Đào tạo nguồn nhân lực biên phòng chất lượng cao

Xuất phát từ yêu cầu thực tế về việc đào tạo nguồn nhân lực biên phòng chất lượng cao cho quân đội, 20 năm qua, với những giải pháp chủ động, sáng tạo, công tác đào tạo sau đại học (SĐH) của Học viện Biên phòng (HVBP) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

HVBP được giao nhiệm vụ đào tạo cao học theo Quyết định số 1973/QĐ-BGDĐT, ngày 17-5-2000, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, gồm 3 chuyên ngành: Quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu và trinh sát biên phòng. Thực hiện quyết định này, từ năm học 2001-2002, học viện tuyển sinh và đào tạo khóa thạc sĩ đầu tiên. Sau gần 10 năm làm công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, học viện tiếp tục được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ với chuyên ngành quản lý biên giới và cửa khẩu.

20 năm qua, học viện đã đào tạo 20 khóa cao học với tổng số 461 học viên tốt nghiệp, kết quả cao: 12,16% loại giỏi; 87,84% loại khá; 67 luận văn bảo vệ xuất sắc; 311 luận văn loại giỏi và 83 luận văn loại khá. Từ năm 2010 đến 2020, 42 nghiên cứu sinh (NCS) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, khung năng lực trình độ tiến sĩ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác xét tuyển NCS luôn được học viện đổi mới nhằm nâng cao chất lượng xét tuyển đầu vào. Theo đó, nhà trường đã xét tuyển được 10 khóa với 58 đồng chí trúng tuyển. Việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc học viện quan tâm; đặc biệt, năm học 2017-2018, HVBP đã xây dựng chương trình mới dùng cho đào tạo trình độ thạc sĩ Quân đội nhân dân Lào.

 Học viên cao học khóa 19 nghiên cứu tại thư viện sau đại học. Ảnh: VĂN QUANG

Học viên cao học khóa 19 nghiên cứu tại thư viện sau đại học. Ảnh: VĂN QUANG

Để có được những bài giảng, công trình nghiên cứu chất lượng, trong những năm qua, HVBP rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên tham gia đào tạo SĐH có học hàm giáo sư. Đồng thời học viện cũng thường xuyên mời các nhà khoa học công tác ở các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng và các cơ sở đào tạo khác tham gia vào quá trình đào tạo SĐH.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đinh Mạnh Quân, Trưởng ban Đào tạo SĐH, HVBP cho biết: Dù quá trình giảng dạy còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, giảng viên mỏng về số lượng, một số chuyển đơn vị, lĩnh vực công tác, đối tượng học viên đa dạng..., nhưng Ban Đào tạo SĐH đã tham mưu với Đảng ủy, Ban giám đốc học viện lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, tạo bước đột phá trong đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo SĐH. Hằng năm, căn cứ danh sách tạo nguồn SĐH đã được phê duyệt, HVBP xây dựng kế hoạch tạo nguồn báo cáo Bộ tư lệnh BĐBP và Cục Nhà trường. Để chủ động tạo nguồn cho xét tuyển NCS và nâng cao kiến thức ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên, HVBP đã liên kết với Học viện Khoa học Quân sự đào tạo đại học ngoại ngữ hệ vừa học vừa làm (nay là hệ tập trung chính quy), đến nay đã có 5 khóa tốt nghiệp với 168 đồng chí. Đây là cách làm đột phá, mang tính chủ động cao, vừa tạo nguồn tuyển sinh, vừa chuẩn bị đủ điều kiện về ngoại ngữ để NCS bảo vệ luận án.

Bám sát nội dung, chương trình đào tạo, Đảng ủy, Ban giám đốc học viện quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các khoa giáo viên thường xuyên cập nhật, bổ sung những kiến thức mới, sát với tình hình thực tiễn trên các tuyến biên giới. Ngoài việc chủ động biên soạn giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, HVBP còn liên hệ với Học viện Quốc phòng, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân khai thác tài liệu liên quan, đặc biệt là các môn chuyên ngành. Công tác thông tin tư liệu cũng được chú trọng, bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu. Hệ thống thư viện của nhà trường thường xuyên được bổ sung đầu sách chất lượng cao. Việc nâng cấp thư viện SĐH, triển khai và kết nối mạng LAN, Mistel và triển khai thư viện điện tử đã thực sự trở thành phương tiện hữu ích cho cán bộ, giảng viên, học viên trong quá trình dạy-học và nghiên cứu khoa học.

Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc HVBP cho biết, mặc dù quy mô đào tạo SĐH của HVBP còn khiêm tốn do đặc thù chuyên môn sâu của lĩnh vực đào tạo, song chất lượng luận văn cao học, luận án tiến sĩ từng bước được nâng lên rõ rệt. Trong thời gian tới, học viện chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh công tác biên soạn giáo trình, tài liệu; tiếp tục nghiên cứu đổi mới, bổ sung và hoàn thiện chương trình đào tạo theo hướng tăng kiến thức thực tiễn và kiến thức chỉ huy tham mưu; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học về những vấn đề lý luận và thực tiễn đã và đang đặt ra trên các tuyến biên giới, vùng biển, công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trước tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống...

DUY ĐÔNG - LAN PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dao-tao-nguon-nhan-luc-bien-phong-chat-luong-cao-643844