Để người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống

Các loại hình nghệ thuật truyền thống đang chịu tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường. Các trào lưu thưởng thức mới, cộng với sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai càng làm cho hồn cốt của văn hóa Việt Nam bị 'lấn sân'. Làm sao để khuyến khích người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống là một bài toán nan giải.

Hoạt động trong khó khăn

Các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, ca trù… đang hoạt động khó khăn bởi thiếu đầu tư, thiếu người trẻ tâm huyết và hơn thế là ít nhận được sự quan tâm của xã hội. Không ít nghệ sĩ có thời hoàng kim, sống được bằng hát tuồng, cải lương nay phải “về vườn” trước cuộc sống quá nhiều nghiệt ngã. Ngay như nhiều nhà hát chèo, tuồng trong cả nước vẫn cố gắng duy trì nghề. Họ tổ chức những đêm diễn không thu tiền vé, nhưng cũng ít được quan tâm. Việc bán vé là sự không tưởng.

Một số nơi xảy ra nghịch lý, là các nghệ sĩ viết kịch bản, làm đạo diễn vô cùng vất vả dựng vở, nhưng lại thiếu diễn viên lành nghề, được học hành tử tế. Cũng bởi, làm diễn viên các môn nghệ thuật truyền thống có thu nhập quá thấp. Vậy nên nhiều em đã chọn ngành nghề khác thay vì làm diễn viên.

Lớp cử nhân nghệ thuật truyền thống trong ngày nhận bằng tốt nghiệp

Lớp cử nhân nghệ thuật truyền thống trong ngày nhận bằng tốt nghiệp

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang rất sốt ruột với những hạn chế của ngành, đặc biệt là hướng tạo cú hích cho nghệ thuật âm nhạc truyền thống phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhìn sâu vào thực chất, và cho rằng để mai một nghệ thuật âm nhạc truyền thồng, trước hết trách nhiệm thuộc Bộ. Ông cũng đang chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phát huy nội lực để xây dựng các chương trình nghệ thuật đỉnh cao.

Lo lắng cho âm nhạc truyền thống, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu cho biết: “Hiện chúng ta không có tác giả ở nhiều loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, dân ca, múa rối. Do đó, rất cần cơ chế, tạo điều kiện để đào tạo nguồn tác giả cũng như diễn viên cho các loại hình sân khấu truyền thống”.

Đi thẳng vào vấn đề, NSƯT Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam từng chia sẻ: Một trong những vấn đề khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ thuật chèo là nguồn nhân lực kế cận quá ít. Việc tuyển sinh vào học trong các trường nghệ thuật khó khăn, thậm chí có năm không tuyển được học viên. Đồng quan điểm ấy, nghệ sĩ chèo Minh Thu tâm sự rằng: “Ngay cả diễn viên chèo, quan họ, không ít bạn trẻ có học hành tử tế, vì sống khó khăn nên phải chạy sô. Họ đi phục vụ cho các sự kiện, quán hát, đám cưới để có tiền cải thiện cuộc sống. Chúng ta cần nhìn nhận đây là một thực trạng để có những phương án tháo gỡ”.

Còn theo tìm hiểu, hiện đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn lành nghề hầu hết đã lớn tuổi, tuổi trung bình của nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trong độ tuổi từ 20 đến 25 chiếm tỷ lệ 5,6% và độ tuổi từ 25 đến 30 cũng chỉ chiếm tỷ lệ 42%. Đáng tiếc, hiện tượng này xảy ra ở hầu hết các nhà hát trong cả nước. Một mặt là do cơ chế thị trường, mặt khác có nghệ sĩ nhìn nhận do việc dựng vở bây giờ quá ẩu, khiến tuồng không ra tuồng, chèo chẳng ra chèo. Vậy đâu là cú hích, đâu là động lực nào để tạo cơ hội, mở đường sống, khuyến khích người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống?

Cần nhiều biện pháp khuyến khích người trẻ yêu nghệ thuật truyền thống

Cần nhiều biện pháp khuyến khích người trẻ yêu nghệ thuật truyền thống

Lớp trẻ phải được gieo tình yêu nghề

Văn học nghệ thuật là một bộ phận của văn hóa. Phát triển văn hóa nghệ thuật đồng nghĩa với phát triển văn hóa. Bởi vậy cùng với nhiều giải pháp, thì phải gieo được tình yêu nghề cho người trẻ, để họ hiểu và yêu nghệ thuật truyền thống.

Nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, cho hay: Việc bây giờ là phải kết nối mật thiết giữa những nghệ nhân, nhạc sĩ giỏi nghề với người trẻ. Khi người trẻ được truyền dạy, được thắp lửa đam mê, họ sẽ có tình yêu và giữ nghề. Chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao khán giả trẻ hiện nay tôn sùng âm nhạc đường phố, nhạc Hàn, nhạc điện tử có tính chất thương mại. Còn các loại hình âm nhạc đặc sắc như cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, hát xoan… đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng hiện vẫn sống lay lắt vì ít người xem, hoặc muốn có người xem thì phải “sân khấu hóa”? Khi các cơ quan chức năng cùng chúng tôi hiểu được tại sao, thì sẽ có phương án lâu dài, bền bỉ để thực hiện các chiến lược khuyến khích người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống.

Những năm qua, trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình, nhằm quảng bá các chương trình âm nhạc, tác phẩm âm nhạc truyền thống đến với đối tượng thanh niên, sinh viên. Mới đây nhất là chương trình “Tôi yêu nghệ thuật truyền thống”, khơi dậy trong mỗi sinh viên niềm say mê, yêu thích đối với nghệ thuật truyền thống. Nhiều tiết mục được các sinh viên luyện tập, dàn dựng công phu. Không ít bạn trẻ được hỏi, trả lời vẫn quan tâm đến âm nhạc truyền thống, nhưng không có môi trường, thiếu cơ hội tiếp cận.

Việc gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống là trách nhiệm của cả hệ thống, bao gồm cả khán giả. Bởi chính khán giả trẻ là những người phải tiếp sức cho các nghệ sĩ trẻ, để cùng hiểu và yêu những giá trị của cha ông, dành thời gian giữ giá trị ấy như một kho tàng vô giá của dân tộc. Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Quang Long rất có lý khi cho rằng, một giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là quan tâm đến đời sống vật chất của chính các nghệ sĩ, diễn viên. Tiếp theo đó là các biện pháp phát triển, khuyến khích sáng tạo, tạo môi trường trình diễn cho nghệ sĩ trẻ. Đó là công việc khó khăn, song vẫn phải quyết tâm thực hiện.

Thúy Oanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/de-nguoi-tre-den-voi-nghe-thuat-truyen-thong-89343.html