Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1992 - 2022) - Kỳ 3

PHẦN THỨ HAI: NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT SAU 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH NINH BÌNH

Diện mạo thành phố Ninh Bình ngày càng văn minh, hiện đại.. Ảnh: Đinh Duy

Diện mạo thành phố Ninh Bình ngày càng văn minh, hiện đại.. Ảnh: Đinh Duy

Tình hình kinh tế - xã hội thời điểm tái lập tỉnh

Trong thời gian tỉnh mới được tái lập, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ninh Bình lúc đó là một tỉnh nghèo. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 62,9% GDP, nhưng chưa phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng chậm và chưa vững chắc, còn mang nặng tính chất tự cấp, tự túc; sản lượng lương thực bình quân đầu người năm 1992 mới đạt trên 330 kg. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, phân tán, manh mún; kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, sản xuất kinh doanh ở nhiều đơn vị quốc doanh thua lỗ.

Năm 1992, tổng thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ đạt gần 40 tỷ đồng, trong đó, thuế nông nghiệp chiếm khoảng 50% cơ cấu nguồn thu ngân sách. Lao động thiếu việc làm, trong khi dân số tăng cao. Hệ thống giao thông, công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Trường học, bệnh viện, trạm y tế xã còn thiếu và xuống cấp. Các vấn đề xã hội và đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chậm đổi mới, chưa ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra. GDP bình quân đầu người thấp, đạt 840.000 đồng/người/năm, đời sống một bộ phận Nhân dân còn rất khó khăn. 2.

Kết quả thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh từ 1992 - 2020

a. Giai đoạn 1992 - 1995

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, giành được những thắng lợi lớn có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng cả nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho bước phát triển nhanh hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đến năm 1995, nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới, tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn so với các thời kỳ trước đây, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu chủ yếu, nổi bật là sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lương thực đạt 31,9 vạn tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 372 kg; tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm đạt 15,2%; tỷ trọng giá trị công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng nông - công nghiệp đạt 23,65%.

Thu ngân sách trên địa bàn năm 1995 đạt gần 84,5 tỷ đồng. Tình hình xã hội có nhiều chuyển biến tốt. Đời sống của đại bộ phận Nhân dân ổn định và có nhiều mặt được cải thiện. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội và nền quốc phòng toàn dân được củng cố, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và Nhân dân. Hệ thống chính trị được đổi mới và tăng cường. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể được nâng cao.

b. Giai đoạn 1996 - 2000

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 8,12%/ năm; trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,28%, công nghiệp tăng 15,12%, dịch vụ tăng 9,72%.

Đến năm 2000, sản lượng lương thực quy thóc đạt 45,5 vạn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 504 kg. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 150 tỷ đồng. Cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống của Nhân dân tiếp tục ổn định và nhiều mặt được cải thiện. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, ngày càng vững mạnh.

c. Giai đoạn 2001 - 2005

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Ninh Bình đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế. Giai đoạn này, nền kinh tế của tỉnh đã bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Tốc độ tăng trưởng GDP (2001 - 2005), bình quân đạt 20,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến năm 2005, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 35,7%; dịch vụ chiếm 33,4%. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng lương thực quy thóc bình quân đạt 45,4 vạn tấn/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 25,4 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đến năm 2005 gấp 2,7 lần so với năm 2000. Giá trị sản xuất hàng xuất khẩu đến năm 2005 đạt 50,3 triệu USD; giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 22 triệu USD.

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, điện lực, bưu chính viễn thông đều có bước phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống.

Thu ngân sách trên địa bàn năm 2005 đạt 639 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 5,3 triệu đồng, gấp 2,1 lần năm 2000. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2005 còn 6,2% (theo tiêu chí năm 2000), cơ bản không còn hộ đói.

(Còn nữa)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-cuong-tuyen-truyen-ky-niem-30-nam-tai-lap-tinh-ninh-binh/d2022030809579949.htm