Đầu xuân lễ Tứ trấn, nét riêng đất Thăng Long

Quần thể di tích Thăng Long Tứ trấn với những nét đẹp lịch sử, văn hóa được lưu giữ trọn vẹn hàng trăm năm nay vẫn luôn là điểm hẹn quen thuộc của nhiều gia đình. Đi lễ Tứ trấn không chỉ là hoạt động gìn giữ nét đẹp văn hóa Tết Nguyên đán, mà còn là dịp hiếm hoi để tận hưởng Hà Nội trầm lắng, uy nghiêm và cổ kính.

Đầu năm mới, người tứ xứ sinh sống ở Hà Nội đều trở về quê nhà, Thủ đô được trả lại vẻ tĩnh lặng, cổ kính, dịu dàng trong cái rét ngọt đặc trưng. Những ngày Tết như thế, việc du xuân cùng với gia đình không chỉ là nét đẹp truyền thống mà còn là dịp hiếm hoi để người dân đắm mình trong một thành phố thoáng đãng, yên bình.

Bởi vậy, quần thể di tích Thăng Long Tứ Trấn với những nét đẹp lịch sử, văn hóa của mảnh đất kinh kỳ được lưu giữ trọn vẹn hàng trăm năm nay vẫn luôn là một điểm hẹn quen thuộc của nhiều gia đình. Việc đi lễ Tứ trấn không chỉ là hoạt động gìn giữ nét đẹp văn hóa Tết Nguyên Đán, mà còn là dịp hiếm hoi để tận hưởng Hà Nội trầm lắng, bình yên, uy nghiêm và cổ kính.

Trò chuyện với PV Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) có một cách lý giải thú vị khác cho sức hút của Thăng Long Tứ trấn. Theo ông, mô hình “tứ trấn” trấn giữ 4 phương Đông - Tây - Nam - Bắc của Thủ Đô rất phù hợp với phong tục chọn hướng xuất hành của người dân Việt Nam.

“Thường thì người ta đi một vòng, đủ 4 đền, 4 hướng Đông Tây Nam Bắc. Nhiều khi, người ta phụ thuộc vào năm, xem năm nay xuất hành hướng nào. Thế nhưng, chưa bao giờ thứ tự đi Tứ trấn là cố định, thường thì ai ở gần đâu sẽ đi ở đấy trước. Đây là lý do người ta “dễ” chọn đi lễ Tứ trấn ngày Tết, ai muốn đi đâu trước thì đi, thường sẽ gói gọn trong một ngày, thậm chí chỉ một buổi. Tôi nghĩ Tứ trấn vừa thiêng liêng, vừa đặc biệt, nhưng lại là một quần thể, không nằm sát nhau mà lại nằm ở 4 hướng khác nhau, có vẻ như thế là hợp lý nhất”, ông Chức chia sẻ.

TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Ngạo Thuyên.

TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Ngạo Thuyên.

Trong văn hóa của người Việt Nam, những ngày đầu năm là vô cùng quan trọng. Người ta đi lễ chùa, đi đền để cầu nguyện tất cả những gì tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình trong suốt một năm tiếp theo. Với bản chất của các hoạt động tâm linh, qua thời gian, nét đẹp văn hóa này cũng không tránh khỏi nhiều sai lệch.

Trò chuyện kỹ hơn về vấn đề này, TS.Nguyễn Viết Chức cho biết: “Nếu thật sự tu tâm, dưỡng tâm theo đạo Phật thì rất tốt, nhưng đến nơi chỉ để gài tiền vào khe tay những bức tượng, xin đủ thứ, cầu cúng đủ thứ trong khi quanh năm làm điều xấu thì không hay”.

“Điều này xuất phát từ nhiều vấn đề lắm: trình độ nhận thức, lòng mong muốn sai chuẩn… Phật không dạy người ta xin xỏ, chỉ dạy sống sao cho thiện tâm, từ bi hỉ sả, bỏ lòng tham sân si, mà đây chỉ xin cho mình giàu. Lúc còn sống, Hòa thượng Thích Thanh Tứ có nói: “Phật giáo không đốt hương và vàng mã”, nhưng nhiều người lại gộp hết cả vào, trong đình, trong chùa cũng đốt.”, vị Tiến sĩ tâm sự.

Có thể thấy, lễ Tứ trấn là một phần quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam, gắn liền với lịch sử và phong tục truyền thống.

Đền Quán Thánh – một trong Thăng Long Tứ trấn – nằm ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Ảnh: Ngạo Thuyên.

Đền Quán Thánh – một trong Thăng Long Tứ trấn – nằm ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Ảnh: Ngạo Thuyên.

Để duy trì và tôn vinh nét đẹp của lễ Tứ trấn, TS. Nguyễn Viết Chức đúc kết lại: “Chúng ta tôn trọng luật pháp về tự do tín ngưỡng, nhưng cũng phải hướng dẫn cho người dân hiểu được giá trị văn hóa, lịch sử của di tích. Đồng thời, phải phối hợp với các địa phương có những di sản đó, kết hợp cùng các cơ quan, tổ chức bảo quản, quản lý để giữ gìn kiến trúc, cũng như bản sắc riêng của từng di tích.

Ngoài ra, cũng phải nói rằng, mỗi một người dân khi tự hào về Thăng Long - Hà Nội thì phải tự mình góp phần giữ gìn những di sản lịch sử này. Đặc biệt là các bạn trẻ, phải trân trọng những giá trị của lịch sử, quá khứ thì mới làm cho tâm hồn mình trong sáng hơn, tu tâm, tích đức, xây dựng một nếp sống thanh lịch, văn minh”.

“Quan trọng là tâm hồn của mình, suy nghĩ của mình, mong ước của mình hợp với đạo lý làm người, xây dựng thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến trở thành một thành phố sáng tạo, thành phố được cả thế giới yêu mến”, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Ngọc Bảo – Ngạo Thuyên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dau-xuan-le-tu-tran-net-rieng-dat-thang-long-a645432.html