Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ở cơ sở

Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, những năm qua, Sở KH&CN đã đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực này ở cơ sở, từ đó nhân rộng ra thành phong trào đẩy ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất trên nhiều lĩnh vực của các địa phương trong tỉnh.

 Mô hình sản xuất lạc hữu cơ tại huyện Cam Lộ

Mô hình sản xuất lạc hữu cơ tại huyện Cam Lộ

Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách thúc đẩy hoạt động KH&CN ở cơ sở làm căn cứ để các địa phương cũng như ngành KH&CN tỉnh đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặc dù nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN cơ sở không nhiều, năm 2019 được 440 triệu đồng, nhưng các mô hình, đề tài KH&CN cấp huyện đã được triển khai tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn của hộ gia đình anh Trần Văn Tuân ở thôn Huỳnh Hạ, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh là cơ sở thực tiễn cho đề tài khoa học “Ứng dụng KH&CN trong nuôi tôm 2 giai đoạn” của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh. Với diện tích hơn 1 ha, anh Tuân bố trí nhiều ao nuôi, tôm giống bắt đầu đưa vào nuôi giai đoạn 1 được ươm trong bể 25 ngày áp dụng các biện pháp KHKT trong quản lí môi trường nuôi và dịch bệnh, sau đó mới đưa vào nuôi trong ao lớn. Trong quá trình nuôi, anh Tuân hoàn toàn sử dụng các biện pháp hữu cơ, đặc biệt là sử dụng cá rô phi để phòng chống dịch bệnh cho tôm. Nhờ đó, môi trường nuôi tôm ở các ao nuôi của anh Tuân phát triển tốt, hạn chế được khoảng 90% nguồn lây lan dịch bệnh từ nước so với các ao nuôi không sử dụng biện pháp sinh học và nuôi 1 giai đoạn. Năng suất bình quân sau 3,5 tháng nuôi đạt hơn 11 tấn/ha, sau 5 tháng nuôi đạt 17 tấn/ha. Anh Tuân cho biết: “Ứng dụng các biện pháp sinh học vào thực hiện nuôi tôm 2 giai đoạn giúp hạn chế cơ bản dịch bệnh và tiết kiệm nhiều chi phí nuôi tôm. Nhờ đó, hiệu quả nuôi tôm cao hơn nhiều so với các mô hình nuôi 1 giai đoạn”.

Việc triển khai ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Vĩnh Linh còn phải kể đến các mô hình nuôi ốc hương ở Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, nuôi gà đồi ở xã Vĩnh Chấp, trồng nấm ở thị trấn Hồ Xá và các xã ven biển, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Vĩnh Trung... đã tạo ra những đặc sản hàng hóa chất lượng tốt có tính cạnh tranh cao, có khả năng nhân rộng, mang lại thu nhập tốt cho người dân.

Năm 2019, Sở KH&CN phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp huyện bao gồm 8 nhiệm vụ. Sở đã tổ chức khảo sát thực tế các mô hình để đánh giá hiệu quả, từ đó có định hướng hoạt động KHCN những năm tiếp theo. Kết quả khảo sát các mô hình và vùng sản xuất có hiệu quả như: Mô hình nhà kính ứng dụng công nghệ cao trồng rau an toàn tại xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong; vùng trồng đậu xanh Triệu Nguyên, vùng trồng chuối Ba lùn tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông; mô hình trồng ổi Đài Loan theo quy trình ViêtGap, vùng trồng bơ của huyện Hướng Hóa... được Sở KH&CN làm căn cứ hồ sơ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận đối với những sản phẩm đủ điều kiện.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN, các phòng kinh tế, phòng kinh tế hạ tầng cấp huyện đã tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KH&CN như tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về hệ thống QLCL-TCVN ISO 9901: 2015 và triển khai Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN giai đoạn 2017-2025; tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, thành lập và tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về điều kiện kinh doanh, về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm.... theo quy định của pháp luật, đã từng bước nâng cao nhận thức pháp luật của các cơ sở kinh doanh, phát hiện, ngăn chặn và xử lí các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trên cơ sở tham mưu của Sở KH&CN, UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ các dự án ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh thực hiện trong năm 2018, với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 458 triệu đồng. Năm 2019, Sở KH&CN tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31 của HĐND tỉnh. Trưởng Phòng quản lí KH&CN cơ sở, Sở KH&CN Tạ Sáu cho biết: “Các địa phương đã triển khai tốt các dự án thuộc chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn huyện, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó nhân rộng được các mô hình, góp phần đẩy mạnh phong trào ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển”.

Các địa phương thực hiện tốt các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất bằng vốn hỗ trợ từ ngân sách như: Huyện Vĩnh Linh với các mô hình nuôi tôm, nuôi cá lóc, ốc hương, gà đồi, hướng dẫn xây dựng hồ sơ nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bột sắn dây Vĩnh Linh, nước mắm Cửa Tùng, bưởi da xanh và thanh long ruột đỏ Vĩnh Thủy; huyện Gio Linh có các mô hình nuôi xen ghép tôm- cua- cá dìa, cá nâu, nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ enzyme, nuôi chim yến, trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, trồng ổi Đài Loan cho thu nhập khá; thành phố Đông Hà đầu tư mô hình xây dựng hệ thống 15 giếng bơm, 15 bể lọc phèn để tưới cho vùng rau an toàn phường Đông Thanh; xây dựng 2 nhà màng trồng hoa tại phường Đông Giang và hỗ trợ giống lúa mới chất lượng cao cho các HTX sản xuất nông nghiệp; huyện Cam Lộ đầu tư 200 triệu đồng để triển khai dự án: “Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị trong sản xuất cao dược liệu”; xây dựng trung tâm giới thiệu nông sản Cam Lộ; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản địa phương như: mướp Cam Tuyền; ổi Cam Hiếu, lạc Cam Thành, mật ong Cam Thủy…; huyện Đakrông đầu tư trồng thử nghiệm cây sâm bố chính, cây keo lai tại xã Triệu Nguyên; xây dựng mô hình trồng cây dứa Queen tại xã Hải Phúc; huyện Hướng Hóa triển khai dự án: “Xây dựng vùng trồng và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu ba kích tại xã Tân hợp”; dự án “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây xoài ghép Đài Loan (ĐL4), cây sầu riêng Monthong (Thái Lan) và cây chôm chôm tại xã Hướng Phùng”; phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 3 cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ mới vào sản xuất; huyện Triệu Phong hỗ trợ kinh phí đầu tư trang trại hữu cơ đạt tiêu chuẩn tại xã Triệu Thành; mô hình chế biến cao dược liệu các loại tại xã Triệu Ái; hướng dẫn làm hồ sơ đăng kí nhãn hiệu tập thể dưa lê Triệu Độ, nem chả Triệu Thành, xây dựng thương hiệu gà sạch Triệu Thượng, tinh dầu Phúc An Phát, Triệu Trung, nước mắm ruốc đặc, cá khô Thúy Nga, Triệu An; thị xã Quảng Trị hỗ trợ 300 triệu đồng cho các hộ trong tổ nuôi hươu lấy nhung tại xã Hải Lệ; mô hình trồng ném 1,3 ha tại HTX Như Lệ, triển khai mô hình sen- cá, đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn thâm canh kết hợp hầm ủ khí sinh học biogar, đồng thời tổ chức 5 lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ KH&CN cho 250 người dân tham gia; huyện Hải Lăng xây dựng danh mục đăng kí nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bánh tét mặt trăng Đại An Khê; phát triển thương hiệu gạo Hải Lăng, bánh ướt Phương Lang...

Hoạt động KH&CN cấp huyện đã đạt được các kết quả quan trọng, các mô hình sản xuất có sự hỗ trợ của nguồn vốn sự nghiệp phát triển KH&CN triển khai mang lại hiệu quả khả quan đã tạo ra được phong trào ứng dụng KHKT vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống và du nhập cây, con mới, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế của các địa phương phát triển.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143470