Đêm mưa ở chốt kiểm soát Covid-19

Dưới cơn mưa nặng hạt, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt chống dịch ở cửa ngõ Hà Nội vẫn duy trì kiểm soát người và phương tiện để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh.

 Tôi là đại úy Bùi Đức Minh, công tác tại Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an Hà Nội. Tôi được phân công làm chốt trưởng chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ phía nam thành phố.

Tôi là đại úy Bùi Đức Minh, công tác tại Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an Hà Nội. Tôi được phân công làm chốt trưởng chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ phía nam thành phố.

5h15, tôi tỉnh giấc rồi bấm chuông báo thức để đồng đội điểm danh quân số.

Thời gian này, chúng tôi sinh hoạt tại đơn vị để đảm nhận thêm công việc tại chốt kiểm soát dịch Covid-19. Sau khi chỉnh đốn trang phục theo điều lệnh Công an nhân dân, chúng tôi họp giao ban, triển khai các kế hoạch trong ngày.

Hôm nay, tôi sẽ chỉ huy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại nút giao Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ từ 6h đến 12h và quản lý chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 18h đến 0h. Khoảng 30 phút trước ca trực, tôi chuẩn bị công cụ hỗ trợ rồi di chuyển đến nơi làm nhiệm vụ.

Nút giao Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ không có quá nhiều luồng phương tiện xung đột và vi phạm giao thông. Tuy nhiên, vào các khung giờ cao điểm, tàu hỏa đi qua khiến các xe cộ phải dừng chờ, dễ gây ra ùn ứ.

Quốc lộ 70 có đặc thù nhỏ, hẹp, lưu lượng xe cộ lớn, đặc biệt là xe container và các đoàn xe đưa tang vào Đài hóa thân Hoàn Vũ. Xe đưa tang thường đi theo đoàn với nhiều phương tiện. Để quãng đường đưa tiễn người thân của họ được thuận lợi, chúng tôi sẽ phân luồng cho các xe này nhanh chóng di chuyển.

Thời gian này do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng xe cộ có giảm so với trước đây. Bình thường, có thể mất vài chục phút mới giải quyết hàng dài xe cộ ùn ứ mỗi khi tàu chạy qua. Thì nay, tôi chỉ cần hướng dẫn trong 10-15 phút.

12h, tôi kết thúc ca làm việc và trở về đơn vị. Hôm nay, tôi xin phép chỉ huy tranh thủ về nhà khoảng một giờ để thăm 2 con. Ngày nhận tin phải ở lại đơn vị, tôi chỉ nhắn trước một tin để vợ an tâm. Tôi cũng không quên trấn an cô ấy: "Anh sẽ cố gắng để có thể về với em và các con sớm nhất”.

Bé lớn nhà tôi năm nay 3 tuổi, còn cậu em kém một tuổi. Từ ngày dịch bùng phát, trường học đóng cửa, các con tôi được bà nội chăm sóc vì 2 vợ chồng đều đi làm cả ngày. Gặp các con, bao nhiêu mệt mỏi những ngày qua trong tôi như tan biến.

Chúng khoe với tôi tấm bảng mới. Hôm nay, tôi không kịp gặp vợ bởi cô ấy vẫn đang trong giờ làm việc tại cơ quan. Những ngày qua, chúng tôi chỉ thấy nhau qua màn hình điện thoại.

Dù muốn ở lại thêm chút nữa nhưng thời gian không cho phép. Tôi lên đường trở lại đơn vị để hoàn thành công việc và chuẩn bị ra chốt chống dịch vào lúc 17h30. “Khi nào thì bố lại về để cả nhà mình cùng ăn cơm tối?” Câu hỏi của con làm tôi nghẹn lại bởi chính tôi cũng chưa biết chính xác câu trả lời.

 Đơn vị của tôi được giao phụ trách chốt kiểm soát số 2 (trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) và chốt số 7 (gầm cầu Thanh Trì, điểm đầu của tỉnh lộ 379). Đây là 2 trong 22 chốt kiểm soát dịch Covid-19 được Hà Nội kích hoạt từ 6h ngày 14/7.

Đơn vị của tôi được giao phụ trách chốt kiểm soát số 2 (trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) và chốt số 7 (gầm cầu Thanh Trì, điểm đầu của tỉnh lộ 379). Đây là 2 trong 22 chốt kiểm soát dịch Covid-19 được Hà Nội kích hoạt từ 6h ngày 14/7.

Quản lý tuyến đường huyết mạch vào thủ đô không phải dễ dàng. Ban đầu mỗi ca trực có 11 người nhưng UBND TP Hà Nội sau đó quyết định tăng cường thêm lực lượng cho các chốt trọng điểm lên 20 người gồm CSGT, CSCĐ, công an huyện, thanh tra giao thông, cán bộ y tế, kiểm soát quân sự và đại diện UBND quận, huyện.

Khi tới chốt, tôi giao ban và phân công công việc cho các thành viên. Công việc của chúng tôi được chia làm nhiều khâu. CSGT ra hiệu cho xe đi vào khu vực kiểm tra. Lực lượng kiểm soát quân sự và công an huyện hướng dẫn người dân đảm bảo giãn cách, khai báo y tế theo quy định.

Sau ít phút, các nhân viên y tế thông báo hàng loạt trường hợp không có giấy xét nghiệm Covid-19. Các trường hợp này đều được hướng đến gặp chốt trưởng để tôi giải thích và yêu cầu quay đầu xe. Đa phần người dân đều chấp hành nhưng cũng không ít trường hợp chống đối, đòi hỏi chúng tôi có biện pháp cứng rắn.

Ảnh hưởng bởi hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 3, khoảng 22h, gió và mưa bắt đầu trút xuống.

Không có khách, chiếc xe này đã chuyển sang chở hàng hóa. Tôi phải lên kiểm tra thật kỹ để phát hiện các vi phạm khác nếu có.

Tôi cũng yêu cầu các khâu kiểm soát người dân phải được thực hiện nhanh chóng, tránh để họ chờ quá lâu.

Chúng tôi vẫn bám chốt dưới cơn mưa bởi chỉ cần lơ là, để lọt người từ vùng dịch thì có thể gây hậu quả khó lường.

Mưa về đêm mỗi lúc thêm nặng hạt. Thỉnh thoảng một vài đồng đội nghỉ giải lao, đứng từ trong lều nhìn về cơn mưa trắng trời. Có lẽ họ cũng chung nhớ nhà như tôi.

Nửa đêm, mọi người thay nhau ăn lót dạ để đảm bảo luôn có lực lượng ứng trực. Thỉnh thoảng, tổ công tác lại được người dân và chính quyền địa phương đồ hỗ trợ đồ ăn gồm hoa quả, bánh mì, rau củ…

Gần hết ca trực, quần áo của tôi và đồng đội ướt sũng. Người cũng run lên vì ngấm lạnh từ nước mưa.

0h30, mưa dứt cũng là lúc tôi kết thúc công việc và trở về đơn vị nghỉ ngơi. Từ gương chiếu hậu của xe, tôi nhìn về ánh đèn từ chốt kiểm dịch cứ thế mờ dần rồi khuất hẳn. Các kíp trực của đơn vị nối tiếp nhau. Khi tôi về nghỉ cũng là lúc những chiến sĩ khác bắt đầu làm việc. Đêm nay, có lẽ ca trực sẽ vất vả hơn mọi ngày.

Mỗi ngày, công việc của tôi cứ thế trôi qua. Vất vả nhưng các thành viên chốt kiểm soát vẫn giữ tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chúng tôi động viên nhau nỗ lực làm việc để một ngày không xa, mọi người đều khỏe mạnh và được trở về với gia đình khi tan ca.

Hồng Quang - Phạm Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dem-mua-o-chot-kiem-soat-covid-19-post1242545.html