Để người lao động ở lại hệ thống an sinh

Thao - người chị họ của tôi năm nay 45 tuổi. Từ nhiều năm trước, khi những nhà máy, công xưởng được xây dựng gần làng, chị đã trở thành công nhân. Nhờ có thu nhập ổn định, kinh tế của gia đình chị khấm khá hơn so với mặt bằng chung.

Mỗi lần về quê, tôi thường động viên chị cố gắng theo đuổi công việc ở nhà máy, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ để sau này có lương hưu. Chị cũng chia sẻ rằng bản thân đã thấy ở làng có nhiều người 65-70 tuổi vẫn tất bật làm việc đồng áng, lo cái ăn, cái mặc. Nếu có lương hưu, cuộc sống của họ sẽ nhẹ nhàng hơn. Lo cho tuổi già, chị đã đóng BHXH được hơn chục năm. Thế nhưng mới đây, khi gặp tôi, chị buồn bã nói rằng đã rút BHXH một lần dù được nhiều người khuyên không nên.

Công việc ở công ty sa sút, sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị chưa tìm được công việc mới. Người con lớn đang học đại học rất cần tiền chi tiêu. Chị đã cố gắng xoay xở nhưng đến giờ thì không cầm cự được nữa, đành rút BHXH để chi dùng cho nhu cầu trước mắt. Vay vốn ngân hàng giờ không dễ, hơn nữa, vay rồi, công việc không ổn định thì làm sao mà trả được lãi hằng tháng ? Vậy là chị rời “lưới” an sinh cho dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi hết tuổi lao động.

Trên cả nước và trong tỉnh, số lượng người rút BHXH một lần như chị Thao đang ngày càng cao, năm sau luôn tăng hơn năm trước, thậm chí trở thành làn sóng sau đại dịch Covid-19. Khi đã rút BHXH, người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng thu nhập ổn định khi không còn sức lao động. Thực trạng này không chỉ khiến người lao động thiệt thòi mà về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến mạng lưới an sinh xã hội quốc gia, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang “già hóa dân số”.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu sẽ cho ý kiến vào Luật BHXH (sửa đổi). Một trong những nội dung quan trọng được dư luận quan tâm tại dự án này là phương án rút BHXH một lần. Các phương án dự kiến trình Quốc hội đều hướng tới mục tiêu nỗ lực giữ chân người lao động ở lại mạng lưới an sinh, bảo đảm quyền lợi lâu dài.

Nhiều người lao động hy vọng rằng các đại biểu Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến của cử tri, bàn bạc, đề xuất với Quốc hội những giải pháp phù hợp. Đa số người lao động đều có nguyện vọng đóng BHXH cho đến đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy vậy, những biến động, rủi ro trong cuộc sống cùng nhiều yếu tố khác khiến không ít trường hợp phải bỏ giữa chừng, chấp nhận thiệt thòi.

Giải pháp căn cơ ngăn làn sóng rút BHXH một lần là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; phát triển mạnh các ngành nghề từ công nghiệp đến nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm mới.

Quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề, tăng thu nhập cho người lao động để mỗi gia đình, cá nhân đều có nguồn tích lũy ứng phó với các tình huống rủi ro, bệnh tật; có cơ chế hỗ trợ kịp thời những lao động gặp khó khăn. Đặc biệt, chính sách BHXH cần có sự ổn định; việc sử dụng Quỹ BHXH phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo niềm tin đối với người tham gia BHXH.

Mai Thy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/413894/de-nguoi-lao-dong-o-lai-he-thong-an-sinh.html