'Day dứt khôn nguôi vì chưa tìm được mộ phần nhiều anh hùng liệt sĩ'
Nhân Ngày Thương Binh - Liệt sĩ 27-7, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã có những chia sẻ khi nghĩ về những anh hùng liệt sĩ đến nay chưa tìm được mộ phần
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã gặp ông Nguyễn Xuân Thắng, kiến trúc sư (phường Bình Thạnh, TP.HCM) và ông Lâm Hồng Tiên, kỹ sư xây dựng cầu đường (phường Láng, Hà Nội). Đây là 2 công dân có rất nhiều đóng góp lặng lẽ, âm thầm, hiệu quả, thiết thực trong hành trình "Đi tìm liệt sĩ".
Phó Thủ tướng cho rằng: "Đây là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam".
Như một tâm nguyện tự nhiên
Qua báo cáo, các thước phim tư liệu, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã biết tới anh Thắng, anh Tiên và đã gặp hai anh vào trung tuần tháng 7-2025.
Tháng 7 này cũng là khoảng thời gian cả nước kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với tất cả lòng thành kính, sự biết ơn, tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng, gia đình chính sách…
Tại cuộc gặp, anh Thắng và anh Tiên đã chia sẻ với Phó Thủ tướng rằng động lực thôi thúc họ đến với hành trình đi tìm liệt sĩ không đến từ mệnh lệnh hay danh lợi, mà như một lẽ tự nhiên, một tâm nguyện từ sâu thẳm.
Họ đã kể với Phó Thủ tướng về những việc đã làm, những điều còn dang dở, nhất là nỗ lực xác minh, xác định danh tính và thông tin của các liệt sĩ. Gần 10 năm rong ruổi trên hành trình ấy, họ mang theo cả những câu chuyện xúc động, những khoảnh khắc lặng người khi lần theo dấu tích xưa, nơi một người lính đã nằm xuống mà vẫn chưa được gọi đúng tên.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình (áo trắng, trái) trao đổi với anh Thắng, anh Tiên và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long (phải) về quá trình tham gia "Đi tìm liệt sĩ" của hai anh. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Sau khi lắng nghe 2 anh chia sẻ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhận định những nghiên cứu, báo cáo tổng hợp, thông tin liệt sĩ mà các anh có được rất ý nghĩa và rất quý đối với các cơ quan chức năng của Trung ương cũng như địa phương trong công tác xác định thông tin, tìm kiếm và quy tập để phụng thờ, hương khói, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
"Tôi rất ngưỡng mộ và ấn tượng, bằng sự miệt mài, cố gắng, lao động không ngừng nghỉ và với tất cả lòng thành tâm, thành kính đối với các anh hùng liệt sĩ, các anh đã phát hiện, tìm tòi được rất nhiều thông tin, tư liệu quý, trong đó đã tiếp cận được kho lưu trữ với khoảng 2,6 triệu trang ảnh chụp giấy tờ của bộ đội Việt Nam bị quân đội Mỹ chiếm giữ trong chiến tranh tại Đại học công nghệ Texas (Mỹ). Từ đó, các anh đã phân tích, nghiên cứu bằng các phương pháp khoa học, logic để tìm ra các thông tin liên quan đến liệt sĩ..." - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Động lực lớn lao, thôi thúc mạnh mẽ
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cũng có mặt tại cuộc gặp. Phó Thủ tướng thường trực đã giao Bộ Nội vụ khẩn trương cử đại diện đơn vị chức năng của Bộ làm đầu mối kết nối chặt chẽ, liên tục với anh Thắng và anh Tiên để tiếp nhận các tư liệu, thông tin liệt sĩ mà các anh đã có được.
Đồng thời, đơn vị cần tiến hành xác minh các danh tính, công nhận liệt sĩ từ các thông tin được các anh cung cấp. Trong trường hợp cần thiết, Phó Thủ tướng nói có thể cử các đoàn đi nước ngoài để tìm kiếm các thông tin liệt sĩ theo các tư liệu, báo cáo từ hai anh, thực hiện việc trao trả các di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho gia đình khi đã xác minh, xác định rõ thông tin…

Sự cởi mở, ân cần của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình là động lực thôi thúc hai anh Thắng và Tiên tiếp tục hành trình đi tìm liệt sĩ. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Phó Thủ tướng Thường trực cũng giao Bộ Nội vụ rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác này.
Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng, mà còn nhằm lan tỏa tinh thần tri ân, kết nối, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, người dân và toàn xã hội trong hành trình tìm kiếm thông tin, phần mộ và quy tập liệt sĩ.
“Nghĩ về chiến tranh, nghĩ về những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương ngã xuống cho mảnh đất quê hương yêu dấu, nhất là các anh hùng liệt sĩ còn chưa tìm thấy được mộ phần để lại trong lòng mỗi chúng ta niềm day dứt khôn nguôi, cảm xúc bùi ngùi, trĩu nặng và lòng ta như quặn lại…" - Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ.
Anh Thắng, anh Tiên khi được Phó Thủ tướng Thường trực ân cần, cởi mở đón tiếp đã rất xúc động. Các anh đều cho rằng tuy kết quả công việc của các anh còn nhỏ bé so với nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân… nhưng sự quan tâm, tình cảm của Phó Thủ tướng Thường trực dành cho các anh sẽ là động lực lớn lao, sự hối thúc mạnh mẽ để các anh các anh tiếp tục vững tâm tiến bước trên hành trình "Đi tìm liệt sĩ".
Mong mỏi lớn nhất của các anh là ngày càng có nhiều thông tin, mộ phần liệt sĩ được phát hiện và được đưa về với gia đình, với quê hương, với Tổ quốc mến yêu này.
Góp phần tìm thấy hàng trăm liệt sĩ
Từ nguồn thông tin do anh Thắng, anh Tiên, các cựu chiến binh và tình nguyện viên cung cấp, nhiều hố chôn tập thể liệt sĩ đã được phát hiện trong những năm qua. Cụ thể:
Năm 2017, phát hiện một mộ tập thể chôn cất khoảng 150 liệt sĩ hy sinh ngày 31-1-1968 trong trận tấn công sân bay Biên Hòa (Tết Mậu Thân).
Năm 2021, tìm thấy mộ tập thể với 213 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 (theo số liệu báo cáo của phía Mỹ), hy sinh ngày 26-4-1969 trong trận tập kích Căn cứ Mỹ Frontier City, Long Khánh, Bến Cầu, Tây Ninh.
Năm 2022, phát hiện một trong hai mộ tập thể chôn khoảng 50 liệt sĩ của Trung đoàn 22, Sư đoàn 3, hy sinh ngày 26-12-1966 trong trận tập kích LZ Bird tại Xuân Sơn, Hoài Ân, Bình Định.
Năm 2024, tìm thấy hố chôn với khoảng 20 bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn, là liệt sĩ thuộc Sư đoàn 7, hy sinh ngày 28-5-1969 trong trận tấn công vào FSB Balmoral, tại Bàu Tràm, xã Bình Mỹ, Tân Uyên, Bình Dương.
Giai đoạn 2024-2025, các anh cũng đã hỗ trợ Đội K72 Bình Phước tìm thấy hơn 140 liệt sỹ ở sân bay Lộc Ninh hy sinh cuối tháng 10 và đầu tháng 11-1967 khi tấn công chi khu Lộc Ninh và Trại biệt kích Lộc Ninh. Hiện việc hỗ trợ thông tin tìm kiếm ở đây vẫn đang được các anh tiếp tục triển khai.
Không chỉ góp phần tìm kiếm các mộ liệt sĩ, hai anh Thắng và Tiên còn hỗ trợ cơ quan chức năng và thân nhân liệt sĩ làm rõ phiên hiệu đơn vị, thông qua việc đối chiếu giấy tờ của bộ đội Việt Nam được lưu giữ ở Mỹ và các báo cáo quân sự của phía Mỹ. Nhờ đó, phạm vi xác định đơn vị chiến đấu và danh tính liệt sĩ tại từng trận đánh được thu hẹp đáng kể.
Hai anh cũng đã gửi hàng trăm thông tin, hình ảnh giấy tờ liên quan đến liệt sĩ cho thân nhân, giúp nhiều gia đình xác định được khu vực, thời gian chiến đấu và hy sinh của người thân, thắp lên hy vọng đoàn tụ sau bao năm xa cách.