Đất ngọt

Không quảng bá rầm rộ, không công khai nhiều thông tin trên mạng xã hội, nhưng từ chục năm nay, nhà vườn của anh Vương Ngọc Quang, thôn Đo, xã Bình Xa (Hàm Yên) vẫn thu hút hàng trăm lượt khách du lịch mỗi năm. Cách làm của ông chủ này là 'hữu xạ tự nhiên hương'.

Đất lành

Anh Vương Ngọc Quang quê gốc ở tỉnh Hưng Yên. Quang tự nhận mình không may mắn như nhiều người, khi lên 9, lên 10, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đã phải rời quê lên Hà Nội bôn ba với đủ thứ việc. Nhưng hóa ra, cái không may mắn này lại trở thành động lực để anh tạo dựng nên cơ ngơi ngày hôm nay.

Anh nhớ lại, cả chục năm trời lăn lộn ở Hà Nội, trong đầu anh đã quyết tâm, mình không thể mãi lang thang như vậy mà phải có nghề gì làm cho hẳn hoi. Đầu những năm 90, đất nước mở cửa, người nước ngoài đến với Thủ đô ngày một nhiều, Quang tự học tiếng Anh để kiếm tiền từ người Tây. Có ngoại ngữ, anh xin được nghề phiên dịch tại Đại sứ quán Canada và một số tổ chức phi chính phủ, các dự án về rau quả hữu cơ ở Hà Nội. Có cơ hội được đi đến mọi miền của Tổ quốc, Vương Ngọc Quang học được cách làm du lịch nhà vườn ở một số nơi. Tiền làm phiên dịch anh ki cóp lại kinh doanh bất động sản và cây cảnh.

Quang bảo, bước ngoặt để anh quyết định chọn một miền quê, xây nên một nhà vườn sạch, an toàn là khoảng những năm 2000, khi anh làm việc trong một trung tâm chăm sóc trẻ em là nạn nhân chất độc màu da cam. Những khuôn mặt ngô nghê, những dáng hình không trọn vẹn khiến anh nhận ra, nếu mình không hành động ngay thì không chỉ một thế hệ, hai thế hệ mà còn kéo dài mãi. Khi những thứ đầu độc thế hệ trẻ không chỉ do chiến tranh, mà do chính những thói quen sản xuất “chớp nhoáng, vì lợi nhuận” của nhiều người.

Khách du lịch nước ngoài thu hái trái cây ngay tại vườn.

Khách du lịch nước ngoài thu hái trái cây ngay tại vườn.

Toàn bộ tài sản ki cóp được trong những ngày làm việc ở Thủ đô, Quang bàn với vợ bán toàn bộ về Hưng Yên làm trang trại. Nhưng đất ở quê không đủ rộng, anh lại đi khắp các tỉnh thành tìm vị trí thích hợp. Năm 2007, Vương Ngọc Quang đến Bình Xa và quyết định chọn đất này lập nghiệp. Anh giải thích, Tuyên Quang gần như nằm ở khu vực trung tâm của các tỉnh vùng Đông Bắc, muốn đến Hà Giang, Bắc Cạn hay Yên Bái… đều phải qua đất này, nên anh chọn “định cư” ở đây, để có thể phục vụ được khách du lịch từ nhiều nơi. Đất ở nơi này cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi hóa chất, thuận lợi cho mục tiêu sản xuất sạch, an toàn của anh.

Mua gần 20 ha đất, vợ chồng anh Quang bắt tay vào cải tạo, làm vườn. Khu đất bằng anh trồng cây ăn quả, khu vực đồi cao anh trồng những loại cây tự nhiên, cây lâu năm như dổi, sấu, mít, lát. Anh Quang phấn khởi, dổi trồng từ chục năm trước, đến năm vừa rồi đã ra hoa, sấu cũng đã đậu quả. Đồi cây này anh hầu như không thu hoạch, mà chỉ để cân bằng hệ sinh thái cho toàn bộ khu vực trồng cây ăn quả.

Mỗi năm, anh Vương Ngọc Quang thu mua hơn 100 tấn phân chuồng của bà con quanh vùng về ủ làm phân bón cho hơn 5.000 gốc bưởi, 2.000 gốc cam. Thuốc bảo vệ thực vật anh cũng tự làm từ tỏi, ớt, gừng, thuốc lào, rượu… Chị Nguyễn Thị Huyền, vợ anh Quang chia sẻ, có lẽ nhờ được sống trong môi trường trong lành, mà 4 đứa con nhà anh chị không mấy khi ốm đau, suốt 5 năm đầu đời, hầu như chẳng đứa nào phải đến bệnh viện cả.

Vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên vườn bưởi nhà anh Quang không mấy bắt mắt, vỏ quả sần sùi. Thấy khách phân vân về chất lượng, anh Quang hái một trái bưởi Diễn và bóc luôn mời khách. Không cần phải để héo, không cần thời gian “xuống nước” nhưng những tép bưởi căng mọng nước, ngọt lịm tan dần trong lưỡi khiến người thưởng thức rất bất ngờ. Chị Huyền khoe, sản phẩm nhà anh chị được các siêu thị lớn, nhỏ ở Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc đặt mua đồng giá 25 nghìn đồng.

Anh vương Ngọc Quang (bên trái) giới thiệu với du khách khu nhà vườn của gia đình.

Anh vương Ngọc Quang (bên trái) giới thiệu với du khách khu nhà vườn của gia đình.

Khu du lịch độc, lạ

Thấp thoáng giữa vườn cây ăn quả là 8 ngôi nhà sàn dành cho khách du lịch. Vương Ngọc Quang không gọi mô hình mà mình theo đuổi là Homestay, anh gọi nó là nhà vườn. Là bởi, nếu Homestay thu hút khách du lịch bởi giá cả phải chăng, sự gần gũi với chủ nhà, thì mô hình này tôn trọng hoàn toàn sự riêng tư của khách. Khách du lịch đến với khu nhà vườn này “mùa nào hoạt động nấy”. Mùa chăm sóc cây, khách du lịch học cách tỉa cành, bón phân; mùa thu hái quả thì cùng thu hoạch quả với chủ vườn... Khi không trải nghiệm tại vườn, khách tham gia các tuor đi bộ, đi xe đạp, xe máy đến Cham Chu (Minh Hương), Động Tiên (Yên Phú) và thác Thiêng (Phù Lưu).

Khách đến với nhà vườn của anh Vương Ngọc Quang cũng rất chọn lọc, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài và một số trường quốc tế tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và các nước Hàn Quốc, Anh… Anh bảo, may mắn của anh là trong quá trình làm phiên dịch, anh không chỉ có thu nhập, tích lũy được kiến thức mà còn có được nhiều mối quan hệ phục vụ công việc làm ăn bây giờ. Anh Quang có nhiều người bạn làm việc trong lĩnh vực du lịch ở trong Nam ngoài Bắc và cả nước ngoài. Họ đã kết nối với nhau, hỗ trợ nhau, làm cầu nối đưa khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa chỉ nhà vườn ở nơi núi non vời vợi này.

8 nhà vườn của anh Vương Ngọc Quang trên thực tế có thể phục vụ được trên 100 lượt khách du lịch mỗi ngày, nhưng anh chỉ lựa chọn phục vụ khoảng 40 - 50 khách du lịch. Anh bảo, mình cần tiền, nhưng không phải cần bằng mọi giá. Với 40 - 50 lượt khách, anh mới đảm bảo mình có thể phục vụ du khách được tốt nhất, chất lượng nhất khi mức giá nghỉ mỗi đêm của một khách được nhà vườn tính toán từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lượt.

Anh Miklos Beyer, khách du lịch đến từ Tây Ban Nha chia sẻ, được sống, được trải nghiệm các hoạt động trong môi trường trong lành này, cảm giác của anh sau mỗi chuyến trở về là năng lượng tích cực tràn đầy hơn, phấn chấn hơn, vui vẻ hơn. Từ những chuyến đi này, Miklos Beyer đã xin được làm đối tác với Vương Ngọc Quang, hỗ trợ kết nối đưa khách du lịch từ Tây Ban Nha và một số nước lân cận.

Khu nhà vườn này năm vừa rồi phục vụ hơn 300 lượt khách, doanh thu xấp xỉ 2 tỷ đồng. Vương Ngọc Quang đang tập trung nhân lực hoàn thành một nhà tập thiền, yoga trên đỉnh đồi. Theo dự tính, khu nhà này sẽ đón khách vào năm 2020, nhưng Giáng sinh này, đã có một đoàn khách đặt lịch nghỉ lễ.

Lấy tự nhiên đối đãi với tự nhiên, và trái ngọt là những phản hồi tốt đẹp từ người tiêu dùng, từ những khách du lịch phương xa. Với vợ chồng anh Vương Ngọc Quang, đây là động lực để vợ chồng anh tiếp tục đi theo con đường làm du lịch nông nghiệp theo cách tử tế nhất.

Phóng sự: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/dat-ngot-127179.html