Đến năm 2020 sẽ hoàn chỉnh dự án cơ sở dữ liệu dân cư

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 8-11, việc xây dựng Chính phủ điện tử là nội dung được các đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã rõ thêm những nội dung chỉ đạo và kết quả triển khai thực hiện của Thủ tướng Chính phủ về về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN.

Đến năm 2020 sẽ hoàn chỉnh dự án cơ sở dữ liệu dân cư

Đặt vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử nhưng những cơ sở xây dựng dữ liệu dùng chung cho quốc gia như lĩnh vực đất đai, hộ tịch, hộ khẩu, doanh nghiệp và một số lĩnh vực khác triển khai quá chậm, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về giải pháp đột phá để khắc phục tình trạng trên, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay, có khoảng 5 cơ sở dữ liệu dùng chung mang tính nền tảng quốc gia. Trong số này, có 3 cơ sở dữ liệu “tương đối ổn”, 2 cơ sở dữ liệu bị chậm là cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai. Tháng 10 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Công an về dự án dữ liệu dân cư và đã bàn, tìm ra giải pháp, cách thực hiện.

“Dự án đã được phê duyệt, được đưa vào dự án đầu tư công trên mạng và cũng đã bắt đầu có tiền ngân sách. Thực ra, Bộ Công an đã triển khai rồi, 75 triệu dữ liệu người dân đã được quét, đưa vào hệ thống. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ tích cực và chúng tôi đã đặt mục tiêu là đến năm 2020, dự án cơ sở dữ liệu dân cư này sẽ cơ bản hoàn chỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đối với cơ sở dữ liệu đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và cũng tìm ra được giải pháp.

"Trước đây chúng ta nghĩ nó là một dự án rất lớn thì hiện nay chúng ta tư duy là 1+ 63, nghĩa là 63 địa phương và có 1 tập trung. Năm nay sẽ xong thiết kế sơ bộ, xong tiêu chuẩn kết nối, xong một số nền tảng để đầu năm 2020 triển khai đồng loạt ra 63 tỉnh, thành phố, cơ quan bộ, cơ quan trung ương", Bộ trưởng nêu rõ.

Sẽ sớm ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0

Sau đó, làm rõ thêm những nội dung chỉ đạo và kết quả triển khai thực hiện của Thủ tướng Chính phủ về về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Sau 20 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả khích lệ. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn là nhiều kết quả chưa như mong đợi.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trước tình hình trên, năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế-xã hội cũng như hội nhập quốc tế. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17 xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2025, trong đó có tập trung hoàn thiện thể chế. Đến thời điểm thích hợp, Chính phủ sẽ nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành Luật Chính phủ điện tử.

Vấn đề rất quan trọng khác là nền tảng hạ tầng công nghệ, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sẽ sớm ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0. Đây là điều rất quan trọng để các cơ quan, các nhà mạng căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn để bảo đảm các phần mềm được kết nối. “Hạ tầng công nghệ thông tin phải bảo đảm an ninh thông tin. Hạ tầng dùng chung, hiện đã có mạng truyền số liệu cho các cơ quan Đảng, chính quyền”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm hiện cơ bản hoàn thành, đã tinh lọc được 85 triệu thẻ bảo hiểm; cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp hiện đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện liên quan đến Thuế, Hải quan. Còn hai nội dung lớn liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tới đây Thủ tướng sẽ chủ trì để nghe Bộ Công an báo cáo, tháo gỡ. Đồng thời, bổ sung vốn đầu tư công dự phòng cho việc này; cơ sở dữ liệu quốc gia, đất đai cũng đang tiếp tục xem xét.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh thực trạng hiện nay là, các cơ sở dữ liệu vừa phân tán vừa tập trung. Ví dụ như cơ sở dữ liệu quốc gia từ dân cư tập trung giao Bộ Công an, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm giao cho Cơ quan bảo hiểm. Một số khác phân tán tại các địa phương, các thành phố. “Vì đây là cơ sở quản lý để thành các thủ tục liên quan đến phục vụ nhân dân và các cơ sở dữ liệu khác hiện vẫn đang do các bộ, ngành, địa phương quản lý”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để triển khai thành công Chính phủ điện tử đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải triệt để tuân thủ nguyên tắc, tập trung nguồn lực để tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, lựa chọn những dịch vụ công thiết yếu để thực hiện trước.

Theo lộ trình, cuối tháng 11 này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Thời điểm này có thể đưa một số các dịch vụ lên Cổng như nộp thuế doanh nghiệp, cấp đổi giấy phép lái xe trong nước và quốc tế, cấp điện trung áp, hạ áp… Tiếp theo đó, quý 1 năm 2020, sẽ thực hiện cung cấp danh mục dịch vụ công thuế thu nhập cá nhân, cấp đăng ký khai sinh, thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thu phí, lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy…

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/den-nam-2020-se-hoan-chinh-du-an-co-so-du-lieu-dan-cu-599448