Để không còn nỗi lo về sinh vật lạ có trong nước giếng

Ngày 12/6/2020, UBND huyện Vĩnh Linh đã gửi công văn hỏa tốc số 888/UBND-YT tới Sở Y tế, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị đề nghị kiểm tra, xử lý nguồn nước có sinh vật lạ ở thị trấn Cửa Tùng. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn hỗ trợ đánh giá, xử lý giếng nước sinh hoạt xuất hiện sinh vật lạ ở khu phố Bắc Bàn.

 Bác sĩ Nguyễn Đức Nghiêm-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị trả lời câu hỏi về các sinh vật xuất hiện trong nước giếng sinh hoạt của hộ gia đình ở thị trấn Cửa Tùng. Ảnh: Trần Văn Don

Bác sĩ Nguyễn Đức Nghiêm-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị trả lời câu hỏi về các sinh vật xuất hiện trong nước giếng sinh hoạt của hộ gia đình ở thị trấn Cửa Tùng. Ảnh: Trần Văn Don

Công văn này nêu rõ: Qua kiểm tra thực tế tại 5 hộ gia đình sống liền kề ở khu phố Bắc Bàn, thị trấn Cửa Tùng do Phòng Y tế, Phòng Tài nguyên và môi trường, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh phối hợp UBND thị trấn Cửa Tùng, Trạm Y tế, các ban, ngành, đoàn thể tiến hành đã thấy trong nước được bơm từ các giếng đào của nhà các ông, bà: Nguyễn Thị Lam, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Văn Lân có sinh vật lạ đang sống. Đây đều là các giếng đào sâu từ 18 m-20 m được dùng bơm để lấy nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt trong mỗi gia đình, trên miệng giếng đã được xây thành và có nắp đậy, cách chuồng gia súc khoảng từ 7 mét đến 10 mét; có giếng cách 25 mét, các gia đình nạo vét giếng định kỳ từ 1 đến 2 năm một lần. Khi đoàn kiểm tra dùng bơm lấy nước từ giếng lên cho vào chậu thì thấy trong khoảng 20 lít nước có từ 4 đến 5 sinh vật lạ đang sống, 1 loài có hình dáng nhỏ, dài, dẹt với kích thước rộng từ 1 mm-1,5 mm, dài từ 5 mm-6 mm và 1 loài có hình dáng nhỏ, tròn, dài, với kích thước nhỏ hơn 1 mm, dài 60 mm. Trước đó, khi thấy các sinh vật lạ này bu bám quanh xô, chậu đựng nước, các thành viên trong 5 gia đình này rất lo lắng và UBND thị trấn Cửa Tùng đã tuyên truyền, vận động các gia đình tạm dừng sử dụng nguồn nước giếng đào có sinh vật lạ cho tới khi cơ quan chuyên môn có kết luận chính thức.

Trong 2 ngày 19 và 20/6/2020, đoàn công tác của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn do tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Khoa Côn trùng làm trưởng đoàn đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị tiến hành nghiên cứu thực tế tại 3 giếng nước của nhà bà Nguyễn Thị Lam, nhà ông Nguyễn Văn Ba và Phan Văn Trung. Trong mỗi lượng nước khoảng từ 10 lít đến 20 lít bơm từ đáy giếng tại 3 điểm này ghi nhận 2 loại sinh vật với ước tính khoảng 10 con, loại 1 có hình dạng nhỏ, dẹt, dài khoảng từ 5 mm đến 6 mm, rộng từ 1 mm đến 1,5mm và loại 2 có hình dạng nhỏ, tròn, dài khoảng từ 30 mm đến 40 mm, rộng 0,5 mm. Khi cho vào mỗi chậu nước một lượng Chloramin B với nồng độ khử trùng nước sinh hoạt thì 2 loại sinh vật này chết. Khi dùng Chloramin B với hàm lượng khử trùng nước sinh hoạt để khử trùng 3 giếng nước này vào hôm trước thì kết quả điều tra lại vào sáng hôm sau không phát hiện sinh vật loại 1 nữa, sinh vật loại 2 vẫn còn sống.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang đã thay mặt đoàn công tác đưa ra nhận định ban đầu: Hai loại sinh vật có trong nước giếng vừa tiến hành khảo sát không phải là sinh vật lạ mà có thể là giun và sán lông (đỉa phiến) sống trong môi trường nước và không gây bệnh ở người. Để có kết luận chính thức, Viện Sốt rét-Ký sinh trùngCôn trùng Quy Nhơn sẽ tiếp tục xác định, định danh, mô tả đặc điểm sinh học, tác hại nếu có cùng các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây bệnh ở người của hai loại sinh vật này và gửi về địa phương trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, các ý kiến chuyên môn đã khuyến nghị về giải pháp cần triển khai là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị tiếp tục giám sát và đánh giá hiệu lực Chloramin B khử trùng tại các giếng nước, chính quyền địa phương sớm có kế hoạch cung cấp nước máy tới các hộ gia đình trong thời gian tới để đảm bảo vệ sinh nguồn nước và bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như cung cấp với người dân những thông tin đúng về các sinh vật này một cách kịp thời khi có kết luận của cơ quan chuyên môn, ngành Y tế của địa phương tổ chức theo dõi và khử trùng giếng nước khi các sinh vật xuất hiện với mật độ cao, các hộ gia đình di dời chuồng gia súc ra xa nhà và xa giếng nước, thường xuyên nạo vét và khử trùng giếng, thực hiện ăn chín và uống chín, sử dụng thêm hệ thống lọc thô nước giếng… Với phương pháp làm việc khoa học và những kiến giải cụ thể đó, chủ các hộ dân hiểu rằng các sinh vật xuất hiện trong giếng nước của gia đình mình không phải là sinh vật lạ nguy hiểm và yên tâm hơn khi đã biết cách vệ sinh nguồn nước ăn uống và sinh hoạt tại nhà.

Bội Nhiên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149410