Đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cấp đồng bộ hạ tầng góp phần thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân

 Đường giao thông xã Sông Phan.

Đường giao thông xã Sông Phan.

Hồi sinh vùng khô hạn

Một ngày đầu tháng 12, khi cái nắng đã bớt phần gay gắt ở vùng đất khô hạn trước đây chỉ độc canh cây mì, phủ lên màu xanh bạt ngàn của những vườn cây ăn trái, keo lá tràm, thanh long. Sông Phan xã miền núi của huyện Hàm Tân, đặc biệt có thôn Tân Quang thuần đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chính quyền xã Sông Phan đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, đề án kinh tế - xã hội cũng như quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhờ vậy, đời sống người dân được cải thiện, đặc biệt tạo được sự đột phá chuyển dịch cơ cấu cây trồng, điển hình phát triển cây thanh long ruột đỏ nên đời sống người dân khá lên. Việc chuyển đổi cây trồng thành công chính nhờ hiệu quả việc nối mạng thành công các kênh dẫn nước từ đập dâng Sông Phan. Màu xanh tươi tốt của hôm nay thỏa nỗi mong mỏi bao năm qua của người dân vùng khô hạn xã Sông Phan. Có mặt tại vùng thượng nguồn đập dâng Sông Phan, nơi có gần 1.000 ha hoa màu đất đồi núi nếu trước đây chỉ trồng bắp, mì nay đã phủ lên màu xanh các loại cây ăn trái quýt, bưởi, xoài, thanh long nhờ nguồn nước mát dẫn về. Lãnh đạo UBND xã Sông Phan vui mừng khi nói với chúng tôi, kênh tiếp của đập dâng là công trình trọng điểm có ý nghĩa rất lớn đối với xã khô hạn như Sông Phan. Từ công trình đập dâng Sông Phan, nông dân nơi đây đã dẫn nước đến tận những chân đất cao, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Nhờ nguồn nước dẫn về làm trỗi dậy một vùng đất nông nghiệp vốn khô cằn trở nên trù phú hơn với những vườn rẫy xanh tươi tắm mát dòng nước mát quanh năm. Rồi đây những nông dân quanh năm trên ruộng đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng vơi bớt những nhọc nhằn đưa nông sản Hàm Tân vươn xa. Nhờ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng trên các lĩnh vực dân sinh, kinh tế đã góp phần đưa Sông Phan đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo của xã được kéo giảm đáng kể từ 13,5% năm 2015 còn dưới 3,4% năm 2019.

Quan tâm đầu tư hạ tầng

Tại kỳ họp thứ 11 – HĐND tỉnh vừa mới diễn ra, đại biểu Thanh Thị Kỷ - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho hay: Tuy cơ sở hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư nhưng so với yêu cầu vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Một số công trình đầu tư ở giai đoạn trước bị xuống cấp nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa kịp thời, chưa đạt hiệu quả tưới tiêu. Đơn cử, một số xã ở vùng núi, vùng cao như xã Phan Sơn, Phan Lâm (Bắc Bình) là địa bàn gắn với các khu vực hồ xả của các công trình thủy điện lớn như: Đại Ninh, Bắc Bình, hồ chứa nước Sông Khán, Sông Quao… mặc dù có hệ thống kênh cấp I đi qua nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp của đồng bào ở các khu vực này nằm ở địa hình cao, nên chưa tiếp cận được nguồn nước tưới sản xuất, gây khó khăn trong phát triển nông nghiệp. Đại biểu Kỷ cho rằng, trong giai đoạn (2021 – 2025), HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư những công trình thủy lợi vùng đồng bào DTTS, cụ thể đầu tư các hệ thống đập dâng, các trạm bơm, các tuyến kênh dẫn… để giải quyết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, hiện nay hệ thống đường giao thông ở vùng đồng bào DTTS tỉnh 100% xã đều có đường nhựa ô tô vào trung tâm xã góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thông thương hàng hóa phát triển kinh tế. Còn tại một số tuyến lưu thông khác có vượt qua suối lớn chưa được đầu tư cầu dân sinh như khu vực xã Phan Dũng, Phong Phú (huyện Tuy Phong), khu vực xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) các phương tiện phải đi qua tràn. Về mùa lũ giao thông bị gián đoạn, cô lập nhân dân trong vùng đi lại rất khó khăn. Bên cạnh đó, khu sản xuất của thôn Tân Quang – xã Sông Phan (Hàm Tân) không có đường vào phải đi tạm qua khu rừng sản xuất Vĩnh Hưng. Tại xã La Ngâu (Tánh Linh), hơn 200 ha đất sản xuất của bản 2, xã La Ngâu đường trũng thấp xuống cấp khó lưu thông với các khu vực khác. Vì vậy, cần rà soát đưa vào đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường chính vào khu sản xuất của đồng bào tạo điều kiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản sau khi thu hoạch. Ở các xã Thuận Hòa, La Dạ (Hàm Thuận Bắc) nhiều năm qua cũng kiến nghị tỉnh quan tâm nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt, giải quyết nhu cầu về nước uống mùa khô cho đồng bào DTTS…

Toàn tỉnh có 35 dân tộc anh em, trong đó có 34 dân tộc thiểu số với 24.881 hộ/104.937 người, chiếm 8% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ, lồng ghép các nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống người dân. 5 năm qua, vùng đồng bào DTTS tỉnh đã có 530 công trình dự án lớn nhỏ được xây dựng trên nhiều lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, y tế, văn hóa… từ nguồn vốn của ngân sách Trung ương, địa phương và từ huy động doanh nghiệp và nhân dân. Từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã giảm được trên 2.545 hộ nghèo, tương ứng giảm 13,02% (bình quân giảm 2,6%/năm).

T.Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/dau-tu-ha-tang-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-133418.html