Đề xuất sửa đổi đã thực sự đích đáng chưa?

Trong đợt 2 của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Đây là lần thứ hai, đạo luật này được xem xét, sửa đổi toàn diện kể từ khi được ban hành vào năm 1997. Dù vậy, tần suất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này thì đã khá nhiều với 5 lần vào các năm 2003, 2005, 2013, 2014, 2016.

Mỗi một đạo luật khi được sửa đổi, bổ sung đều có những mục tiêu cụ thể, nhưng tựu chung lại phải đạt được hai mục tiêu quan trọng nhất: mt là, khắc phục những bất cập, hạn chế, những vướng mắc đã bộc lộ rõ qua thực tiễn; hai là, thể chế hóa những quan điểm, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng những yêu cầu mới của công tác quản lý, sự phát triển của xã hội và xu hướng chung của thế giới. Nhìn từ hai mục tiêu này thì dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy vẫn còn nhiều nội dung phải tiếp tục hoàn thiện.

Đơn cử, với mục tiêu thứ nhất, khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc đã bộc lộ rõ qua thực tiễn. Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng đã chỉ ra một trong những tồn tại, hạn chế là “số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, làm tăng giá bán ra, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng”. Để khắc phục bất cập này, ngay trong Tờ trình dự án Luật, Chính phủ cũng xác định việc sửa đổi cần theo hướng thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, cùng với việc loại bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong số 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế hiện nay, dự thảo Luật cũng bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng; số lượng nhóm đối tượng không thuộc diện chịu thuế vẫn giữ nguyên là 26 nhóm như quy định hiện hành.

Về cơ bản, như đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật “nội dung sửa đổi chưa đáp ứng yêu cầu thu hẹp diện đối tượng không chịu thuế, dẫn đến chưa thực sự đạt được mục tiêu góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chưa khắc phục được tồn tại, hạn chế đã được nêu trong Báo cáo tổng kết việc thi hành Luật”.

Hay một tồn tại khác cũng đã được nêu rõ trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật là có nhiều cách hiểu khác nhau đối với các quy định của Luật, đặc biệt là “quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản còn có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế và cơ quan thuế”. Nhưng dự thảo Luật lại vẫn giữ nguyên nội dung liên quan đến việc xác định giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản như quy định hiện hành và chỉ bổ sung nội dung “Chính phủ quy định việc xác định giá đất được trừ...”.

Với mục tiêu thứ hai, thể chế hóa những quan điểm, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng những yêu cầu mới của công tác quản lý, sự phát triển của xã hội và xu hướng chung của thế giới thì qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ, một số định hướng cụ thể trong Chiến lược cải cách thuế liên quan đến thuế giá trị gia tăng chưa được triển khai như: định hướng bao quát, mở rộng cơ sở thu; nhóm hàng hóa chịu thuế suất 5% chưa được thu hẹp đáng kể, chưa cho thấy quyết tâm tiến tới lộ trình áp dụng một mức thuế suất.

Cùng với đó, nội dung nghiên cứu, quy định lộ trình tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng chưa được đề cập trong dự thảo Luật, dẫn đến một số mục tiêu, định hướng quan trọng của Chiến lược cải cách thuế chưa được thể hiện đầy đủ, nhất là các nội dung về định hướng tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất, thực hiện tăng thuế suất theo lộ trình.

Mục tiêu “cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử” cũng được đánh giá là chưa được thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật.

Một dự luật để có thể được xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội đã không dễ dàng, để có thể thuyết phục được Quốc hội thông qua, đi vào cuộc sống, thực sự tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển lại càng không dễ dàng. Dự luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) cũng không là ngoại lệ. Các nội dung đề xuất sửa đổi đã thực sự đích đáng hay chưa? Có đáp ứng được các mục tiêu sửa đổi Luật hay không? Các nội dung sửa đổi cụ thể đã nhất quán với những đánh giá tổng kết thi hành Luật và các mục tiêu sửa đổi Luật hay chưa?... - là những câu hỏi cần phải được làm rõ hơn khi Quốc hội thảo luận về dự luật này trong tuần tới.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/de-xuat-sua-doi-da-thuc-su-dich-dang-chua-i375794/