'Đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững'

Ông: HỒ TRỌNG PHƯƠNG

Sinh ngày: 15.10.1973

Dân tộc: Kinh

Quê quán: Xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi

Nơi ở hiện nay: Phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học Công nghệ chế biến thủy sản

Học hàm, học vị: Thạc sĩ Chính sách công

Lý luận chính trị: Cao cấp

Chức vụ hiện tại: Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi.

Được sự hiệp thương giới thiệu của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Đơn vị bầu cử số 13, huyện Nghĩa Hành, với tôi đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn đối với bản thân.

Nếu được cử tri tín nhiệm bầu tôi là đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026, trước hết tôi xác định phải thực hiện tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ được giao là lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu tốt hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Nghĩa Hành nói riêng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thứ hai, tôi sẽ thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của cử tri theo nhiều hình thức, dành nhiều thời gian đi thực tế đế nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và kịp thời phản ảnh trung thực mọi ý kiến, nguyện vọng của cử tri với HĐND tỉnh, với các cấp, các ngành để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri; đồng thời cùng với các đại biểu HĐND góp ý cho tỉnh có những nghị quyết đúng đắn, hợp lòng dân.

Thứ ba, phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Tập trung thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển hợp tác xã; thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị...

- Về trồng trọt: Tham mưu cho UBND tỉnh cho chủ trương và phối hợp thực hiện mở rộng và phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa với diện tích 500ha theo Đề án của huyện Nghĩa Hành để có sản phẩm cung cấp ổn định cho thị trường. Triển khai các công trình kiên cố hóa kênh mương, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dồn điền, đổi thửa tập trung ruộng đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Khai thác tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; tập trung quảng bá và từng bước xây dựng giá trị thương hiệu trái cây Nghĩa Hành…

- Về chăn nuôi: Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ nông dân đầu tư nhân rộng mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc và một số vật nuôi đặc sản ở từng địa phương, cùng với việc thực hiện chương trình lai tạo đàn bò, nạc hóa đàn lợn. Chuyển hình thức chăn nuôi nhỏ lẽ, phân tán ở nông hộ sang hình thức chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại, các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong chăn nuôi nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh ở gia súc, gia cầm.

- Về lâm nghiệp: Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có. Phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Chuyển mạnh từ coi trọng tăng độ che phủ rừng sang nâng cao chất lượng rừng, nhất là nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng mà trọng tâm là phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, quý, hiếm; nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho phép kết hợp khai thác các giá trị kinh tế của rừng để góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Về xây dựng nông thôn mới bền vững: Phối hợp tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành bộ tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao để huyện có cơ sở tổ chức thực hiện việc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện. Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới; xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.

Thứ tư, bản thân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, nghiêm túc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu HĐND theo quy định, tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Tham gia thực hiện tốt chức năng giám sát của người đại biểu HĐND đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước để mang lại hiệu quả thiết thực./.

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/4781/202105/de-xuat-giai-phap-phat-trien-nong-nghiep-toan-dien-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-ben-vung-3057226/