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng chính là công cụ hỗ trợ tích cực định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình.
Thúc đẩy phát triển du lịch xanh
Với điểm nhấn là thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, Hòa Bình đã tập trung huy động các nguồn lực để đưa dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Đến nay, đã có 170 dự án được thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ với tổng vốn đăng ký khoảng 26.223 tỷ đồng. Một số dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã hoàn thành và đi vào hoạt động kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho lao động, nổi bật là dự án tuyến cáp treo Hương Bình; Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa... Cùng với đó, hạ tầng du lịch từng bước được đáp ứng với dự án “Phát triển hạ tầng du lịch Hòa Bình” và dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2”.
Địa phương cũng tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch, thường xuyên tổ chức các sự kiện và một số chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch. Công tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch địa phương được đẩy mạnh, trong đó chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, khôi phục các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, sản xuất rượu cần, hàng lưu niệm... Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, kết nối vùng để xây dựng các chương trình du lịch nông nghiệp nhằm tạo điểm đến cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Hòa Bình (cũ) hiện có khoảng 20 điểm du lịch cộng đồng với hơn 200 homestay, trên 50 khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Du lịch đang phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm chủ lực là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-235347.htm