Đầu tư tốn kém cho sở thích trekking ở nước ngoài

Theo chị Vũ Vân, leo núi ở châu Âu không khó, nhưng giá cả đắt đỏ. Gần đây, vợ chồng chị chi 2.000 USD cho chuyến trekking 10 ngày tại Italy.

Trước khi rời Nhật Bản sau 3 năm sinh sống, chị Vân, hiện làm thiết kế ứng dụng và trang web tại Italy, quyết định leo núi Phú Sĩ. Chuyến trekking đầu tiên khiến chị đau nhức toàn thân, 3 ngày không thể đi lại. Nhưng cùng với đó, một niềm đam mê mới cũng bắt đầu.

Trở về Việt Nam, chị Vân lần lượt chinh phục các đỉnh Fansipan, Putaleng, Ma Thiên Lãnh, Cát Hải. Bên cạnh đó, chị còn ra nước ngoài leo núi Rinjani (Indonesia), Annapurna Base Camp, Annapurna Circuit, Mardi Himal (Nepal), Ladakh (Ấn Độ), Lac Blanc (Pháp), Lugano (Thụy Sĩ), Dolomites, Monterosso (Italy).

Chị Vân cho hay mỗi quốc gia lại có văn hóa leo núi khác biệt.

Ở Việt Nam, trekking còn khá mới, các vùng rừng núi chưa được đầu tư, đường đi heo hút, thường cần người bản địa dẫn đường. Trong khi đó, ở nước ngoài, hoạt động leo núi rất phổ biến, các cung được chỉ dẫn đường rất kỹ, có bậc thang, dây leo ở nơi địa hình hiểm trở, việc đi tự túc cũng không hề hiếm gặp.

“Tất nhiên, chi phí trekking ở nước ngoài cũng đắt đỏ hơn Việt Nam, châu Âu tốn kém hơn châu Á”, chị nói.

 Sau khi tham gia nhóm chạy bộ ở TP.HCM, chị Vân rèn luyện thể lực để thực hiện nhiều chuyến trekking trong và ngoài nước.

Sau khi tham gia nhóm chạy bộ ở TP.HCM, chị Vân rèn luyện thể lực để thực hiện nhiều chuyến trekking trong và ngoài nước.

Chết hụt ở Nepal

Với chị Vân, Nepal là đất nước có cảnh quan hùng vĩ nhất cho hoạt động trekking. Cách đây hơn 5 năm, chị lần đầu thử sức với cung Annapurna Base Camp (ABC).

Trừ vé máy bay, chị Vân phải trả 600 USD cho tour có một porter dẫn đường. Tuy nhiên, mới đi được một ngày, người này bị ốm giữa đường, phải ở lại tea house (điểm nghỉ chân). Chị tự leo tiếp tới base camp (trại nền) trong 2 ngày và quay về.

Đầu năm 2018, chị Vân trở lại Nepal trekking cung Annapurna Circuit (AC) một mình. Trước đó, chị lên kế hoạch, tích cóp tiền bạc và dành hẳn một năm nghỉ việc để xê dịch.

Sau 10 ngày xuất phát từ Kathmandu, chị Vân đặt chân tới Tilicho Base Camp ở độ cao khoảng 4.500 m. Tuy nhiên, khi sắp xếp hành lý để tiếp tục lên đường, chị có cảm giác lạ với những ngón tay.

Chị Vân nghi ngờ mình bị sốc độ cao nên quyết định trở lại đường cũ sau khi tham khảo ý kiến từ một người bạn. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng tệ hơn. Tay chị tê phù không thể duỗi các ngón, rồi cảm giác đó lan dần lên mặt, mũi và đầu óc dần trở nên trống rỗng.

May mắn, chị Vân được 3 người Nepal cứu và đưa xuống núi. Chị phải bắt xe jeep về Kathmandu rồi nằm viện vì kiệt sức.

Trải qua lần “chết hụt” đó, chị Vân tự nhủ các chuyến trekking sau cần có người đi cùng để giảm bớt rủi ro. Chị gặp “bạn đồng hành” đặc biệt của mình (hiện là chồng) cũng trên đường đi leo núi.

 Đầu tháng 12, vợ chồng chị Vân dự định trở về Việt Nam thăm gia đình và trekking ở Nepal, Pakistan.

Đầu tháng 12, vợ chồng chị Vân dự định trở về Việt Nam thăm gia đình và trekking ở Nepal, Pakistan.

Đầu năm nay, khi Việt Nam vừa mở cửa trở lại, vợ chồng chị Vân sang Nepal chinh phục đỉnh Mardi Himal. Bên cạnh chuẩn bị khá nhiều giấy tờ liên quan tới phòng chống dịch, họ phải chi 1.200 USD cho riêng tiền vé máy bay khứ hồi. Còn lại, các chi phí khác đều rẻ như khách sạn 12 USD/đêm, ăn 3-4 USD/bữa.

Vợ chồng chị Vân dừng chân tại viewpoint (điểm quan sát) ở độ cao 3.900 m. Do thời tiết mùa đông khắc nghiệt, tuyết dày qua đầu gối, họ không thể đi tiếp tới trại nền 4.650 m. Tổng chiều dài của cung là 41 km.

Chị Vân cho hay ngoài Nepal cần xin trekking permit (giấy phép leo núi), chị không phải lo thủ tục này ở các quốc gia khác, đôi khi chỉ đóng phí vào cửa tùy từng địa điểm.

Hiện sinh sống và làm việc tại Italy, chị Vân vừa thực hiện chuyến leo Three Peaks, điểm check-in nổi tiếng và rất đông đúc ở Dolomites, vào tháng 9. Do là khu du lịch, chi tiêu ở đây không hề rẻ, đặc biệt là tiền thuê xe di chuyển.

“Vợ chồng tôi phải đặt trước cả tháng mới được giảm giá. Bình thường, giá thuê xe tại đây là 100 USD/ngày, phòng ở ít nhất 100 USD/đêm. Hạn chế chi tiêu, chúng tôi vẫn tốn 2.000 USD”, chị nói.

Theo chị Vân, nếu bay từ Việt Nam sang, riêng tiền vé máy bay đã quá đắt đỏ. Bởi vậy, chị cho rằng nhiều người sẽ chọn trekking ở châu Á hơn là qua tận châu Âu.

Đi tự túc

Anh Trần Trung Hiếu (32 tuổi, nhiếp ảnh gia tự do ở Hội An) vừa trở về từ chuyến trekking Nepal 22 ngày. Trong đó, anh dành 14 ngày chinh phục cung AC với tổng chặng đường gần 200 km.

“So với ABC hay EBC, cung AC đẹp nhưng ít phổ biến hơn. Gần như mỗi ngày, tôi đều được thấy cảnh quan thay đổi, hôm là rừng nguyên sinh thay lá, hôm băng qua rừng thông, hôm sau nữa lại là thung lũng trơ trọi nhưng hùng vĩ đến nghẹt thở. Ngoài cảnh quan, tôi còn được ghé thăm những ngôi làng nguyên sơ của người bản địa và quan sát đời sống, sinh hoạt của họ”, anh kể.

Để có hành trình suôn sẻ, anh Hiếu chuẩn bị trước 2-3 tháng, từ đặt vé máy bay, xin visa đến rèn luyện thể lực bằng cách chạy bộ, leo dốc. Kinh nghiệm leo cung Langtang (Nepal) và 6-7 ngọn núi ở Việt Nam trước đó giúp anh phần nào tự tin hơn.

Sau khi tham khảo những người từng leo và tìm kiếm thông tin trên diễn đàn nước ngoài, anh Hiếu quyết định đi tự túc thay vì mua tour.

 Ở lần thứ 2 trekking ở Nepal, anh Hiếu đi tự túc để thử thách bản thân.

Ở lần thứ 2 trekking ở Nepal, anh Hiếu đi tự túc để thử thách bản thân.

Điều đầu tiên anh Hiếu làm khi đặt chân tới Nepal là xin 2 loại giấy phép leo núi với giá 45 USD. Tiếp đó, anh ngồi xe buýt tới điểm xuất phát tại một ngôi làng để thuê xe jeep chở vào chân núi. Quãng đường chỉ khoảng 40 km, nhưng mất đến 4-5 giờ vì quá gập ghềnh.

Càng leo, anh Hiếu cảm nhận thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Đến hôm thứ 5, anh bị kẹt lại vì bên trên có gió lớn, bão tuyết, phía dưới mưa nhiều, sạt lở.

Trong khi nhiều du khách chọn cách thuê trực thăng quay về, anh cố gắng trụ lại, chờ thời tiết ổn hơn để tiếp tục hành trình.

Từ ngày thứ 10, trời chuyển quang, nhiều nắng, tuyết chưa tan hết, nhưng bớt nguy hiểm hơn. Anh Hiếu cùng bạn đồng hành lên đường chinh phục đèo cao nhất thế giới Thorung La (5.416 m) và hướng về đích.

Anh Hiếu cho hay núi ở đây khá bằng, ít dốc, thậm chí dễ leo hơn đỉnh Lảo Thẩn của Việt Nam. Tuy nhiên, một phần do phải tự mang vác đồ, phần nữa là càng lên cao cơ thể càng dễ mệt vì thiếu oxy, anh nhanh đuối sức gấp 3-4 lần. Từ độ cao 5.000 m trở lên, chỉ 1-2 bước chân cũng đủ thở dốc.

Vượt qua tất cả khó khăn, từ lận đận xin visa, bị giữ flycam ở sân bay, không biết tiếng Anh, chuẩn bị thiếu áo ấm đến chôn chân 5 ngày trên núi tuyết, anh Hiếu hoàn thành mục tiêu trong chuyến đi dài và nhiều cảm xúc nhất.

Tổng chi phí khoảng 26 triệu đồng. Trong đó, một nửa là vé máy bay, còn lại là ăn uống, đi lại.

“Trung bình một ngày trên cung trekking, tôi tiêu khoảng 400.000 đồng, gồm 3 bữa ăn và chỗ ở. Tiền phòng chỉ 80.000-90.000 đồng, thậm chí ở 2 người còn 50.000 đồng”, anh nói.

 Sau 2 chuyến trekking ở Nepal, anh Hiếu đặt mục tiêu tiếp tục khám phá các cung khác tại đất nước này và Pakistan.

Sau 2 chuyến trekking ở Nepal, anh Hiếu đặt mục tiêu tiếp tục khám phá các cung khác tại đất nước này và Pakistan.

Theo kinh nghiệm của anh Hiếu, khi đến một đất nước xa lạ để trekking, điều quan trọng nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, thời gian, tiền bạc.

Anh khuyên khi lên lịch trình, mọi người nên xếp dư ra 1-2 ngày để đề phòng trường hợp bất trắc như thời tiết xấu hay sự cố. Ví dụ, cung leo mất 14 ngày thì nên tính 16 ngày trên núi.

Anh Hiếu cho biết đi tour và tự túc có sự chênh lệch khá nhiều. Cụ thể, một tour ngắn ngày, tính cả vé máy bay giá khoảng 30 triệu đồng. Với cung AC, chi phí dao động 1.200-1.500 USD/tour, chưa kể vé máy bay và tiêu lặt vặt. Bởi vậy, tổng chi phí có thể lên tới 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu chọn đi theo tour, phía cung cấp dịch vụ sẽ lo từ A-Z. Ngược lại, người đi tự túc phải lo toàn bộ. Trong đó, tìm bến xe là khoản khó nhất nên anh Hiếu khuyến cáo mọi người chịu khó tìm hiểu kỹ thông tin từ nhà để tránh lãng phí thời gian.

Về phía chị Vũ Vân, chị chia sẻ khi đi trekking ở nước ngoài, điều quan trọng hàng đầu là chuẩn bị thể lực, sức bền, tài chính và lường tới rủi ro để trang bị an toàn.

“Trước khi lên đường, mọi người nên thu thập thông tin càng nhiều càng tốt. Vấn đề về bảo hiểm cũng rất quan trọng. Ví như khi tôi bị sốc độ cao ở Nepal, nếu phải gọi trực thăng đưa xuống núi, chi phí có thể tới 1.000 USD theo mức giá hiện tại”, chị nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-tu-ton-kem-cho-so-thich-trekking-o-nuoc-ngoai-post1371067.html