Để Luật Thanh tra năm 2022 đi vào thực tiễn

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra năm 2022, thay thế cho Luật Thanh tra năm 2010 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2023.

Các đại biểu tham dự hội nghị triển khai Luật Thanh tra năm 2022 do Thanh tra tỉnh tổ chức ngày 23-6. Ảnh: T.Danh

Các đại biểu tham dự hội nghị triển khai Luật Thanh tra năm 2022 do Thanh tra tỉnh tổ chức ngày 23-6. Ảnh: T.Danh

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những hiệu quả đạt được của Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 đã có những điều chỉnh, bổ sung nhằm đưa hoạt động thanh tra sát với thực tế và đạt hiệu quả hơn.

* Sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết

Bà Phạm Thị Phượng, Phó trưởng phòng Tuyên truyền pháp luật, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Thanh tra 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra… Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 bộc lộ không ít hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Cụ thể, luật chưa nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra nhà nước; còn chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và cơ quan kiểm toán; hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên chưa rõ ràng; chưa quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra...

Qua các phân tích trên, bà Phạm Thị Phượng cho rằng, việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2022 gồm 8 chương, 118 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng thanh tra; hoạt động thanh tra; công tác kết luận thanh tra; phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan chức năng…

Việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

* Giúp hoạt động thanh tra linh hoạt hơn

Luật Thanh tra năm 2022 kế thừa các quy định của Luật Thanh tra năm 2010 về tổ chức, quản lý các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.

Tuy nhiên, so với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 có một số điều chỉnh, thay đổi cả về bố cục và nội dung. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Thanh tra cho thấy, Luật Thanh tra năm 2010 quy định về các tổ chức thanh tra tại các bộ, ngành, thanh tra ở các sở chưa sát với thực tế.

Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, bà Phạm Thị Phượng cho biết, ở cấp bộ, mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra; các cục, tổng cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành mà không có tổ chức thanh tra độc lập.

Trong khi đó, trên thực tế, một số bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có một số tổng cục, cục có chức năng quản lý nhà nước và nhu cầu thanh tra lớn, nhưng luật lại không cho phép thành lập tổ chức thanh tra dẫn đến có những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra. Từ thực tế đó, Luật Thanh tra năm 2022 quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ. Tuy nhiên, việc thành lập các tổ chức này không dàn đều, không phải tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Riêng với thanh tra cấp sở, trong Luật Thanh tra năm 2022 quy định theo hướng không phải tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra (như luật cũ) để tránh dàn trải. Đối với các sở không thành lập thanh tra sở thì Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở.

Về hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 bỏ hình thức thanh tra thường xuyên, chỉ quy định 2 hình thức thanh tra: thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Ngoài ra, Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung quy định về gia hạn thời hạn thanh tra, tạm dừng cuộc thanh tra, đình chỉ cuộc thanh tra.

Về xây dựng, ban hành kết luận thanh tra, Luật Thanh tra mới đã có những quy định cụ thể, chặt chẽ, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra bảo đảm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Trong đó, luật xác định rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra.

Một trong những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 là việc quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra. Bởi cuộc thanh tra có nhiều nội dung, nội dung nào rõ và đủ cơ sở thì kết luận ngay để phục vụ công tác quản lý nhà nước và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác theo quyết định thanh tra.

Cùng trao đổi về nội dung này, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, quá trình triển khai Luật Thanh tra năm 2010 đã gặp những khó khăn, vướng mắc làm giảm hiệu quả công tác thanh tra. Việc xây dựng, ban hành Luật Thanh tra mới với những thay đổi, bổ sung đã chứng minh sự cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt hơn.

Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Thắng cũng cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã tổ chức quán triệt những nội dung mới của Luật Thanh tra năm 2022 đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Thanh tra và trong toàn xã hội nhằm sớm đưa luật đi vào thực tiễn. Đồng thời, đề nghị các cán bộ, công chức tích cực nghiên cứu các quy định mới của Luật Thanh tra năm 2022 nhằm vận dụng, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác tại đơn vị, địa phương.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202307/de-luat-thanh-tra-nam-2022-di-vao-thuc-tien-3170493/