Đề xuất sơn tốc độ tối đa, vạch 3D lên mặt đường: Tài xế nói gì?
Đề xuất của Cục Cảnh sát giao thông về sơn tốc độ tối đa ngay trên mặt đường được nhiều người ủng hộ, bởi giúp tài xế tránh nhầm lẫn và giảm vi phạm giao thông.
Đề xuất của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) về việc sơn tốc độ tối đa cho phép và các chỉ dẫn giao thông lên mặt đường đang nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Không ít người cho rằng việc sơn tốc độ trực tiếp lên mặt đường sẽ giúp giảm đáng kể vi phạm do nhầm lẫn hoặc không nhìn thấy biển báo.
Anh Trần Minh Phương (tài xế công nghệ tại Hà Nội) cho biết: “Lái xe trong nội đô vào giờ cao điểm rất áp lực. Vừa tránh xe, vừa để ý biển báo rất dễ bị sót. Nếu tốc độ được sơn ngay dưới mặt đường thì sẽ thuận mắt hơn, đặc biệt với những người mới lái”.
Tương tự, chị Trịnh Hồng Lam (giáo viên tại Quảng Ninh) cho rằng nhiều đoạn quốc lộ và cao tốc hiện nay có biển báo hạn chế tốc độ nhưng thường đặt ở vị trí khó quan sát.
“Không phải ai cũng kịp nhận ra biển báo khi đang chạy với tốc độ 80 km/h, nhất là ở những đoạn chuyển tốc độ. Tôi nghĩ, ngoài việc sơn trị số tốc độ, có thể kết hợp sơn một đoạn mặt đường dài khoảng 5-8 m bằng màu sắc dễ phân biệt. Ví dụ, sơn màu đỏ tại đoạn cần giảm tốc và màu xanh tại đoạn được phép tăng tốc. Như vậy sẽ trực quan và dễ nhận biết hơn cho tài xế”.

Nhiều người dân ủng hộ việc sơn tốc độ lên mặt đường, bởi việc nhìn biển báo vào ban đêm, hay không có đèn phản quang đôi khi khó khăn. (Ảnh minh họa)
Anh Vũ Đình Lộc (kinh doanh vận tải tại Hà Nội) thì cho rằng điều này đặc biệt hữu ích khi di chuyển ban đêm: “Biển báo nhiều khi không có đèn phản quang hoặc bị che, nhưng mặt đường thì luôn trong tầm nhìn gần. Thông tin ngắn gọn, rõ ràng trên đường có thể giúp tài xế xử lý kịp thời”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng việc sơn chỉ dẫn lên mặt đường trong điều kiện giao thông, khí hậu và hạ tầng tại Việt Nam cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Anh Đinh Văn Trọng (ở TP.HCM) đặt vấn đề: “Sơn thì dễ, nhưng giữ cho nó không bong tróc, mờ nhòe thì lại là chuyện khác. Trời mưa, xe tải chạy liên tục, mặt đường rất nhanh xuống cấp. Khi đó, trị số bị mờ đi”.
Anh Nguyễn Hữu Đức (kỹ sư giao thông tại Đà Nẵng) phân tích: “Ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, việc sơn tốc độ trên mặt đường là rất phổ biến và hiệu quả. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu, lưu lượng giao thông và vật liệu sơn của họ rất khác. Nếu áp dụng tại Việt Nam thì cần thử nghiệm ở từng khu vực cụ thể, từ đó đánh giá rồi nhân rộng”.
Liên quan vấn đề này, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, vấn đề sơn hiển thị trên mặt đường một số trị số, báo hiệu giao thông như tốc độ quy định, làn đường dành cho loại phương tiện hoặc những thông báo, chỉ dẫn giao thông khác... cũng nằm trong định hướng bảo đảm an toàn giao thông của Cục.
Lãnh đạo Cục CSGT đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Cục và các đơn vị thuộc Cục Đường bộ Việt Nam để thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết thời gian tới sẽ tổ chức khảo sát thực địa trên trục cao tốc Bắc - Nam với vai trò như một người tham gia giao thông, từ đó đề xuất các điều chỉnh phù hợp thay vì chỉ quản lý theo tư duy hành chính.