Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1992 - 2022) - Kỳ 4

PHẦN THỨ HAI: NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT SAU 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH NINH BÌNH

Thành phố Ninh Bình về đêm. Ảnh: PV

Thành phố Ninh Bình về đêm. Ảnh: PV

d. Giai đoạn 2006 - 2010

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ninh Bình tiếp tục phát huy được truyền thống và sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tiễn của tỉnh, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

- Trong điều kiện có nhiều khó khăn, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của tỉnh đạt 16,5%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2010 đạt 19.200 tỷ đồng, gấp 4,36 lần năm 2006.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm (theo giá cố định 1994): Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 4,3%; công nghiệp: 28,4%; dịch vụ: 19,12%. Cơ cấu kinh tế (theo GDP giá hiện hành) đến năm 2010: Công nghiệp - xây dựng: 48,9%; dịch vụ: 35,3%; nông, lâm nghiệp, thủy sản: 15,8%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 20,9 triệu đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2005, bằng 90% so với bình quân chung cả nước (1.200 USD) và vượt bình quân vùng Đồng bằng sông Hồng (1.040 USD).

Thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 đạt 3.066 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng có sự phát triển mạnh, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm tăng 28,4%. Những dự án lớn như: các nhà máy xi măng The Vissai, Hướng Dương, Duyên Hà, ô tô Thành Công, nhà máy kính Tràng An... đã góp phần làm tăng năng lực sản xuất và tạo giá trị tăng thêm. Huy động nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ bản tăng mạnh, cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo hướng tích cực.

Trong giai đoạn này, tổng nguồn vốn đạt 46.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với thời kỳ 2001-2005. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tăng cao, đạt 75 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2005.

Du lịch có bước phát triển khá. Năm 2010, đón trên 3,3 triệu lượt khách du lịch đến Ninh Bình. Hoạt động xuất, nhập khẩu có chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 5 năm đạt 985 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 240 triệu USD, tăng bình quân 26,2%/năm.

- Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết, đạt nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện. Giáo dục - đào tạo phát triển khá toàn diện; công tác khoa học, công nghệ; bảo vệ tài nguyên, môi trường được coi trọng. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm. Văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, báo chí, phát thanh - truyền hình, văn học - nghệ thuật có nhiều tiến bộ. Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai mạnh mẽ trong toàn tỉnh, trọng tâm là ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trong địa bàn tỉnh.

đ. Giai đoạn 2011 - 2015

Giai đoạn này, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ, khắc phục khó khăn nên đã đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nhiệm kỳ đạt 11,7%/năm, là mức tăng trưởng khá trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước suy giảm.

So với năm 2010, quy mô GDP gấp 2,1 lần; tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản giảm xuống còn 12%; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 48%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng lên 40%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2015 đạt 4.379 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Một số dự án sản xuất mới hoàn thành (ô tô, linh kiện điện tử) đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn có bước phát triển; có 83/257 làng nghề được UBND tỉnh công nhận; giá trị sản xuất từ nghề, làng nghề chiếm 19% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; vùng lúa chất lượng cao được mở rộng theo quy hoạch; an ninh lương thực được đảm bảo; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2,04%/ năm (giá so sánh 2010).

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có nhiều tiến bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ; tổng nguồn lực huy động trong 3 năm thực hiện chương trình là 7.915 tỷ đồng và đến hết năm 2015, có 40/119 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Du lịch phát triển mạnh, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Năm 2015, số lượt khách đến tham quan các điểm du lịch đạt 6 triệu lượt (gấp 2 lần so với năm 2010); doanh thu từ du lịch đạt 1.200 tỷ đồng. Dịch vụ thương mại, ngân hàng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông và các lĩnh vực dịch vụ khác cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Giáo dục - đào tạo phát triển khá toàn diện; quy mô và mạng lưới các cấp học phát triển phù hợp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của Nhân dân trong tỉnh; tỉnh Ninh Bình luôn đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác tư pháp, cải cách tư pháp, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả.

Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo toàn diện, đạt kết quả tích cực. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được nâng cao; công tác quản lý và điều hành của chính quyền các cấp có chuyển biến tích cực.

(còn nữa)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-cuong-tuyen-truyen-ky-niem-30-nam-tai-lap-tinh-ninh-binh/d20220309095730745.htm