Đào tạo nguồn nhân lực cho nuôi trồng thủy sản

HNN - Nuôi trồng thủy sản được xác định là mũi nhọn, khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, đầm phá của thành phố Huế và nhiều tỉnh, thành. Đây là cơ hội cho các cơ sở đào tạo cũng như mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ sư thủy sản.

 Sinh viên được nghe các doanh nghiệp thủy sản trao đổi nghiệp vụ

Sinh viên được nghe các doanh nghiệp thủy sản trao đổi nghiệp vụ

Nhu cầu bức thiết

Vùng ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn là lợi thế tự nhiên, tạo cơ hội trong nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm qua, người dân tận dụng tiềm năng đưa vào nuôi nhiều đối tượng thủy sản từ tôm sú trên đầm phá, đến cá dìa, mú, chẽm, nâu, bớp, cua… đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể.

Từ năm 2002, một số doanh nghiệp và người dân đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trên vùng cát ven biển. Từ một số ít diện tích ban đầu, mô hình nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển nhanh chóng trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp các địa phương với hàng trăm ha. Vùng cát Ngũ Điền bỗng trở nên sôi động, nhiều hộ phất lên khá giả, làm giàu từ nuôi tôm chân trắng.

Tuy vậy, những năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm chân trắng gặp không ít khó khăn do thua lỗ triền miên vì dịch bệnh. Phần lớn các hộ chỉ “tay ngang”, chưa qua đào tạo bài bản, thiếu trình độ từ khâu chọn con giống đến quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… Cả một vùng nuôi tôm trên cát rộng lớn nhưng hầu như không có bóng dáng kỹ sư thủy sản.

Anh Nguyễn Hải Đăng, một chủ hộ nuôi tôm chân trắng ở phường Phong Quảng (sáp nhập từ các xã Quảng Công, Quảng Ngạn và phường Phong Hải) cho biết, từ khi bắt tay vào nuôi tôm chân trắng, các hộ nuôi hầu như không qua một trường lớp nào, chủ yếu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Cả ao hồ rộng đến 2.000 - 3.000m2 nhưng chỉ một dàn quạt sục khí, mật độ nuôi lại dày đặc nên đến giai đoạn tôm trưởng thành thường thiếu ô-xy là một trong những nguyên nhân phát sinh dịch bệnh. Các hộ nuôi thiếu kiến thức trong phòng ngừa dịch bệnh và khi tôm bị dịch thường lúng túng, không có biện pháp điều trị, xử lý kịp thời dẫn đến chết hàng loạt, thua lỗ triền miên.

Thực tế, từ mấy năm nay, hàng trăm ha ao hồ nuôi tôm chân trắng trên cát vùng Ngũ Điền phải bỏ hoang vì thua lỗ kéo dài. Rõ ràng nuôi tôm chân trắng trên cát tự phát, thiếu kiến thức chuyên môn là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Các chuyên gia khuyến cáo, để nuôi thủy sản bền vững, các hộ cần có sự đầu tư thỏa đáng về thiết bị máy móc, vật tư hiện đại; mỗi hộ, nhóm hộ nuôi cần ít nhất một kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình nuôi. Đây chính là cơ hội lớn cho các cơ sở đào tạo, cơ hội hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên với ngành kỹ sư thủy sản.

Lợi thế trong đào tạo nhân lực

PGS.TS. Mạc Như Bình, Phó Trưởng khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế khẳng định, ngành kỹ sư thủy sản đang là xu hướng lựa chọn đúng đắn với nhiều học sinh, sinh viên hiện nay. Thế mạnh của thành phố Huế có khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm là cơ sở đào tạo kỹ sư uy tín tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Bắt đầu đào tạo từ năm 1994, trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, đến nay khoa đang đào tạo 3 ngành học: Nuôi trồng thủy sản, Bệnh học thủy sản, Quản lý thủy sản, với quy mô khoảng 300 sinh viên mỗi khóa.

Đội ngũ giảng viên của khoa Thủy sản hầu hết có trình độ sau đại học; trong đó, có 6 phó giáo sư, 17 tiến sĩ, 14 thạc sĩ và nghiên cứu sinh. Đặc biệt, hơn 60% tiến sĩ được đào tạo tại các nước phát triển, như: Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Úc… Từ đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp cho thị trường lao động các kỹ sư chất lượng.

Từ năm 2010 đến nay, nhà trường liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo và hỗ trợ việc làm cho người học là thế mạnh nổi bật của Khoa Thủy sản. Mỗi năm học có đến 4 tháng trải nghiệm thực tế, sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, chỗ ăn, chỗ nghỉ miễn phí, nhận lương thực tập mỗi tháng 3 triệu đồng/sinh viên. Điều này không chỉ tạo điều kiện về chi phí cho sinh viên trong quá trình học tập mà còn giúp người học vững chắc tay nghề trước khi ra trường.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/dao-tao-nguon-nhan-luc-cho-nuoi-trong-thuy-san-156037.html