Đẩy mạnh liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới

Tăng cường tính liên kết ngành, liên kết nội vùng và liên vùng, thúc đẩy tham gia vào các mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra những không gian phát triển mới... là giải pháp được Đảng ta đề ra tại Đại hội lần thứ XIII, góp phần đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Nhận thức từ sớm về chủ trương liên kết vùng

Nước ta hiện được phân thành 6 vùng kinh tế-xã hội (KT-XH), 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ). Thực tiễn phát triển đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết mà một địa phương không thể tự giải quyết được, đó là: Phát triển hạ tầng, quản lý ô nhiễm và đầu tư ở các vùng KTTĐ; vùng KT-XH; phát triển vùng phía tây miền Trung; phát triển các vùng ven biển hải đảo, bãi ngang; tình trạng xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL; khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây Nguyên; quản lý rừng và sinh thái vùng miền núi phía Bắc... Thực tế đó đòi hỏi các địa phương, các vùng phải đẩy mạnh liên kết, tận dụng cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế vùng, nội vùng, đồng thời cùng giải quyết những vấn đề chung liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Nhìn rõ vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển liên kết nội vùng, liên vùng, ngay từ Đại hội VIII, Đảng ta đã nêu ra chủ trương về kinh tế vùng và liên kết vùng. Tại Đại hội XII, Đảng ta xác định: Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng... Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp. Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về chính sách phát triển vùng, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan, từ phê duyệt quy hoạch phát triển KT-XH của vùng, từ quy chế phối hợp, tổ điều phối vùng.... Những năm qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự liên kết giữa các vùng được đẩy mạnh, tạo động lực trong phát triển kinh tế. Nhờ vậy, diện mạo mỗi vùng từng bước đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đối với các vùng KTTĐ đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2019, cả 4 vùng KTTĐ đóng góp 72,95% vào tốc độ tăng bình quân GDP của toàn bộ nền kinh tế. Các vùng KTTĐ là các cực tăng trưởng quan trọng, đã thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả nước, cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng KTTĐ sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%.

Sầu riêng - một trong những mặt hàng chủ lực ở Đông Nam Bộ sẽ xuất khẩu sang thị trường EU thời gian tới. Ảnh: TRUNG KIÊN

Sầu riêng - một trong những mặt hàng chủ lực ở Đông Nam Bộ sẽ xuất khẩu sang thị trường EU thời gian tới. Ảnh: TRUNG KIÊN

Để phát huy những kết quả đạt được trong liên kết vùng thời gian qua, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta tiếp tục xác định: Phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tăng cường tính liên kết ngành, liên kết nội vùng và liên vùng, thúc đẩy tham gia vào các mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra những không gian phát triển mới.

Giải quyết những bất cập - tạo đà phát triển

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, lãnh đạo nhiều địa phương, bộ, ngành cho rằng, vấn đề liên kết vùng, nội vùng vẫn tồn tại nhiều “nút thắt”, đó là: Việc xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên tỉnh và liên vùng trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng còn nhiều lúng túng; tính liên kết giữa các địa phương, các vùng còn lỏng lẻo, mang tính tự phát. Một số địa phương “cạnh tranh” không lành mạnh khi đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư...

Soi chiếu vấn đề liên kết vùng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết: Trong quá trình phát triển, các tỉnh khu vực BĐSCL đang tồn tại nhiều “nút thắt” cản trở sự đi lên của vùng, như: Thiếu một tầm nhìn chiến lược chung cho cả khu vực; tài nguyên đất, nước và môi trường khai thác sử dụng chưa hiệu quả; số lượng và chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu; sự thay đổi về mặt nhân khẩu học, di dân ra khỏi vùng với số lượng lớn; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, không tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng và yêu cầu phát triển; nguồn lực đầu tư rất hạn chế, thiếu nền tảng thu hút đầu tư tư nhân; chậm đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất...

“Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng BĐSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại và kinh tế biển phát triển bền vững, trước hết cần phải quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ. Dù phân chia theo địa giới hành chính, song cần xem đây là một khu vực có cấu trúc tương đồng để hoạch định chính sách chung về đầu tư phát triển cho đồng bộ, nhắm đến lợi ích của toàn vùng. Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông không chỉ có ý nghĩa về mặt vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực mà còn làm tăng tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương”, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ thêm.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho rằng: Chính phủ cần tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ và các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với ràng buộc trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng quyền chủ động về quản lý tài chính, nguồn vốn, đầu tư, đất đai... đối với một số địa phương trọng điểm để tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng và nhân rộng mô hình có hiệu quả.

Đối với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, đề nghị: Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi; trong đó ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống và sản xuất của nhân dân.

Lãnh đạo nhiều địa phương thống nhất cho rằng: Trung ương cần thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực, các vùng... Tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm logistics lớn ở các vùng trong cả nước, đặc biệt là các mô hình trung tâm phân phối lớn nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm việc theo dõi và truy xuất thông tin hàng hóa nhanh chóng, chính xác đối với việc sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa... Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ mở ra những cơ hội lớn thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tháo gỡ bất cập trong phát triển kinh tế vùng, nội vùng, mở ra những không gian phát triển mới.

THÀNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/day-manh-lien-ket-vung-mo-ra-khong-gian-phat-trien-moi-653343