Đề thi Tiếng Anh giúp đánh giá năng lực học sinh ở nhiều mức độ

Theo nhận định của giáo viên, đề Tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có độ phân hóa tốt, giúp đánh giá năng lực học sinh ở nhiều mức độ khác nhau.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.

Cấu trúc ổn định

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang) nhận định, đề thi có cấu trúc tương tự đề minh họa 2024 với 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Điều này đảm bảo học sinh được phân loại rõ ràng, từ những học sinh có nền tảng kiến thức cơ bản đến những học sinh có khả năng suy luận và áp dụng kiến thức vào các tình huống phức tạp.

Cấu trúc này phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT, giúp đánh giá toàn diện khả năng của học sinh ở nhiều mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, mức độ phân hóa đề chính thức cao hơn đề minh họa, đặc biệt ở các câu hỏi từ vựng và đọc hiểu, có 4-5 câu vận dụng cao (câu khó) (Câu 6, 8, 30, 37, 42 – mã đề 416) phân loại thí sinh rất tốt, dùng để xét tuyển đại học bằng môn Tiếng Anh. Điều này tạo ra thí sinh cần chuẩn bị kỹ lưỡng.

 Cô Phạm Thị Liên cũng vừa hoàn thành công tác coi thi tại điểm thi Trường THPT Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: NVCC.

Cô Phạm Thị Liên cũng vừa hoàn thành công tác coi thi tại điểm thi Trường THPT Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: NVCC.

Đề thi được thiết kế khoa học và chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDPT 2006. Các câu hỏi với đa dạng chủ đề và dạng bài thí sinh đã được học. Một số câu hỏi trong đề thi hướng đến giải quyết các vấn đề thực tế, xã hội, giúp đánh giá năng lực ứng dụng kiến thức của học sinh vào cuộc sống.

Các dạng bài quen thuộc gồm: Tình huống hội thoại, hoàn thành câu, ngữ âm và trọng âm, từ đồng nghĩa và trái nghĩa, hoàn thành đoạn văn, đọc hiểu, tìm lỗi sai, và xác định câu gần nghĩa.

Đề thi có nhiều câu mức độ nhận biết và thông hiểu và những cấu trúc giống với đề minh họa 2024 học sinh đã được luyện tập nhiều như các câu phát âm nguyên âm và phụ âm đơn giản, các câu trọng âm của từ có hai âm tiết và 3 âm tiết.

Các câu hỏi này kiểm tra khả năng nhận diện và phát âm đúng các từ vựng đã học. Mức độ khó của các câu hỏi này vừa phải, phù hợp với trình độ học sinh. Đề năm nay không có câu phát âm đuôi quen thuộc như -s/-s hoặc phát âm đuôi -ed như các năm.

Nhiều câu giúp thí sinh gỡ điểm

 Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) sau khi hết giờ. Ảnh: Đình Tuệ.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) sau khi hết giờ. Ảnh: Đình Tuệ.

Theo cô Liên, câu hỏi trong đề về phối thì quá khứ đơn và quá khứ tiếp diễn, câu hỏi đuôi, so sánh nhất, cấu trúc It’s + adjective + to Verb, mạo từ, câu bị động, cụm động từ… và một số câu từ vựng và câu đồng nghĩa là những câu học sinh có thể gỡ điểm, vừa sức với học sinh ở các vùng miền khác nhau.

Câu hỏi về giao tiếp có 2 câu, kiểm tra khả năng ứng xử và phản ứng trong các tình huống hội thoại thực tế. Các câu hỏi này giúp đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày của học sinh.

Tìm lỗi sai có 3 câu, yêu cầu học sinh phải nắm vững ngữ pháp và kỹ năng phát hiện lỗi sai trong câu. Các câu hỏi này giúp kiểm tra kiến thức ngữ pháp và khả năng phân tích câu của học sinh. Các câu tìm lỗi sai có dạng giống đề minh họa, một câu sai về đại từ, một câu sai về thì của động từ và 1 câu từ vựng khó ( Câu 27 mã đề 414 và câu 45 mã đề 416).

Với bài đọc điền gồm 5 câu, yêu cầu học sinh có kỹ năng đọc hiểu và suy luận tốt để chọn từ phù hợp với ngữ cảnh của đoạn văn. Các câu hỏi này không chỉ kiểm tra kiến thức từ vựng mà còn khả năng hiểu ngữ nghĩa của đoạn văn.

 Thí sinh sau giờ thi tại Trường THPT Giao Thủy B (Nam Định). Ảnh: Đình Tuệ.

Thí sinh sau giờ thi tại Trường THPT Giao Thủy B (Nam Định). Ảnh: Đình Tuệ.

Đọc hiểu gồm 12 câu, các đoạn văn và câu hỏi liên quan đến chủ đề quen thuộc với học sinh, từ vựng có một số từ mới và khó giúp học sinh dễ dàng nhận dạng và hiểu bài. Phần này kiểm tra khả năng đọc hiểu và phân tích thông tin từ văn bản. Đặc biệt đề đọc hiểu 7 câu ở mã đề 416 được lấy từ báo CNN có mức độ phân hóa năng lực học sinh rõ ràng.

Chọn câu đồng nghĩa và viết lại câu gồm 5 câu, kiểm tra khả năng hiểu và diễn đạt lại ý nghĩa của câu. Các câu hỏi này giúp đánh giá khả năng diễn đạt và khả năng hiểu ngữ nghĩa của học sinh.

Nhìn chung, đề thi năm 2024 đã đạt được mục tiêu phân loại học sinh rõ rệt, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi được thiết kế khoa học, đảm bảo tính toàn diện và công bằng trong việc đánh giá năng lực học sinh.

Mức độ khó dễ của đề thi đảm bảo sự công bằng, giúp đánh giá chính xác năng lực của thí sinh, từ đó tạo ra phổ điểm hợp lý, phân loại rõ ràng học sinh. Các câu hỏi liên quan đến vấn đề thực tế giúp học sinh liên hệ kiến thức đã học với cuộc sống, từ đó nâng cao khả năng ứng dụng kiến thức.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho hay, năm nay có tổng số 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi. Tổng số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38%. Cả nước có 2.323 Điểm thi với tổng số 45.149 phòng thi. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-thi-tieng-anh-giup-danh-gia-nang-luc-hoc-sinh-o-nhieu-muc-do-post689625.html