Dạy học trực tuyến ở Trường Chính trị tỉnh

ĐBP - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trường Chính trị tỉnh đã chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến để bảo đảm an toàn, đồng thời hoàn thành chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã đề ra.

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh lên lớp để thực hiện dạy học trực tuyến.

Thời gian gần đây, anh Nguyễn Anh Tuấn học viên lớp trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh - Khóa 20 của Trường Chính trị tỉnh đã quen với việc học trực tuyến. Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Do dịch diễn biến phức tạp nên lớp trung cấp Lý luận chính trị tôi đang theo học bị gián đoạn. Để đảm bảo duy trì dạy và học, Trường Chính trị tỉnh đã chuyển từ hình thức dạy và học trực tiếp sang trực tuyến. Tôi thấy đây là giải pháp hữu hiệu, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, mà chương trình học không bị kéo dài so với dự kiến ban đầu. Việc học trực tuyến không có nhiều thay đổi vì thời gian học giống như học trực tiếp, sự tương tác giữa giảng viên và học viên vẫn được bảo đảm. Hơn nữa, với hình thức này, học viên không phải đến trường, vừa đỡ tốn chi phí và hạn chế đi lại theo khuyến cáo phòng, chống dịch.

Được biết, để đáp ứng cho quá trình dạy và học mới, Trường Chính trị tỉnh đã trang bị hệ thống đường truyền cáp quang kết nối internet, thiết bị phát wifi tốc độ cao, cung cấp 3 máy tính xách tay cho 3 khoa, bố trí lại các phòng dạy học cho phù hợp. Nhà trường đã lựa chọn ứng dụng dạy học trực tuyến SMART UNI do nhà mạng Viettel cung cấp và ứng dụng học trực tuyến Zoom của nhà mạng VNPT để đưa vào sử dụng; tổ chức 2 đợt tập huấn cho 36 giảng viên về việc sử dụng 2 ứng dụng dạy học trực tuyến trong giảng dạy; đồng thời thiết lập tài khoản học trực tuyến cho học viên từng lớp. Giáo viên chủ nhiệm và cán bộ kỹ thuật cũng tổ chức hướng dẫn học viên sử dụng ứng dụng trên để tham gia học tập hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Sau khi có công văn chỉ đạo của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc cho phép các trường tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo bằng hình thức trực tuyến, bắt đầu từ giữa tháng 7/2021, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang dạy trực tuyến. Hình thức đào tạo bồi dưỡng trực tuyến được nhà trường triển khai một cách linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học, giảm số giờ trên lớp học truyền thống, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi của người học. Nhờ chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến nên dù trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song Trường Chính trị tỉnh vẫn bảo đảm tiến độ đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đề ra.

Sau gần 5 tháng triển khai dạy và học trực tuyến, đến nay, Trường Chính trị tỉnh đã và đang tổ chức 22 lớp học với tổng số hơn 1.000 học viên. Theo đánh giá chung, dù dạy học online nhưng nhà trường vẫn kiểm soát được số lượng học viên truy cập và giám sát được từng học viên, từng lớp học. Đối với học viên, có thể truy cập vào các lớp học trực tuyến tại bất kỳ nơi đâu, ở nhà, nơi làm việc hay các địa điểm có kết nối mạng internet và vào đúng thời gian, đảm bảo tuân thủ quy định của lớp học theo lịch của nhà trường.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Dương Thùy, giảng viên Khoa Nhà nước pháp luật, Trường Chính trị tỉnh cho biết: Để đảm bảo trật tự của lớp học trực tuyến, các giảng viên phải đến trường, lên lớp để thực hiện việc giảng dạy trực tuyến; đồng thời phải đăng nhập vào tài khoản do nhà trường cung cấp trước giờ giảng 30 phút để bảo đảm kết nối sẵn sàng, thời gian vào học, nghỉ giải lao, kết thúc buổi học giống như dạy học trực tiếp. Học viên phải sử dụng tài khoản đăng ký với nhà trường để truy cập vào lớp học, các thiết bị dùng để học trực tuyến (như máy tính cá nhân, máy tính bảng hoặc smartphone) ngoài việc phải được kết nối internet, thì phải bảo đảm loa, micro và camera hoạt động tốt để nghe giảng viên giảng bài, tương tác trực tiếp giữa giảng viên và học viên. Học viên không đăng nhập vào lớp học trong thời gian quy định được coi là vắng học. Ngoài ra, trong buổi học Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, phòng đào tạo nghiên cứu khoa học có thể truy cập lớp học để quản lý việc dạy và học của lớp.

Để thích ứng trong điều kiện dạy học mới, thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp, đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện, phương tiện phục vụ tốt nhất cho công tác giảng, dạy trực tuyến, tích hợp thêm các công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến như viết bảng, chia sẻ học liệu... để giảng viên có thể áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực, tăng sự tương tác giữa giảng viên và học viên; đồng thời áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, thay vì từ độc thoại, thuyết trình sang gợi ý vấn đề, xây dựng tình huống, đối thoại trao đổi thường xuyên giữa giảng viên và học viên, giữa học viên và học viên. Việc thi, kiểm tra kết thúc phần học sẽ chuyển sang hình thức viết thu hoạch. Các bài thu hoạch của học viên sẽ được giới hạn thời gian nộp. Những lớp ở các huyện, thị có thể nộp qua đường bưu điện. Thi tốt nghiệp sẽ chuyển sang hình thức viết khóa luận tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường sẽ tổ chức bế giảng trực tuyến nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp. Với việc triển khai linh hoạt các hình thức đào tạo bồi dưỡng trực tuyến, Trường Chính trị tỉnh quyết tâm từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã đề ra, bảo đảm chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu đào tạo cán bộ của tỉnh.

Bài, ảnh: Lò Thị Ngân (Trường Chính trị tỉnh)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/192519/day-hoc-truc-tuyen-o-truong-chinh-tri-tinh