Đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri và Nhân dân

Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: '… Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…'.

 Lời kêu gọi đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu)

Lời kêu gọi đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu)

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, toàn thể Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử ngày 6/1/1946, toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… Các tỉnh phía Bắc mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại tinh vi và trắng trợn của kẻ thù nhưng cuộc Tổng tuyển cử vẫn diễn ra an toàn. Ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, Nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế…

78 năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, Quốc hội nước ta ngày càng trưởng thành, hoàn thiện, đổi mới về tổ chức và hoạt động, thực hiện ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Với vai trò là cầu nối, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, tiếp nối kế thừa kinh nghiệm, phát huy kết quả các khóa trước, các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai khóa XV đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả và linh hoạt. Công tác xây dựng pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được quan tâm, huy động được sức mạnh và trí tuệ của nhiều cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm tham gia. Công tác giám sát, khảo sát được chú trọng, phù hợp với thực tiễn của địa phương, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các hoạt động giám sát, khảo sát có chất lượng, tiết kiệm về thời gian, kinh phí. Hoạt động tiếp xúc cử tri được tiến hành dưới nhiều hình thức như tiếp xúc trực tiếp và tiếp xúc trực tuyến. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, đôn đốc giải quyết đơn, thư được từng bước nâng cao, góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Công tác lấy ý kiến xây dựng luật, pháp lệnh được chỉ đạo quyết liệt, có nhiều đổi mới, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến nhiều cấp, nhiều chuyên gia, các đại biểu Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tiếp thu ý kiến, tổng hợp, nghiên cứu, tích cực đóng góp ý kiến nên chất lượng góp ý xây dựng luật, pháp lệnh được nâng lên rõ rệt, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến đối với những dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu.

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại huyện Si Ma Cai.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại huyện Si Ma Cai.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được thực hiện đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Quốc hội. Từ năm 2021 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ban hành gần 50 văn bản tham gia đóng góp xây dựng hơn 30 dự án luật trình tại các kỳ họp Quốc hội. Tại các kỳ họp quốc hội, các phiên họp thảo luận tại tổ... đoàn đã tham gia hơn 70 ý kiến vào các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo, tờ trình... nhiều ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được ban soạn thảo dự án luật tiếp thu, chỉnh lý, góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua.

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động mang tính chất chuyên môn, đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia đầy đủ các cuộc giao ban Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các hoạt động khác của tỉnh, các sở, ngành và địa phương. Công tác phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành trung ương và các cơ quan, đơn vị ở địa phương được tăng cường; lãnh đạo Đoàn và các đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên giữ mối quan hệ với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ, ngành, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, đồng thời tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh và đồng bào các dân tộc vùng cao và các dự án lớn của tỉnh...

Những kết quả đạt được càng thể hiện rõ vai trò đóng góp của các đại biểu Quốc hội Trung ương và lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vào nhiều hoạt động quan trọng, nhất là trong công tác chỉ đạo để tỉnh Lào Cai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Uy tín của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ngày được nâng cao, đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri và Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dap-ung-su-tin-tuong-va-ky-vong-cua-cu-tri-va-nhan-dan-post378137.html