ĐBQH TRẦN ĐÌNH GIA: DỰ THẢO LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI) CẦN PHÂN CẤP NHIỀU HƠN CHO CƠ QUAN THANH TRA CẤP HUYỆN

Góp ý quy định về thanh tra huyện tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, trong đó thanh tra huyện như hiện hành, đồng thời chỉ quy định thành lập Thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

Theo chương trình, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án luật này. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trình xin ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 9/2022, dự thảo Luật đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 07 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 01 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, Mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề lớn của dự thảo Luật tiếp tục xin ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đó là quy định về thanh tra huyện; việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; Thanh tra sở; về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán…

Góp ý quy định về thanh tra huyện tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nhất trí việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, trong đó thanh tra huyện như hiện hành, đồng thời chuyển thanh tra một số sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập Phòng thanh tra chuyên ngành, quy định thành lập Thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

Riêng đối với Thanh tra sở, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Bởi hiện nay tất cả những vướng mắc, chồng chéo và gây phiền hà ở cơ sở chủ yếu là nội dung này. Đại biểu lấy ví dụ tại một trường học phải tiếp thanh tra các chuyên ngành của Sở Giáo dục, thanh tra của Sở Tài chính, thanh tra của Sở Nội vụ, như vậy là có những năm liên tục đón các Đoàn thanh tra. Vì vậy, đại biểu đề nghị chỉ những sở đặc biệt thì mới thành lập cơ quan thanh tra và tiến hành phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện. Chính vì vậy, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực cần sớm hướng dẫn để tổ chức bộ máy và điều kiện đảm bảo để Thanh tra huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Cho ý kiến về thẩm quyền của Chánh Thanh tra sở, Thanh tra Tổng cục và Thanh tra Cục trong việc ban hành quyết định thanh tra và kết luận thanh tra, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng đối với lực lượng này chỉ tham mưu cho Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và kết luận thanh tra.

Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị phân cấp nhiều hơn cho thanh tra cấp huyện.

Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị phân cấp nhiều hơn cho thanh tra cấp huyện.

Đối với quy định về tổ chức bộ máy, tại Điều 26 quy định: Chánh Thanh tra do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cho phù hợp, bởi theo Quy định số 65 ngày 28/4/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ tiến tới lộ trình Chánh Thanh tra tỉnh không phải là người địa phương, nếu giao việc bổ nhiệm chức danh này cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì thực hiện chủ trương này sẽ khó khăn.

Về thông báo việc công bố quyết định thanh tra, đại biểu Trần Đình Gia cho biết Điều 61 dự thảo luật quy định: Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra về công bố quyết định thanh tra bằng văn bản, thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự. Tuy nhiên, theo đại biểu nội dung này quy định đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành là chưa phù hợp, vì đặc thù của các cuộc thanh tra chuyên ngành là để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý. Nếu thông báo trước cho đối tượng thanh tra thì dễ xảy ra việc đối tượng tẩu tán, phi tang chứng cứ vi phạm.

Góp ý vào nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra tại điểm g khoản 1 Điều 77, Ban soạn thảo sử dụng cụm từ “người đang cộng tác với cơ quan thanh tra” là chưa phù hợp vì có những người liên quan đến hoạt động thanh tra nhưng chưa hoặc không phối hợp, cộng tác với các cơ quan thanh tra. Vì vậy, đề nghị dùng cụm từ "người đang có liên quan đến hoạt động thanh tra" sẽ chính xác hơn.

Đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị mở rộng cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra theo hướng sau khi kết thúc thanh tra, kết luận thanh tra được gửi đến các cơ quan điều tra để cơ quan điều tra chủ động rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm sẽ phối hợp với Đoàn thanh tra để xem xét xử lý theo quy định…/.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=68935