Đến năm 2045 chúng ta sẽ như thế nào?

) - Cháu nội tôi sinh năm 2012, đến năm 2045, sẽ bước vào tuổi 33, còn cháu cố tôi (con của cháu ngoại chị tôi) sinh năm 2018 thì mới 27 tuổi.

Như vậy liệu bây giờ chúng ta có thể định hướng nghề nghiệp tương lai của chúng không? Và như thế nào?

Trong cuốn sách mới nhất, “21 bài học cho thế kỷ 21” (21 lessons for the 21st century), Yuval Noah Harari, giáo sư về lịch sử thế giới tại đại học Hebrew, Israel, đề cập đến giáo dục với cách tiếp cận mới mẻ so với các nhà giáo dục khác. Ông viết: “Con người đang đối diện với các cuộc cách mạng chưa từng biết, tất cả các câu chuyện cũ tàn héo, còn câu chuyện mới thì chưa xuất hiện để thay thế” (sách đã dẫn,tr. 260-263, Nhà xuất bản Jonathan Cape, London, 2018).

Cách đây gần 200 năm, Tuyên ngôn Cộng sản viết rằng “tất cả vật chất sẽ tiêu vong”, tuy vậy, lúc đó, K. Marx và F. Engels, chỉ nói về các cấu trúc kinh tế-xã hội. Còn vào năm 2045, các cấu trúc trí tuệ và thân thể của con người cũng có thể “tiêu vong”, tan thành không khí hoặc thành những đám mây dữ liệu.

Vào năm 1845 (hai thế kỷ trước) hàng triệu nông dân mất việc và di cư vào những thành phố lớn tìm công ăn việc làm trong các xí nghiệp, nhưng khi vào thành phố lớn, họ cũng không thể thay đổi gen hay thêm vào giác quan thứ sáu. Và nếu họ tìm được việc trong một xưởng dệt, họ chỉ có thể hi vọng duy trì nghề đó trong suốt cuộc đời.

Nhưng vào năm 2045, con người có thể di cư trên không gian mạng, với định dạng gen lỏng và những cảm giác mới do công nghệ cấy ghép trên vi tính.

Và nói chung, vào giữa thế kỷ 21, con người có thể hẹn hò nhau trong một không gian ảo và vẫn thấy hạnh phúc, tất nhiên cảm giác về hạnh phúc có thể cũng rất khác với con người của thời gian trước đó.

Harari viết: “Con người thường nghĩ rằng thuật toán không bao giờ có thể đưa ra các quyết định quan trọng, vì các quyết định quan trọng thường liên quan đến đạo đức, mà thuật toán thì không hiểu gì về đạo đức. Nhưng cũng không có lý do gì để khăng khăng rằng thuật toán sẽ chẳng thể đưa ra các quyết định đạo đức khi mà điện thoại thông minh và xe tự lái đang có thể nắm bắt các vấn đề đạo đức vốn là độc quyền của con người từ bao đời nay” (trang 56, “21 bài học cho thế kỷ 21”).

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị cho con cái, cháu chắt của mình trong một thế giới khó đoán định như thế?

Như trên đã nói, cháu nội và cháu cố tôi sẽ vào tuổi trên dưới 30 vào năm 2045. Nếu tất cả mọi việc đều suôn sẻ, những đứa trẻ ấy sẽ còn sống vào năm 2100, và thậm chí vẫn là một công dân năng động vào thế kỷ 22. Vậy chúng ta bây giờ sẽ dạy chúng cái gì để nó có thể tồn tại và hạnh phúc trong thế giới của năm 2045, 2050 hay trong thế kỷ 22?

Loại kỹ năng nào nó sẽ cần đến để kiếm việc làm, và hiểu thấu những gì xảy ra chung quanh nó, và đủ sức giải quyết các khó khăn hỗn độn của cuộc sống lúc bấy giờ?

Thật khó để chúng ta hình dung thế giới năm 2045 sẽ như thế nào, nên rất khó trả lời rõ ràng những câu hỏi như thế.

Tất nhiên không ai có thể tiên đoán tương lai một cách chính xác. Nhưng ngày nay khó khăn hơn trước rất nhiều, bởi vì ngày nay khi mà công nghệ cho phép chúng ta có thể chế tạo ra thân thể, não bộ và trí tuệ con người, thì chúng ta không còn chắc chắn về bất cứ điều gì nữa, kể cả những thứ trước đây hình như là cố định và bất biến.

Ví dụ: 1000 năm trước, vào năm 1019, có nhiều chuyện mà con người đã không biết về tương lai, nhưng, dù vậy, họ tin rằng, những cái căn bản của xã hội loài người là không thay đổi.

“Nếu bạn đã sống ở Trung Quốc vào năm 1018, bạn có thể chưa biết rằng vào năm 1050, nhà Tống sẽ sụp đổ, người Kim từ phương Bắc sẽ xâm lăng và nạn dịch tả giết chết hàng triệu người. Tuy vậy, bạn có thể biết chắc rằng vào năm 1050 phần lớn con người vẫn lao động bằng nghề nông hoặc dệt vải, những nhà chính trị vẫn xây dựng chính quyền và quân đội dựa trên con người; xã hội vẫn theo phụ hệ, đàn ông thống trị xã hội, tuổi thọ bình quân là 40, và thân thể con người hoàn toàn có cấu trúc giống nhau. Các gia đình nghèo thì dạy con cái làm nông và dệt vải. Nhà giàu thì dạy con trai đọc tứ thư ngũ kinh và chiến đấu trên lưng ngựa, dạy con gái tam tòng tứ đức, làm vợ, làm mẹ, nội trợ”.

Nhưng, theo Harari, vào năm 2018 (và nay 2019) chúng ta sẽ khó hình dung về năm 2050, thậm chí năm 2045. Như vậy, có thể những gì mà chúng ta dạy con em bây giờ chẳng ăn nhập hay có hiệu quả vào những năm đó.

Chúng ta sẽ khó có thể dự đoán được thị trường lao động năm 2045, 2050 sẽ như thế nào, cho dù mọi người gần như đồng ý rằng trí tuệ nhân tạo và người máy sẽ làm thay đổi các dây chuyền sản xuất, từ sản xuất giày dép cho đến quy trình chế tạo bom hạt nhân hay một quy trình tập yoga như Harari viết.

Tự động hóa, dù tạo ra việc làm mới, nhưng lại làm mất nhiều việc làm hơn. Tự động hóa sẽ tạo ra thất nghiệp như thế kỷ 19. Kể từ Cách mạng nông nghiệp1, “cứ một việc làm bị mất sẽ bù lại một việc làm mới” và mức sống bình quân cũng tăng lên rõ, nhưng trí tuệ nhân tạo của thế kỷ 21 sẽ không như vậy, đó là một “nhân tố thay đổi” rất khó lường. (trang 19, sđd)

Vào cuối thế kỷ 20, người ta tin rằng ai nắm được thông tin sẽ có khả năng thành công hay chiến thắng.

Nhưng vào thế kỷ 21 thì vấn đề không còn là thông tin nữa mà là dữ liệu lớn. Ai nắm được dữ liệu sẽ có tương lai.

Theo Harari, các chính phủ trên thế giới sẽ không quản lý nổi dữ liệu so với các công ty công nghệ nên có khả năng thế giới sẽ hình thành những đế chế công nghệ với những nhà “độc tài số” mới như Facebook, Google...

Chỉ còn 26 năm nữa chúng ta sẽ chào đón 2045. Thời gian sẽ rất nhanh. Nhưng liệu chúng ta có khẳng định được những gì là chắc chắn, ít nhất là một nghề nghiệp hay công việc, cho các cháu chắt của chúng ta?

Không ai có thể tự tin trả lời, cho dù là các thuật toán, bởi vì chính “trí tuệ nhân tạo” và “người máy” cũng là câu hỏi lớn!

Tuy vậy, tôi có niềm tin rằng: các cháu, chắt của tôi và thế hệ của chúng ở Việt Nam vào năm 2045 sẽ “tự do và hạnh phúc” hơn chúng ta bây giờ và chúng vẫn phải tiếp tục sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc.

Và chúng cũng chiến đấu bằng tất cả sự thông minh của mình để giành quyền bình đẳng giữa người và người, bởi vì nhiều tác giả cho rằng “giữa vô vàn sự khó đoán của thế kỷ 21 có một sự có thể đoán được là “tỉ lệ bất công thu nhập của thế giới” sẽ quay lại y như thời thế kỷ 19.

Thật khó có thể chuẩn bị trước cho mọi vấn đề của tương lai. Nhưng hãy suy nghĩ và hành động ngay tử bây giờ cho những bất định của ngày mai!

1 (có 3 cuộc cách mạng nông nghiệp: 1/ 10.000 năm trước Công nguyên, người tiền sử chuyển đổi từ hái lượm sang trồng trọt; 2) Thế kỷ 17-19: ở châu Âu tăng năng suất lao động và năng suất sản xuất nông nghiệp nhờ máy móc và thị trường; 3) Những năm 30-60 của thế kỷ 20: gọi là Cách mạng xanh, chủ yếu tăng năng suất nông nghiệp tại các nước đang phát triển)

Trần Ngọc Châu

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/den-nam-2045-chung-ta-se-nhu-the-nao/374214.vgp