Để công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng

Ngày 17/2/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch đề ra mục tiêu đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, lấy công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng; phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Công nghiệp hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đây là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của đất nước. Ngành công nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng và phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu, góp phần đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

KCN Vân Trung - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Việt Hưng.

KCN Vân Trung - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Việt Hưng.

Phần lớn các nước thu nhập thấp và trung bình trên thế giới đều phải chú trọng vào công nghiệp vì đây là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Ở một số quốc gia phát triển, công nghiệp đã bứt phá nhanh chóng và đưa các quốc gia đó trở thành những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhận thức được vai trò quan trọng của công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã chọn phát triển công nghiệp là động lực cho sự phát triển trong nhiều thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để phát triển công nghiệp, trong 10 năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng phục vụ công nghiệp; thực hiện thu hút đầu tư hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Nhờ đó, ngành công nghiệp Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và tạo nền tảng phát triển KT-XH. Hệ thống cơ sở vật chất ngành công nghiệp không ngừng lớn mạnh về quy mô, phong phú về chủng loại, đa dạng về cơ cấu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp ngày càng cao trong GRDP của tỉnh; sản phẩm đã có mặt tại một số quốc gia trên thế giới; năng lực của doanh nghiệp (DN) không ngừng nâng lên. Trong một số lĩnh vực, trình độ đã dần tiệm cận với tiến bộ khoa học - công nghệ của thế giới, đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo báo cáo của ngành Công Thương Bắc Giang, 10 năm qua, công nghiệp có đóng góp lớn cho phát triển KT-XH của tỉnh, thể hiện qua: Tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước; trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, lĩnh vực chế biến, chế tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

 Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam, Cụm công nghiệp Đồng Đình (Tân Yên). Ảnh: Việt Hưng.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam, Cụm công nghiệp Đồng Đình (Tân Yên). Ảnh: Việt Hưng.

Giá trị sản xuất có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, năm 2020 đạt 218.879 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), chiếm 98% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tỷ trọng các DN có trình độ công nghệ cao và công nghệ trung bình ngày càng tăng. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 19.022 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng 2.062 cơ sở so với năm 2010. Bắc Giang đã thu hút được một số tập đoàn công nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống nhân dân.

Tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 19,3%/năm, đặc biệt, giai đoạn 2016-2020 đạt 23,8%/năm, quy mô GRDP ngành công nghiệp năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt gần 45 nghìn tỷ đồng, đóng góp xấp xỉ 37% vào GRDP của tỉnh, góp phần đưa quy mô GRDP toàn tỉnh đạt hơn 123 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố; GRDP bình quân/người đạt 2.850 USD, gấp 3,2 lần năm 2010.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2010-2020 tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng từ 37,7% năm 2010 lên 42,5% năm 2015 và 58,3% năm 2020; trong đó ngành công nghiệp lần lượt chiếm tỷ trọng là 28,3%, 33,9% và 49,7%. Như vậy có thể thấy, đối với Bắc Giang, trong giai đoạn 2010 - 2020, tăng trưởng công nghiệp đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, tỉnh cần chú trọng chiều sâu để tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tận dụng tối đa ưu thế của thời kỳ dân số vàng, khai thác lợi thế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Mặc dù đạt được một số thành tựu, tuy nhiên, ngành công nghiệp Bắc Giang cần khắc phục một số vấn đề tồn tại, hạn chế cụ thể như: Tăng trưởng chưa thật bền vững, giá trị tăng thêm thấp, sức cạnh tranh chậm được cải thiện. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên sản xuất cũng như xuất khẩu không ổn định vì phụ thuộc nhiều vào nguyên, phụ liệu đầu vào, biến động của giá thế giới.

Nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các DN FDI, liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước yếu, hiệu ứng lan tỏa năng suất thấp, hạn chế trong tận dụng công nghệ ngoại sinh từ khu vực FDI; năng lực, hiệu quả của các DN công nghiệp trong tỉnh ở mức thấp.

Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia vào khâu gia công, lắp ráp. Phần lớn các mặt hàng công nghiệp có hàm lượng công nghệ không cao, ngoại trừ hàng điện tử do khu vực FDI nắm giữ.

Trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chậm đổi mới, nhất là đối với các DN công nghiệp trong nước. Hiện nay, phần lớn DN công nghiệp của tỉnh vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ, đặc biệt là trình độ cơ khí chế tạo (trụ cột của sản xuất công nghiệp). Năng suất lao động, trình độ quản lý chưa cao, lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của DN, đặc biệt là các DN chế tạo đòi hỏi trình độ kỹ năng cao.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, tỉnh cần chú trọng chiều sâu để tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tận dụng tối đa ưu thế của thời kỳ dân số vàng, khai thác lợi thế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm: Sản xuất cơ khí, sản xuất, chế biến thực phẩm, công nghiệp dệt, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, thiết bị điện, may trang phục, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic... Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, kỷ luật và năng lực sáng tạo.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng phục vụ công nghiệp một cách đồng bộ. Tập trung xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn, top 500 DN lớn nhất Việt Nam, các đối tác nước ngoài có thương hiệu toàn cầu, năng lực tài chính và kinh nghiệm, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Khuyến khích phát triển DN dân doanh, chú trọng phát triển các DN nhỏ và vừa cùng với một hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

TS. Phùng Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/380112/de-cong-nghiep-tiep-tuc-la-dong-luc-tang-truong.html