Đề xuất định tội và khung hình phạt với hành vi bạo lực gia đình

Trong Dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Công an đã đề xuất phân định rõ tội danh với các hành vi bạo lực gia đình, trong đó áp dụng mức xử phạt tương ứng.

Tờ trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ Công an cho biết: Không có quy định xử phạt đối với hành vi giúp sức người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hình minh họa

Hình minh họa

Trong vụ việc cố ý gây thương tích giữa thành viên trong gia đình, còn chưa rõ ràng trong việc áp dụng pháp luật giữa việc xử phạt người vi phạm về hành vi cố ý gây thương tích quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với xử phạt người vi phạm về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình quy định tại Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

Do đó, Dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:

Bổ sung xử phạt đối với các hành vi: Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực; Cô lập, giam cầm thành viên gia đình; Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.

Sửa đổi các hành vi vi phạm quy định tại: khoản 1 Điều 52 (Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình); điểm b khoản 1 Điều 53 (Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình); điểm a khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 55 (Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý).

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 53 như sau: “Bỏ mặc, không quan tâm, không nuôi dưỡng, không chăm sóc thành viên gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc”.

Sửa đổi, bổ sung Điều 55 như sau: “Hành vi cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý và bạo lực tình dục trong hôn nhân gia đình bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân hoặc có các quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó; không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cưỡng ép thành viên gia đình phải chứng kiến bạo lực đối với người, con vật; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cưỡng ép thành viên gia đình trình diễn hành vi khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục; có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình; cô lập, giam cầm thành viên gia đình.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 59 như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp”.

Nguyễn Cúc

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/de-xuat-dinh-toi-va-khung-hinh-phat-voi-hanh-vi-bao-luc-gia-dinh-438980.html