Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường

Hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tiến hành rà soát, thu thập thông tin về nhu cầu học nghề cũng như thị trường lao động nhằm định hướng đào tạo nghề nghiệp cho người lao động. Việc nghiên cứu thị trường giúp công tác đào tạo tập trung, đổi mới, góp phần đảm bảo đầu ra cho lao động sau học nghề.

Nhận thức được việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động rà soát thị trường, định hướng nghề nghiệp cho học viên. Em Cu Seo Hồng, dân tộc Mông ở thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) chia sẻ, năm 2019, khi tham gia tư vấn nghề nghiệp tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, em đã được biết về các nhóm nghề trọng điểm, nhu cầu tuyển dụng và tỷ lệ có việc làm sau đào tạo. Từ đó, em mạnh dạn đăng ký theo học ngành điện công nghiệp. Nay đã được nửa chặng đường gắn bó với Lớp Cao đẳng điện K16 với các môn học như trang bị điện, máy điện…, em đã được mở mang kiến thức cả về lý thuyết và thực hành. Trong quá trình học, em và các bạn cũng được tham gia các hoạt động tư vấn tuyển dụng của các doanh nghiệp. Bởi vậy sau khi hoàn thành chương trình, em hy vọng sẽ có cơ hội tìm được việc làm ngay.

Học viên trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thực hành lắp mạch điện.

Học viên trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thực hành lắp mạch điện.

Theo đồng chí Lộc Văn Quang, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, hàng năm, trước mỗi đợt tuyển sinh, nhà trường tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về các ngành nghề đào tạo bằng nhiều hình thức như tư vấn tại các trường THCS, THPT, tư vấn tại các xã, thị trấn, nhắn tin qua tổng đài... Bên cạnh đó, trường có quy chế phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để nắm bắt nhu cầu cần tuyển dụng lao động, nhu cầu đào tạo lại đội ngũ thợ… để cung cấp thông tin cho học sinh, sinh viên chuẩn bị ra trường. Từ đó, tạo tiền đề để học viên đi thực tập tại các công ty, xí nghiệp phù hợp, trong đó có cam kết đảm bảo đầu ra cho học sinh, sinh viên. Vừa qua, trường cũng mở rộng đào tạo thêm một số ngành như nông - lâm nghiệp, kinh tế dịch vụ… để đa dạng các ngành nghề, phù hợp với xu hướng thị trường lao động hiện nay. Bằng các hình thức tư vấn đào tạo, phân luồng hướng nghiệp cụ thể, đến nay, tỷ lệ học viên có việc làm sau khi ra trường đạt trên 82%.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các trung tâm đào tạo nghề đã mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo tập trung, chuyên nghiệp. Đồng chí Trần Văn Bút, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương cho biết, trước mỗi đợt tuyển sinh, Trung tâm thường phối hợp với các doanh nghiệp, UBND các xã, thị trấn tiến hành rà roát nhu cầu học viên. Cùng với đó, Trung tâm cũng tổ chức liên kết với một số đơn vị để đào tạo nghề cho lao động như liên kết với trường Cao đẳng Nghề số 1 - Bộ Quốc phòng đào tạo các nghề cơ khí, điện tử công nghiệp, công nghệ ô tô; liên kết với trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm - Bộ Công Thương đào tạo các nghề may thời trang, may công nghiệp, chế biến nông nghiệp… Theo ông Bút, việc liên kết đào tạo giảm chi phí đi lại cho học viên và được sử dụng vật tư thực hành thực tế, được ký hợp đồng ngay sau đào tạo. Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo liên kết cao hơn đào tạo nghề thông thường, đạt trên 90%.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến hết tháng 9-2020, toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn việc làm và học nghề cho trên 10.500 lượt người, có 3 phiên giao dịch việc làm được tổ chức kết nối 60 đơn vị tuyển dụng lao động. Cùng với đó, công tác tuyển sinh và đào tạo nghề cũng được tiến hành với gần 5.000 lao động tham gia đào tạo, đạt 62,1% kế hoạch đề ra.

Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng liên kết để các học viên có cơ hội tìm kiếm được việc làm phù hợp.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/dao-tao-nghe-gan-voi-nhu-cau-thi-truong-138402.html