Đạo luật 'One Big Beautiful Bill' tác động thế nào đến 'túi tiền' người Mỹ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chính thức ký ban hành đạo luật ngân sách mang tên 'One Big Beautiful Bill' (OBBB) vào thứ Sáu. Đây là một văn bản pháp lý có quy mô lớn, với ảnh hưởng sâu rộng đến tài chính của hàng triệu người dân Mỹ, cả theo chiều tích cực lẫn tiêu cực.

Tổng thống Donald Trump đã ký dự luật thuế của Đảng Cộng hòa dài gần 900 trang vào thứ Sáu (Fortune - Getty Images)
Dự luật bao gồm hàng trăm điều khoản, từ việc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân, quy định về vay nợ sinh viên, cho đến thay đổi đối với thuế thừa kế. Để bù đắp cho các khoản giảm thuế, chính phủ sẽ cắt giảm mạnh chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội như Medicaid, trợ cấp dinh dưỡng (SNAP) và các chương trình năng lượng xanh. Dù vậy, theo ước tính, đạo luật vẫn sẽ làm tăng nợ công thêm 3.100 đến 3.500 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Ngoài tác động đến tài chính cá nhân, đạo luật còn phân bổ hàng trăm tỷ USD cho các nỗ lực trục xuất người nhập cư. Đáng chú ý, OBBB thiết lập một hệ thống thuế hai lớp gồm: áp dụng cho công dân Mỹ và gia đình họ, và áp dụng cho các hộ gia đình có ít nhất một thành viên là người nhập cư, dù hợp pháp hay không.
Người giàu hưởng lợi, người nghèo chịu thiệt
Nhiều phân tích cho thấy OBBB sẽ mang lại lợi ích không tương xứng, trong đó giới giàu có được hưởng lợi lớn, còn người thu nhập thấp sẽ thiệt hại. Theo mô hình ngân sách Penn Wharton (PWBM), thu nhập ròng sau thuế và trợ cấp của 20% người có thu nhập thấp nhất sẽ giảm trung bình 245 USD vào năm tới, và mức thiệt hại sẽ lên tới 1.385 USD mỗi năm vào năm 2033.
Không chỉ vậy, báo cáo của PWBM cũng nhấn mạnh rằng các thế hệ tương lai sẽ đồng loạt thiệt hại về mặt phúc lợi, với mức tổn thất một lần dao động từ 22.000 USD với nhóm thu nhập thấp nhất đến 5.700 USD với nhóm cao nhất. Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình thu nhập trung bình hôm nay sẽ đối mặt với mức thiệt hại ước tính 9.800 USD.
Phân tích từ Phòng nghiên cứu ngân sách Đại học Yale cũng đưa ra kết quả tương tự, những thay đổi về thuế, Medicaid và SNAP có thể khiến thu nhập của nhóm 20% người nghèo nhất giảm khoảng 700 USD, trong khi nhóm 1% giàu nhất được hưởng lợi tới 30.000 USD.
Tuy nhiên, phía đảng Cộng hòa vẫn bảo vệ đạo luật. Theo ông Marc Gerson, thành viên của hãng luật Miller & Chevalier và từng là cố vấn thuế cho Ủy ban Tài chính - Thuế vụ Hạ viện Mỹ, đạo luật có thể thúc đẩy tăng trưởng.
“Có một quan điểm cho rằng đạo luật này sẽ tạo động lực lớn cho nền kinh tế và mang lại hiệu ứng tích cực lâu dài”, ông nói.
Dự luật dài gần 1.000 trang, với phạm vi ảnh hưởng lớn, nhưng nhiều điều khoản vẫn đang chờ hướng dẫn thực thi. Ví dụ, luật quy định miễn thuế liên bang cho một số khoản tiền tip và làm thêm giờ, nhưng Sở Thuế vụ (IRS) vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể để người dân và doanh nghiệp áp dụng.
Ngoài ra, phần lớn các ưu đãi thuế cá nhân trong OBBB chỉ có hiệu lực tạm thời, cơ bản là kéo dài đến năm 2028, tùy thuộc vào từng điều khoản cụ thể.
Cắt giảm thuế thu nhập cá nhân
Đạo luật OBBB hợp thức hóa vĩnh viễn một số điều khoản từ đạo luật Tax Cuts and Jobs Act (TCJA) năm 2017, bao gồm biểu thuế thu nhập cá nhân với các mức thấp hơn so với trước đó: 10%, 12%, 22%, 24%, 32%, 35%, và 37%. Tuy nhiên, những mức thuế này đã được áp dụng từ năm 2018, nên nhiều người nộp thuế hiện đã quen thuộc.
Đạo luật cũng loại bỏ các khoản miễn trừ cá nhân và người phụ thuộc, cùng một số khoản khấu trừ liệt kê, trong khi vẫn giữ nguyên mức khấu trừ tiêu chuẩn được nhân đôi (so với trước TCJA). Cụ thể, khấu trừ tiêu chuẩn cho năm 2025 là 15.750 USD đối với người nộp đơn lẻ, 31.500 USD cho vợ chồng nộp chung và 23.625 USD cho chủ hộ gia đình.
"Nếu bạn không đủ điều kiện để được hưởng các lợi ích thuế mới, kết quả thuế của bạn có thể tương tự như năm ngoái vì nhiều điều khoản theo TCJA đang được áp dụng vĩnh viễn", TurboTax lưu ý.
Miễn thuế thừa kế
Với nhóm siêu giàu, đạo luật chính thức hóa việc nhân đôi ngưỡng miễn thuế thừa kế từ TCJA. Kể từ năm 2026 trở đi, tài sản trị giá đến 15 triệu USD (hoặc 30 triệu USD đối với cặp đôi) sẽ được miễn thuế liên bang khi thừa kế, và mức miễn trừ này sẽ được điều chỉnh theo lạm phát.
Theo chuyên gia lập kế hoạch thuế Jane Ditelberg thuộc Northern Trust Wealth Management, chính sách này chủ yếu mang lại lợi ích cho các cá nhân sở hữu tài sản lớn hơn 7,5 triệu USD - mức miễn cũ trước TCJA.
“Việc cố định mức miễn trừ 15 triệu USD giúp các gia đình có kế hoạch chuyển giao tài sản quy mô lớn chủ động hơn. Trước đây, người nộp thuế luôn phải ứng phó với sự thay đổi theo năm, và điều này giúp loại bỏ rủi ro đó”, Ditelberg nhận xét.
Tín dụng thuế cho trẻ em
OBBB nâng mức tín dụng thuế cho mỗi trẻ em từ 2.000 USD lên 2.200 USD, và sẽ được điều chỉnh tăng theo lạm phát hằng năm. Tuy nhiên, người khai báo quyền nhận tín dụng này, bao gồm cả vợ/chồng và đứa trẻ, phải có số an sinh xã hội (SSN) hợp lệ.
Khấu trừ thuế cho người cao tuổi
Thay vì miễn thuế an sinh xã hội, người từ 65 tuổi trở lên sẽ được hưởng khoản khấu trừ thuế "thưởng" lên tới 6.000 USD, áp dụng cho năm thuế từ 2025 đến 2028. Mức thu nhập đủ điều kiện là tối đa 75.000 USD với người nộp đơn lẻ, tối đa 150.000 USD với các cặp đôi nộp chung.
Khấu trừ lãi vay mua xe
Người mua ô tô mới có thể khấu trừ tối đa 10.000 USD tiền lãi vay mỗi năm nếu xe được lắp ráp tại Mỹ. Khoản khấu trừ này áp dụng cho cả người khai báo theo hình thức khấu trừ tiêu chuẩn lẫn khấu trừ liệt kê. Tuy nhiên, nó sẽ giảm dần và chấm dứt với mức thu nhập trên 100.000 USD với người độc thân, hay trên 200.000 USD với cặp đôi nộp chung.
Khấu trừ thu nhập từ tiền tip và làm thêm giờ
Đạo luật cho phép khấu trừ trực tiếp một phần thu nhập từ tiền tip và làm thêm giờ, hiện thực hóa một trong các cam kết tranh cử của ông Trump.
Với người nhận tiền tip, mức khấu trừ tối đa là 25.000 USD, nhưng giảm dần với thu nhập trên 150.000 USD. Áp dụng từ năm thuế 2025 đến 2028.
Với người nhận tiền làm thêm giờ, mức khấu trừ là 12.500 USD (hoặc 25.000 USD với cặp đôi nộp chung), cũng giảm dần từ mốc thu nhập tương tự.
Tuy nhiên, như TurboTax lưu ý, khoản khấu trừ này không giảm trực tiếp số tiền thuế phải nộp, mà hiệu quả thực tế phụ thuộc vào thuế suất cá nhân.
Theo chuyên gia kế toán Meg Wheeler, gần 40% người làm nghề nhận tip có thu nhập thấp hiện đã không phải đóng thuế liên bang trên khoản thu nhập này. Dù vậy, họ vẫn phải đóng thuế tiểu bang và các khoản an sinh như Social Security và Medicare. Do đó, đây không phải là sự miễn thuế hoàn toàn.
“Rất nhiều người làm nghề nhận tip vốn không khai đầy đủ thu nhập, nên thay đổi này có thể tạo ra chuyển biến đáng chú ý. Tôi cũng tò mò liệu điều này có khiến các chủ lao động hoặc người lao động muốn chuyển sang mô hình thu nhập từ tip nhiều hơn không”, Wheeler nhận định.
Ông Marc Gerson cho rằng các quy định mới, hiện vẫn chờ hướng dẫn chính thức từ IRS, có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong cách tính thuế giữa các nhóm lao động cùng nơi làm việc, từ đó làm phát sinh mâu thuẫn nội bộ.
“Lấy ngành nhà hàng làm ví dụ, một số nhân viên nhận tip sẽ được hưởng lợi, trong khi người không nhận tip thì không. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc lực lượng lao động. Có người có thể sẽ không muốn làm nhân viên cố định nữa, vì làm thêm giờ thì được khấu trừ thuế nhiều hơn”, ông nói.
Vay sinh viên: Trả nợ sẽ nặng hơn
Đạo luật OBBB sẽ thay đổi đáng kể chương trình vay sinh viên liên bang từ năm 2026, trong đó nhiều thay đổi khiến khoản thanh toán hàng tháng của người vay tăng lên.
Cụ thể, đạo luật loại bỏ ba chương trình trả nợ dựa trên thu nhập, gồm trả nợ theo thu nhập - ICR (Income-Contingent Repayment), trả nợ khi bạn kiếm được - PAYE (Pay As You Earn) và tiết kiệm cho chương trình giáo dục có giá trị - SAVE (Saving on a Valuable Education) kể từ tháng 7/2026. Người vay hiện tại sẽ có hai năm để chuyển sang ba lựa chọn gồm: kế hoạch trả nợ dựa trên thu nhập - IBR (Income-Based Repayment), kế hoạch tiêu chuẩn, hoặc một chương trình mới mang tên Kế hoạch hỗ trợ trả nợ - RAP (Repayment Assistance Plan). Người vay mới từ sau năm 2026 chỉ được đăng ký chương trình RAP.
Chuyên gia khoản vay Kate Wood từ NerdWallet cho biết: “Nhiều người vay hiện tại sẽ thấy khoản thanh toán hàng tháng tăng lên, dù đạo luật vẫn cho họ thời gian để chuyển đổi kế hoạch. Dù vậy, chương trình RAP yêu cầu trả nợ tới 30 năm mới đủ điều kiện xóa nợ, lâu hơn tất cả các kế hoạch hiện hành”.
Khác biệt đáng chú ý là RAP yêu cầu mức thanh toán tối thiểu hằng tháng, điều không tồn tại ở nhiều kế hoạch hiện tại, nơi một số người thu nhập thấp có thể chỉ phải trả rất ít, thậm chí bằng 0.
“Giờ đây, họ bắt buộc phải trả mức tối thiểu dù thu nhập ra sao, chỉ vì đó là luật. Đây sẽ là cú sốc lớn ngay từ đầu”, chuyên gia Meg Wheeler nói.
Ngoài ra, đạo luật còn giảm trần vay cho bậc sau đại học; loại bỏ hoàn toàn chương trình Grad PLUS của liên bang và áp trần vay mới với chương trình Parent PLUS.
Tất cả những thay đổi này áp dụng với các khoản vay mới từ ngày 1/7/2026.
Dù chi phí học cao học lâu nay bị chỉ trích là quá cao, giới chuyên gia cho rằng việc siết hạn mức vay liên bang không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Ngược lại, sinh viên sẽ phải chuyển sang vay tư nhân với lãi suất cao hơn và ít bảo vệ, hoặc từ bỏ học tập. Những người học luật và y khoa sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất.
Trần khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương (SALT)
Một nội dung gây tranh cãi lớn là trần khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương, hay còn gọi là SALT cap. Trần này được thiết lập ở mức 10.000 USD trong đạo luật thuế năm 2017 của ông Trump, và nay được nâng lên 40.000 USD.
Đây là một trong những điều khoản đắt đỏ nhất trong đạo luật. Người nộp thuế ở các bang như California, Illinois, New Jersey và New York hưởng lợi nhiều nhất, chiếm 40 trong số 50 khu vực bầu cử bị ảnh hưởng mạnh bởi giới hạn SALT. Tuy nhiên, trần SALT sẽ quay lại mức 10.000 USD vào năm 2030.
“Đây là sự hỗ trợ đáng kể, nhưng chỉ là tạm thời. Quốc hội sẽ phải xem xét lại”, Marc Gerson nêu quan điểm.
Tài khoản “Trump” cho trẻ sơ sinh
OBBB thiết lập loại tài khoản thuế ưu đãi mới gọi là “Trump accounts”, dành cho trẻ em sinh từ năm 2025 đến 2028, với mỗi trẻ được cấp 1.000 USD.
Cắt giảm Medicaid: Làn sóng mất bảo hiểm y tế
Đạo luật cũng cắt giảm sâu chương trình Medicaid, vốn cung cấp chăm sóc sức khỏe cho người thu nhập thấp, người khuyết tật và một bộ phận người cao tuổi. Những người tham gia theo hệ thống Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền - Affordable Care Act (ACA) cũng bị ảnh hưởng.
Người trưởng thành có khả năng lao động sử dụng Medicaid sẽ phải đáp ứng yêu cầu công việc nghiêm ngặt hơn, và quá trình kiểm tra đủ điều kiện sẽ diễn ra 2 lần mỗi năm, thay vì 1 lần. Ước tính khoảng 16 triệu người Mỹ có thể mất bảo hiểm.
“Nhiều người dù đủ điều kiện vẫn có thể mất bảo hiểm chỉ vì rào cản hành chính”, chuyên gia Kate Ashford từ NerdWallet cảnh báo và thêm rằng: “Các bệnh viện nông thôn phụ thuộc vào tài trợ Medicaid có thể phải cắt giảm dịch vụ hoặc đóng cửa, khiến người dân địa phương không còn chỗ khám chữa bệnh”.
Người tham gia ACA sẽ phải xác minh lại điều kiện nhận trợ cấp thuế mỗi năm, gây thêm rào cản khi gia hạn bảo hiểm. Quan trọng hơn, đạo luật không gia hạn trợ cấp ACA, vốn giúp nhiều người chi trả bảo hiểm.
“Nếu trợ cấp hết hạn, chi phí bảo hiểm ACA sẽ tăng vọt, tạo áp lực lớn lên ngân sách hộ gia đình và khiến nhiều người phải từ bỏ bảo hiểm. Nhiều người nhập cư hợp pháp tại Mỹ cũng sẽ mất quyền tiếp cận trợ cấp ACA, buộc họ rút khỏi hệ thống, khiến chi phí cho những người còn lại tăng cao”, Ashford cảnh báo đồng thời nhấn mạnh, chủ doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào bảo hiểm ACA sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi cả việc cắt trợ cấp và giảm tài trợ Medicaid, khiến họ khó trụ vững trong hệ thống y tế tư nhân.