Dấu hỏi cơ hội vươn lên cho doanh nghiệp cơ khí nội địa giữa nhiều thế khó

Các doanh nghiệp cơ khí trong nước đối mặt nhiều thế khó và vẫn đang dừng lại ở vai trò gia công, chưa làm chủ công nghệ lõi hay phát triển thương hiệu riêng. Điều này cũng đặt ra dấu hỏi về cơ hội vươn lên cho họ và khả năng nội địa hóa của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam giữa bối cảnh thuế quan và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nói về thế khó của doanh nghiệp (DN) cơ khí nội địa như hiện nay, ông Hồ Ngọc Toàn, Phó tổng giám đốc CTCP thiết bị và giải pháp cơ khí Automech, cho rằng giá thuê đất trong khu công nghiệp quá cao, nên thay vì công ty đầu tư 3ha để xây dựng nhà máy thì bây giờ chỉ còn 1ha.

Vừa gặp khó vừa chưa làm chủ công nghệ lõi

“Khó khăn đầu tiên của một DN từ chỗ làm thương mại chuyển sang sản xuất là vấn đề không thể đầu tư nhà máy, mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất đúng như kỳ vọng ban đầu”, ông Toàn nói.

Các DN cơ khí nội địa đối mặt với nhiều khó khăn và vẫn đang dừng lại ở vai trò gia công, chưa làm chủ công nghệ lõi.

Các DN cơ khí nội địa đối mặt với nhiều khó khăn và vẫn đang dừng lại ở vai trò gia công, chưa làm chủ công nghệ lõi.

Bên cạnh đó, vị phó tổng giám đốc này chỉ ra một loạt khó khăn khác như đối mặt nhiều tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, đội ngũ nhân sự vận hành và nhất là việc chuyển đổi sang tư duy sản xuất của một DN vốn dĩ chỉ kinh nghiệm trong thương mại.

Thực ra, đây cũng là khó khăn chung của nhiều DN cơ khí khi chuyển từ thương mại, lắp ráp sang sản xuất chế tạo. Không chỉ vậy, họ còn đối diện với nhiều thách thức, từ công nghệ đến quản lý và cạnh tranh trong thị trường quốc tế.

Riêng về vấn đề mặt bằng sản xuất của DN cơ khí, Ts. Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), nói rằng khâu chính sách vừa qua đã đề cập đến việc giảm tiền thuê đất cho DN, tuy nhiên nếu như các DN tập hợp nhau lại để cùng nhau thuê đất ở những khu vực có giá rẻ để làm khu công nghiệp dành riêng ngành cơ khí thì sẽ giảm được chi phí rất nhiều.

Ngoài những thế khó nêu trên, thông tin đưa ra tại diễn đàn tiền triển lãm Metalex Vietnam 2025 được tổ chức ở Tp.HCM hôm 24/7 để bàn về “cơ hội bứt phá chuỗi giá trị ngành cơ khí chế tạo Việt Nam trong bối cảnh thuế quan và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu” cho thấy: Trước làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuyển dịch dòng vốn và gia tăng rào cản thương mại thì nhiều DN cơ khí của Việt Nam vẫn đang dừng lại ở vai trò gia công, chưa làm chủ công nghệ lõi hay phát triển thương hiệu riêng.

Điều này đòi hỏi các DN cơ khí nội địa nên sớm có bước chuyển từ gia công đến thương hiệu. Cụ thể là chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tự động hóa, và phát triển thương hiệu “Made by Vietnam”.

Hơn thế nữa, để mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu, yêu cầu đặt ra cho các DN cơ khí là cần khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời, cần có chính sách xúc tiến thương mại và nền tảng công nghệ để DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Đứng ở góc độ của một DN cơ khí chuyên nghiên cứu giải pháp công nghệ động cơ và phát triển những sản phẩm quạt điện hiệu suất cao, ông Trần Bình Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Gcool, nhấn mạnh có bốn yếu tố then chốt để DN cơ khí nội địa có cơ hội vươn lên.

Thứ nhất là chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Thứ hai là làm sao để chuyển những kết quả từ R&D thành sản phẩm trên thị trường. Thứ ba là làm chủ được những tiêu chuẩn gắt gao và đổi mới sáng tạo. Thứ tư là khi sản phẩm của DN đã ra thị trường thì phải hiểu thị trường hơn và có điều chỉnh tức thời cho phù hợp.

Còn theo ông Trần Hồng Quân, Giám đốc thương mại của RX Tradex Vietnam, trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu liên tục biến động, ngành cơ khí – chế tạo Việt Nam càng cần khẳng định vai trò trụ cột chiến lược. Bởi lẽ, không chỉ là nền tảng cho nhiều ngành sản xuất, cơ khí – chế tạo còn là động lực tăng trưởng dài hạn, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu và chuyển giao công nghệ. Nhất là khi hiện nay, khu vực chế biến – chế tạo đang tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất trong cơ cấu công nghiệp và GDP quốc gia.

Ông Quân dẫn lại số liệu thống kê cho thấy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 tăng 9,2% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến – chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tốc độ phục hồi mạnh mẽ, cùng làn sóng đầu tư máy móc và mở rộng xuất khẩu.

Vẫn chờ khả năng nội địa hóa

Ông Trần Hồng Quân cũng chỉ ra hàng loạt dự án đầu tư công quy mô lớn đang được triển khai mạnh mẽ trên khắp cả nước (điển hình như dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành…) không chỉ nâng cấp hạ tầng kết nối liên vùng mà còn tạo cú huých lớn về nhu cầu thiết bị, máy móc, giải pháp gia công, tự động hóa và sản xuất chính xác.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thế khó ngày càng gia tăng đối với các DN cơ khí nội địa. Như với chính sách thuế đối ứng của Mỹ, ông Quân cho rằng điều này khiến nhiều DN cơ khí đối mặt với chi phí tăng cao, áp lực minh bạch nguồn gốc và rủi ro mất đơn hàng.

“Cùng lúc, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới ngày càng siết chặt tiêu chuẩn xuất xứ, chất lượng và quản trị bền vững. Trước bối cảnh này, DN cơ khí – chế tạo Việt Nam không chỉ cần nâng cấp máy móc, mà còn phải chuẩn hóa toàn bộ quy trình sản xuất, minh bạch chuỗi cung ứng và nâng tầm năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế”, ông Quân bộc bạch.

Mặt khác, với ngành cơ khí - chế tạo của Việt Nam, vấn đề tỷ lệ nội địa hóa vào thời điểm này không chỉ là “sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu”, mà nên được xem là chiến lược phát triển tổng thể, đòi hỏi năng lực công nghệ, kỹ thuật, nguồn nhân lực và liên kết giữa các DN trong toàn chuỗi giá trị.

Thực ra, theo giới chuyên gia, vấn đề nội địa hóa đối với các DN cơ khí trong nước là hoàn toàn khả thi, nếu có tầm nhìn dài hạn, đầu tư bài bản và sự đồng hành từ nhiều phía. Không những thế, nội địa hóa còn mang lại giá trị chiến lược: Tối ưu chi phí đầu vào, tăng tính chủ động trong sản xuất và đảm bảo an ninh công nghiệp quốc gia.

Và để nội địa hóa thành công thì việc liên kết công nghiệp cần được xem là “xương sống”. Trong khi đó, thực tế cho thấy do thiếu sự kết nối trong chuỗi cung ứng đã dẫn tới rào cản lớn, gây ra sự lãng phí tài nguyên, khó hình thành ngành công nghiệp phụ trợ mạnh mẽ.

Qua trao đổi với VnBusiness, nhiều DN cơ khí đã bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác trong nước về gia công linh kiện, R&D và phân phối thị trường. Điều này cũng nhằm hướng đến một hệ sinh thái cơ khí Việt Nam toàn diện và kết nối. Và để các DN cơ khí nội địa phát triển bền vững, điều quan trọng là cần một hệ sinh thái DN chia sẻ công nghệ, đặt tiêu chuẩn chất lượng chung và cùng phát triển nguồn nhân lực.

Cùng với đó, các DN mong rằng có chính sách ưu đãi thuế cho DN nội địa hóa, có sự hỗ trợ tài chính – tín dụng cho dự án R&D, khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước, phát triển cụm công nghiệp cơ khí theo vùng.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dau-hoi-co-hoi-vuon-len-cho-doanh-nghiep-co-khi-noi-dia-giua-nhieu-the-kho-1108386.html