ĐBQH NGUYỄN VĂN CẢNH: CẦN CÓ QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG GIỮA NHỮNG NGƯỜI TIÊU DÙNG

Góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị cần quy định cụ thể việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại để sớm theo kịp sự văn minh trong hoạt động cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Phát biểu ý kiến về về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, Luật sửa đổi lần này cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh, nước ta đang phấn đấu trở thành một nước văn minh. Để đạt được điều đó thì cần rất nhiều yếu tố như nguồn lực văn hóa, con người, pháp luật. Theo đại biểu, hai luật có tác động trực tiếp nhất thúc đẩy để nước ta trở thành một nước văn minh đó là Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, hành vi đi lại và hoạt động kinh doanh, mua bán, ăn uống, vui chơi giải trí được thực hiện thường xuyên nhất. Tại các nước văn minh phương Tây, họ rất tôn trọng quyền cá nhân. Tại nước Nhật, họ xem việc không làm phiền toái đến người khác như một nét văn hóa đặc trưng.

Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, có một yếu tố làm cho hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị giảm chất lượng, đó là việc người tiêu dùng tranh giành, chen lấn khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ thông qua thực hiện hành vi, lời nói, cử chỉ ăn mặc, sử dụng thiết bị cá nhân, đem theo vật nuôi không phù hợp với quy định, không phù hợp với không gian, thời gian, thuần phong mỹ tục, không đảm bảo an toàn quyền lợi của người tiêu dùng khác mà có lẽ ai cũng gặp phải nhiều lần dù không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ, chức vụ, điều kiện kinh tế. Nhiều người tiêu dùng, họ nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế.

Tuy nhiên, theo đại biểu, mọi người cần được mua hàng hóa, sản phẩm, sử dụng dịch vụ trong không gian, thời gian phù hợp, được đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo quyền lợi khác.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Tại Khoản 6, Điều 6 quy định về nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng nêu quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Hiến pháp và quy định pháp luật hiện hành cũng quy định mọi công dân có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, dự thảo Luật này là để cụ thể hóa về một nhóm đối tượng nên cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác.

Trong thực tế, đại biểu cho hay, khi xảy ra tranh chấp giữa những người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh thường có tâm lý để cho khách hàng tự giải quyết vì họ sợ can thiệp vào mà khách hàng này bị thiệt thì họ sẽ bị mất khách hàng đó và còn bị phản ánh tiêu cực đặc biệt trên mạng xã hội, không can thiệp kịp thời cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, va chạm giữa các khách hàng nhiều khi có cả thương vong.

Để xây dựng xã hội văn minh hơn, đại biểu Cảnh đề nghị dự thảo Luật này cần bổ sung nội dung vào Khoản 1, Điều 4 quy định về quyền của người tiêu dùng theo hướng người tiêu dùng được đối xử công bằng với người tiêu dùng khác trong cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Để đảm bảo quyền đối xử công bằng giữa những người tiêu dùng có hiệu lực, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo quyền lợi của mình khi bị người tiêu dùng khác xâm hại trong phạm vi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh; tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền từ chối cung cấp hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại.

Đại biểu cho rằng, khi đã có quy định này trong từng ngành, lĩnh vực sẽ có văn bản dưới luật để cụ thể hơn, thế nào là đối xử công bằng về không gian, thời gian, chất lượng, số lượng, thứ tự ưu tiên giữa những người tiêu dùng cho từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Tại Khoản 2, Điều 5 quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng cũng cần bổ sung nội dung người tiêu dùng không được xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng khác. Đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm bảo đảm thứ tự ưu tiên trong cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Tại Điều 14, nhiều trường hợp do tổ chức, cá nhân kinh doanh không tổ chức tốt không gian cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dẫn đến người tiêu dùng không biết khi nào mới đến lượt mình nên mới xảy ra chen lấn. Có quy định này, văn hóa xếp hàng của Việt Nam sẽ sớm được như các nước văn minh trên thế giới./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76244